CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

THỰC TRẠNG KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM ÁN DÂN SỰ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

 

Kháng nghị phúc thẩm án dân sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát nói chung và kiểm sát hai cấp tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Kháng nghị là kết quả của sự sáng tạo, miệt mài nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ của kiểm sát viên và sự chỉ đạo quyết đoán của lãnh đạo Viện đối với mỗi bản án, quyết định do Tòa án ban hành.

Chính vì vậy, ngay từ lúc nhận hồ sơ nghiên cứu chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên hai cấp tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng nghiên cứu tài liệu, đánh giá chứng cứ, thực hiện quyền yêu cầu xác minh thu thập chứng cứ để đảm cho việc giải quyết vụ án, dự kiến những vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa. Ngay sau khi tham gia kiểm sát xét xử, Kiểm sát viên cấp huyện gửi ngay qua hòm thư công vụ kết quả xét xử về cấp tỉnh để phòng nghiệp vụ nhận thông tin để chỉ đạo. Khi nghiên cứu bản án, quyết định, Kiểm sát viên cần phối hợp với cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo, nhanh chóng nghiên cứu cả về hình thức và nội dung của bản án. Về hình thức, cần đảm bảo kết cấu của bản án theo quy định của Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Về nội dung, cần chú trọng vấn đề xác định mối quan hệ pháp luật và áp dụng pháp luật, căn cứ Tòa án chấp nhận hoặc bác bỏ yêu cầu của đương sự… Để xây dựng bản kháng nghị có chất lượng, Viện kiểm sát hai cấp áp dụng nghiêm túc mẫu kháng nghị theo quy định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đảm bảo đúng kết cấu gồm các phần: Nhận thấy, xét thấy và quyết định.

Phần nhận thấy phải nêu được số, ngày bản án kháng nghị, quan điểm khởi kiện của nguyên đơn, quan điểm phản biện của bị đơn, những đề nghị của người có quyền lợi liên quan, kết quả án tuyên.

Phần xét thấy phải thể hiện được những lập luận, đánh giá của Viện kiểm sát liên quan đến nội dung kháng nghị. Trong đó có viện dẫn điều luật cụ thể và chỉ rõ những sai sót, vi phạm của bản án.

Phần quyết định phải thể hiện được quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát kháng nghị một phần hay toàn bộ bản án.

Qua 5 năm thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (2016 – 2021), Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 185 kháng nghị phúc thẩm, tập trung chủ yếu là án liên quan đến đất đai, chia thừa kế, chia tài sản chung. Trong đó: 

+ Kháng nghị ngang cấp: 116 kháng nghị. Gồm:  

Cấp huyện kháng nghị bản án, quyết định của Tòa cấp huyện: 107.

Cấp tỉnh kháng nghị bản án, quyết định của Tòa cấp tỉnh: 9. 

+ Kháng nghị trên cấp (VKS tỉnh kháng nghị án do Tòa cấp huyện ban hành): 69.

Số kháng nghị VKS rút tại cấp phúc thẩm: 11.

Trong đó: 

+ VKS rút lý do kháng nghị không còn do bản án sơ thẩm đã được thi hành: 01 vụ

+ VKS rút do đương sự không yêu cầu bảo vệ quyền lợi: 02 vụ

+ VKS rút do đương sự rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện; ĐCXXPT, hủy án: 08 vụ.

Tổng số vụ án xét xử có kháng nghị: 170. Kết quả:

+ Số kháng nghị của VKS ngang cấp được chấp nhận/tổng số kháng nghị đã được xét xử xong theo thủ tục phúc thẩm: 101/104 = 97,1% (vượt 17,1% so với chỉ tiêu Quốc Hội giao là 80%).

Số kháng nghị của VKS ngang cấp không được chấp nhận/tổng số kháng nghị đã được xét xử xong theo thủ tục phúc thẩm: 03/104 = 2,9% (chỉ tiêu Quốc Hội giao 20%).

