CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các hoạt động xác minh khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố


Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các hoạt động xác minh khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) lần đầu tiên quy định về các hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền được thực hiện khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi tắt là TGTBVTP). Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các quy định trên còn có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS quy định về các hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

“Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

b) Khám nghiệm hiện trường;

c) Khám nghiệm tử thi;

d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.”

Theo nguyên tắc bảo đảm pháp chế, quy định tại Điều 7 BLTTHS: Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.

Như vậy, nếu theo quy định tại Điều 7 BLTTHS, thì khi giải quyết TGTBVTP, cơ quan có thẩm quyền chỉ được quyền tiến hành 5 hoạt động cụ thể quy định từ điểm a đến điểm d khoản 3 Điều 147 BLTTHS.

Tuy nhiên, để giải quyết TGTBVTP, nếu chỉ áp dụng các biện pháp xác minh quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS, thì trong một số trường hợp cụ thể sẽ không xác định được vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không để ban hành quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Ví dụ: Trong nhiều tin báo về vụ việc tai nạn giao thông, quá trình giải quyết cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành tất cả các biện pháp xác minh quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS, nhưng vẫn chưa xác định được lỗi vi phạm của các bên liên quan. Trong trường hợp này để xác định được lỗi, qua đó xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không để ban hành quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án, cần thiết phải tiến hành thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường …

Ngoài ra, quy định tại Điều 147 BLTTHS cũng mâu thuẫn với các điều luật khác, cụ thể:

+ Tại điểm b khoản 1 Điều 110 BLTTHS quy định căn cứ bắt người trong trường hợp khẩn cấp: “Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;”

Để có chứng cứ xác định người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm thì phải cho bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm nhận dạng người bị nghi thực hiện tội phạm. Nhưng đối chiếu với quy định tại Điều 137 BLTTHS thì không có biện pháp nhận dạng.

+ Điều 83 BLTTHS quy định về quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố như sau:

“3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

…d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;”

Điều 191 BLTTHS quy định về biện pháp nhận biết giọng nói

“1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói.”

Căn cứ vào Điều 83 và 191 BLTTHS nêu trên thì có thể hiểu cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói trong quá trình giải quyết TGTBVTP, điều này mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS.

Có thể có quan điểm cho rằng, để thực hiện biện pháp đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì trước khi thực hiện các biện pháp này bắt buộc phải tiến hành khởi tố vụ án. Vì dù đã khởi tố vụ án, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố chưa bị khởi tố bị can thì họ vẫn có tư cách tố tụng là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, nên Điều 147 không mâu thuẫn với Điều 83, 191 BLTTHS. Quan điểm trên chỉ có thể đúng trong những trường hợp vụ việc đã xác định được dấu hiệu tội phạm (lúc đó mới có căn cứ để khởi tố vụ án). Còn đối với các trường hợp vụ việc chưa xác định được dấu hiệu tội phạm (như ví dụ vụ tai nạn giao thông nêu trên) hoặc khi áp dụng điểm b khoản 1 Điều 101 BLTTHS, thì không thể khởi tố vụ án trước khi tiến hành các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra được

Để thống nhất nhận thức khi áp dụng pháp luật, thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn về các biện pháp xác minh được áp dụng trong giai đoạn giải quyết TGTBVTP./.

                                              Lê Thị Nhung – VKSND thành phố Uông Bí

Tin tức mới nhất