Số kháng nghị của VKS cấp trên trực tiếp được chấp nhận/tổng số kháng nghị đã được xét xử xong theo thủ tục phúc thẩm: 66/66 = 100% (Chỉ tiêu ngành giao 90%).

Số kháng nghị của VKS được HĐXX chấp nhận sửa án/tổng số bản án, quyết định bị HĐXX sửa án (trừ sửa thỏa thuận): 137/138 – sửa không chấp nhận kháng nghị 01 vụ).

Số kháng nghị của VKS được HĐXX chấp nhận hủy án/tổng số bản án, quyết định bị HĐXX hủy án: 26/26.

Để đạt được những chỉ tiêu trong công tác kháng nghị phúc thẩm án dân sự, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt những kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, số lượng kháng nghị như sau:

Thứ nhất: Kinh nghiệm nhận diện vi phạm

Nếu như nắm vững các phương pháp, kỹ năng kiểm sát bản án sẽ giúp cho các Kiểm sát viên làm công tác dân sự luôn chủ động trong việc kháng nghị phúc thẩm, thì nhận diện tốt những vi phạm của bản án, sẽ giúp cho kháng nghị của Viện kiểm sát đạt hiệu quả, chất lượng và uy tín của ngành kiểm sát với nhân dân ngày càng được nâng lên. Do vậy, để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, trước hết mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải nhận diện được những vi phạm của bản án. Trên thực tế thường có các dạng vi phạm điển hình như sau:

a) Vi phạm về tố tụng

* Xác định không đầy đủ, chính xác những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vi phạm khoản 4 Điều 68 BLTTDS. Ví dụ:

Bản án số 03/12.7.2021 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên về “Kiện đòi quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại tài sản”, giữa nguyên đơn chị Trần Thị Thơm và bị đơn bà Hoàng Thị Long không đưa những thành viên trong gia đình hộ bà Long tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Bản án 06/29.7.2021 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên về “yêu cầu tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu” giữa ông Nguyễn Đức Toạn và bà Nguyễn Thị Tân. Trong quá trình giải quyết, bản án sơ thẩm không đưa Văn phòng công chứng số 1 chứng thực giao dịch tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

* Giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện hoặc giải quyết không đầy đủ yêu cầu khởi kiện của đương sự; không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quyền lợi của đương sự liên quan đến việc quản lý di sản, công sức đóng góp tôn tạo di sản, vi phạm Điều 5 BLTTDS.

Bản án số 19 ngày 31/5/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long xét xử vụ Tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn Bùi Trọng Nam và bị đơn Bùi Văn Tường. Quá trình Tòa án thụ lý yêu cầu chia thừa kế, bị đơn yêu cầu phản tố tuyên bố Văn bản thỏa thuận phân chia di sản vô hiệu, đơn đảm bảo các tiêu chí nhưng Tòa án không thụ lý, giải quyết yêu cầu này vì cho rằng ông Tường không giao nộp được chứng cứ. Hơn nữa, nguyên đơn chỉ yêu cầu chia di sản của cụ Thảo, nhưng bản án lại chia cả di sản của ông Quát (là con của cụ Thảo đã chết) là vượt quá phạm vi đương sự khởi kiện, vi phạm Điều 5, Điều 200, Điều 202, Điều 191 BLTTDS.

Bản án số 03/2021/DSST ngày 13/4/2021, của Toà án nhân dân thành phố Móng Cái xét xử vụ Tranh chấp yêu cầu thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa nguyên đơn Bùi Đức Tần và bị đơn bà Đỗ Thị Chiên (bàn giao nhà, đất). Quá trình giải quyết, bị đơn bà Chiên có đơn phản tố, yêu cầu tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất vô hiệu. Các yêu cầu phản tố của bà Chiên thuộc phạm vi quan hệ pháp luật đang được Tòa án giải quyết tranh chấp theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đối trừ nghĩa vụ với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng Tòa án nhân dân thành phố Móng Cái không thụ lý giải quyết các yêu cầu này nên đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị đơn.

* Không xem xét yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự: 

Cũng bản án số 03/2021/DSST ngày 13/4/2021 nêu trên, bị đơn bà Chiên cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đều yêu cầu Hội đồng xét xử áp dụng thời hiệu khởi kiện nhưng không được Hội đồng xét xử xem xét, trong khi thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết, là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.      * Vi phạm trong thu thập, đánh giá chứng cứ: 

Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2020/DS-ST ngày 28/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn xét xử vụ án Tranh chấp đòi lại tài sản giữa nguyên đơn anh Nguyễn Văn Kỳ, chị Nguyễn Thị Phương Liên và các bị đơn Lê Văn Bối, Phạm Thị Luyến, Lê Văn Ninh, Lê Văn Đức. Vụ án có nội dung: cụ Lê Văn Bội và cụ Nguyễn Thị Bồ có 09 người con chung.Tài sản chung của hai cụ gồm: 01 ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 472,2 m2 đất (400m2 đất ở, đất vườn tạp 72,2m2). Năm 1996, cụ Bội chết không để lại di chúc, cụ Bồ chuyển về Quảng Yên sinh sống. Nhà và quyền sử dụng đất trên do vợ chồng anh Lê Văn Bối (con trai), chị Phạm Thị Luyến sử dụng. Năm 2003, UBND huyện   cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Bồ. Ngày 09/3/2010, cụ Bồ đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên cho chị Nguyễn Thị Phương Liên với giá 480.000.000 đồng, chị Liên đã hoàn tất việc đăng ký và được UBND huyện Vân Đồn cấp Giấy CNQSD đất. Sau khi nhận chuyển nhượng vợ chồng chị Liên, anh Nguyễn Văn Kỳ đã nhiều lần yêu cầu ông Bối, bà Luyến cùng hai người con là Lê Văn Ninh, Lê Văn Đức bàn giao nhà đất đã mua nhưng không được chấp nhận. Nay anh Kỳ, chị Liên khởi kiện yêu cầu gia đình ông Bối, bà Luyến bàn giao lại cho anh chị nhà đất trên diện tích đất 472,2 m2 và tháo dỡ tài sản xây dựng trên đất trả lại nguyên hiện trạng đất ban đầu vì cho rằng: anh chị là người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự.

Bản án có vi phạm đó là:

+Tại các Biên bản thẩm định tại chỗ chưa ghi rõ kết quả xem xét thẩm định, chưa mô tả rõ hiện trường; Sơ đồ kèm theo biên bản thẩm định chỉ thể hiện phần diện tích đất tranh chấp theo hiện trạng sử dụng diện tích 608,8m2  mà chưa thể hiện vị trí, ranh giới đất theo Giấy CNQSD đất đã cấp cho cụ Bồ (được cụ Bồ chuyển nhượng cho chị Liên), chưa thể hiện vị trí, ranh giới phần diện tích đất dôi dư, vi phạm về thẩm định tại chỗ quy định tại khoản 2 Điều 101 BLTTDS.

+ Bản án sơ không thu thập chứng cứ làm rõ nguồn gốc, thời điểm sử dụng, chủ sử dụng đất đối với diện tích đất dôi dư không có giấy tờ và không được cụ Bồ chuyển nhượng cho chị Liên theo quy định của Luật đất đai, làm căn cứ giải quyết vụ án là thiếu sót, vi phạm Điều 97 BLTTDS.

+ Theo hợp đồng chuyển nhượng, cụ Bồ chỉ chuyển nhượng cho chị Liên quyền sử dụng 472,2 m2 đất theo Giấy CNQSD đất; đối với phần diện tích ngoài Giấy chứng nhận 136,6 m2, bản án căn cứ hồ sơ xin cấp Giấy CNQSD đất của cụ Bồ để và nội dung nhận định của UBND huyện Vân Đồn cho rằng ranh giới thửa đất không có sự thay đổi so với thời điểm cấp đất cho cụ Bồ, từ đó xác lập cho nguyên đơn quyền sử dụng 136,6m2 đất dôi dư là đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện và thiếu căn cứ pháp luật, vi phạm Điều 108, Điều 266 BLTTDS

b) Vi phạm về nội dung

Bản án số 39 ngày 25/6/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả xét xử vụ Chia tài sản sau ly hôn, giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Chiên và bị đơn Nguyễn Thanh Hồng. Sau khi ly hôn, anh Hồng đã gửi tiết kiệm 480.000.000đồng. Bản án tuyên xác lập quyền sở hữu cho chị Chiên 400.000.000đồng, nhưng buộc Ngân hàng phải chi trả cho chị Chiên toàn bộ 480.000.000đồng là vượt quá số tiền chị Quyên được sở hữu và trái với quy định rút tiền gửi của ngân hàng (SHB), vi phạm Điều 5, 6 Thông tư 23 ngày 19/8/2004 của Ngân hàng Nhà nước, gây khó khăn khi thi hành án. Theo đó, ngân hàng chỉ chi trả tiền cho người gửi tiết kiệm là anh Hồng.

Bản án số 01/2021 ngày 25/5/2021 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên xét xử vụ Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Vân và bị đơn Nguyễn Mạnh Hồng, Đinh Thị Liên. Thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng chung của vợ chồng bà Vân, nay chồng bà Vân đã chết nhưng có hàng thừa kế thứ nhất là bà Vân và anh Vũ Trọng Hinh, anh Vũ Thanh Tân Bản án tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, nhưng buộc bị đơn trả lại quyền sử dụng đất cho riêng bà Vân là chưa đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế, vi phạm điểm a, khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015.

Phần cuối bản án quy định về quyền kháng cáo cho đương sự nhưng không đề cập đến quyền kháng cáo của anh Hinh, anh Tân là vi phạm điểm c, khoản 2 Điều 266 và Điều 271 BLTTDS.

Bản án số 05 ngày 29/6/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Móng Cái xét xử vụ Tranh chấp giao dịch chuyển nhượng nhà, đất giữa nguyên đơn Bùi Thị Mười và bị đơn Nguyễn Văn Đường, Phạm Thị Tuận. Nguyên đơn tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng 1.348m2 đất đã bị Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng. Bản án đã chấp nhận đơn khởi kiện là phù hợp nhưng sau đó lại xác lập quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là chưa đảm bảo, vì khu đất đã bị thu hồi và UBND thành phố Móng Cái đã bàn nhận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, vi phạm khoản 11, Điều 3 Luật đất đai 2013.

Bản án số 19 ngày 31/5/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long xét xử vụ Tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn Bùi Trọng Nam và bị đơn Bùi Văn Tường. Trong vụ án, ông Quát chết năm 2003 sau thời điểm cụ Điện (bố) chết và trước khi cụ Thảo (mẹ) chết. Bản án cho rằng ông Quát chết trước cụ Điện và chết sau cụ Thảo là không đúng. Từ đó, bản án xác định bà Cà (vợ ông Quát) là người được hưởng di sản thừa kế là vi phạm Điều 652 BLDS. Đồng thời, bản án chưa xem xét đề nghị của đương sự chỉ định  người quản lý di sản là vi phạm Điều 616 BLDS.

Bản án 35/04.8.2021 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên về “Ly hôn, tranh chấp nuôi con” giữa nguyên đơn chị Vũ Thị Huyền Trang và bị đơn anh Đinh Văn Lượng. Bản án sơ thẩm tuyên giao cho chị Trang được sở hữu tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân 01 thửa đất 175m2 trị giá 175.000.000 đồng nhưng không tuyên cụ thể số hiệu, địa chỉ thửa đất…gây khó khăn cho thi hành án, vi phạm khoản 2 Điều 266 BLTTDS.

c) Vi phạm về án phí

Bản án số 02 ngày 9/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn xét xử vụ án Tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn Hà Xuân Kinh và bị đơn Công ty TNHH Quan Minh. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, bị đơn không phản tố chỉ đưa ra quan điểm cho rằng hợp đồng vô hiệu. Bản án tuyên vô hiệu hợp đồng và buộc nguyên đơn chịu án phí do hợp đồng vô hiệu là vi phạm khoản 1 Điều 147 BLTTDS và khoản 1, Điều 26, khoản 3 Điều 27 Nghị quyết 326 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Bản án số 05/27.7.2021 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên về “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn bà Bùi Thị Bình và bị đơn anh Lê Văn Định. Quá trình xét xử, các con của bà Bình đã nhận kỷ phần thừa kế và có quan điểm tặng cho mẹ toàn bộ. Bản án xác định bà Bình có nghĩa vụ chịu án phí chia thừa kế đối với toàn bộ cả phần được các con tặng cho và xét miễn án phí do thuộc diện người cao tuổi, mà không tuyên buộc những người được hưởng thừa kế là các con phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần di sản thừa kế họ được hưởng khi chia thừa kế là vi phạm điểm a, khoản 7 Điều 27 NQ 326/30.12.2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước.

d) Vi phạm về hình thức bản án, quyết định:

Bản án số 22 ngày 23/6/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long xét xử vụ Tranh chấp hợp đồng mượn quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Phạm Thị Mùi và bị đơn Nguyễn Văn Xuyển, Phạm Thị Thu. Bản án không ghi rõ quan điểm của Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (9 đương sự), vi phạm Nghị quyết 01 ngày 13/1/2017 của Tòa án nhân dân tối cao. Bản án tuyên nghĩa vụ thanh toán nhưng không xác định nghĩa vụ chậm trả khi thi hành án là vi phạm khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01 ngày 11.01.2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Bản án số 16 ngày 17/5/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long xét xử vụ Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Trần Văn Kim, Vũ Thị Huệ và bị đơn Nguyễn Minh Quân, Đoàn Thị Giáo có xác định nghĩa vụ chậm trả khi thi hành án nhưng không ấn định thời điểm kết thúc nghĩa vụ “đến khi thi hành án xong”, là thiếu sót.

Bản án số 19 ngày 31/5/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long xét xử vụ Tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn Bùi Trọng Nam và bị đơn Bùi Văn Tường: Xác định không đúng tên người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Phòng công chứng số 1 Quảng Ninh, bản án xác định là Văn phòng công chứng số 1 Quảng Ninh là không chính xác; nguyên đơn yêu cầu chia di sản và đề nghị cử ông Hồng, bà Thanh là người quản lý di sản. Bản án chi thể hiện quan điểm của nguyên đơn về yêu cầu chia di sản mà chưa đề cập đến các yêu cầu còn lại là thiếu sót. 

Quyết định đình chỉ số 22/16.7.2021 của Tòa án Đông Triều giải quyết vụ án “ Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng cổ phần Quốc tế Việt Nam và bị đơn An Đăng Sơn, Vũ Thị Hồng: thiếu tên và địa chỉ của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vi phạm mẫu số 46 ban hành kèm theo Nghị quyết 01/13.01.2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Bản án số 05/27.7.2021 của Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên về “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn bà Bùi Thị Bình và bị đơn anh Lê Văn Định. Trong vụ án này, Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ và thành lập Hội đồng định giá tài sản đối với quyền sử dụng 2.760m2 đất và tài sản trên đất tranh chấp di sản thừa kế. Mặc dù bản án đã đề cập tới chi phí tố tụng về thẩm định, định giá do bà Bình tự nguyện nhận chịu, nhưng phần quyết định của bản án lại chưa đề cập đến chi phí tố tụng là thiếu sót vi phạm điểm c, khoản 2 Điều 266BLTTDS.

Thứ hai: Kinh nghiệm ban hành kháng nghị

Để kháng nghị phúc thẩm được Tòa án phúc thẩm chấp nhận, đạt và vượt chỉ tiêu, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu phát hiện vi phạm, ra văn bản kháng nghị và đưa ra những lập luận vững chắc để bảo vệ kháng nghị đó tại phiên tòa. Để làm tốt, Kiểm sát viên phải có kỹ năng dự thảo nội dung cần kháng nghị, đó là: 

Kháng nghị phải chia thành từng ý nhỏ với lập luận khúc triết, văn phong dễ hiểu và dựa trên phân tích các căn cứ pháp luật. Mỗi dạng vi phạm sẽ được thể hiện rành mạch, rõ nghĩa để được Hội đồng xét xử xem xét toàn diện nhất, đầy đủ nhất.

Kháng nghị từ những chi tiết nhỏ nhất như: Số, hiệu bản án; việc trích dẫn mối quan hệ pháp luật…đến các nội dung liên quan đến quyền lợi của đương sự như: xác định tư cách tham gia tố tụng, về áp dụng pháp luật, về tính logic trong bản án qua phần nhận định và quyết định (vì đây là những nội dung mà Tòa án thường không chú trọng và có nhiều sai sót nhất).

Kháng nghị nên chỉ ra những thiếu sót trong bản án mà không nên đưa ra hướng xử lý vụ án khi chưa có căn cứ vững chắc. Việc xử lý chấp nhận hay không chấp nhận đơn khởi kiện cần phụ thuộc vào quá trình thu thập chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm.

Phần cuối kháng nghị không đưa ra hướng giải quyết cụ thể (hủy án, sửa án hay y án), mà quan điểm này được trình bày khi Kiểm sát viên tham gia xét xử căn cứ vào diễn biến phiên tòa, để đề nghị hủy án, nếu không hủy án thì đề nghị sửa bản án hoặc giữ nguyên bản án (nếu Tòa án phúc thẩm khắc phục được các vi phạm của cấp sơ thẩm và bản chất vụ án không thay đổi).

Thứ ba. Kinh nghiệm bảo vệ kháng nghị

Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nội dung bản kháng nghị, kiểm tra các tài liệu chứng cứ kèm chứng minh cho nội dung kháng nghị; đồng thời, cần nghiên cứu quan điểm kháng cáo của đương sự để xác định giữa nội dung đương sự kháng cáo với nội dung Viện kiểm sát kháng nghị có đồng nhất hoặc mâu thuẫn nhau hay không.

Trao đổi sớm với Thẩm phán được phân công xét xử phúc thẩm để nắm bắt được những vấn đề sẽ chấp nhận hoặc không được chấp nhận. Từ đó tiếp tục nghiên cứu nội dung phản biện của Tòa án, nhằm đưa ra những chứng cứ xác đáng thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải tranh luận với đương sự theo từng vấn đề kháng nghị, chỉ ra được những tài liệu chứng cứ chứng minh cho nội dung kháng nghị, phải dựa trên những quy định của pháp luật để lập luận, quy nạp những vi phạm của cấp sơ thẩm, làm cơ sở đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận sửa hoặc hủy bản án, quyết định.

Chuẩn bị cho tháng nước rút tổng kết công tác kiểm sát năm 2021, toàn ngành kiểm sát đang tăng cường mọi biện pháp để hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ và về đích đúng thời hạn, đạt hiệu quả. Rất vui mừng khi đến thời điểm này, công tác kiểm sát án dân sự ở hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt và vượt chỉ tiêu, tập trung ở một số đơn vị như: Phòng 9, Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Đông Triều, Cô Tô. Và nữa, tỷ lệ số vụ án vi phạm đã được Viện kiểm sát phát hiện ban hành kháng nghị, được Tòa án chấp nhận đạt ở mức cao, hứa hẹn năm công tác 2021 với nhiều thành công hơn nữa./. 

                                                              Nguyễn Thị Thu Hòa

                                                                        VKS Quảng Ninh

Tin tức mới nhất