CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Một số vướng mắc trong công tác thi hành án treo


Một số vướng mắc trong công tác thi hành án treo

 

Là một người cán bộ kiểm sát được phân công kiểm sát công tác thi hành án hình sự. Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi thấy còn một số vướng mắc, bất cập trong việc thi hành án treo như sau:

Thứ nhất, pháp luật chưa quy định cụ thể việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời điểm từ khi tòa án tuyên cho đến khi có Quyết định phân công người giám sát, giáo dục.

Khoản 1, 2 Điều 65 Bộ luật hình sự (BLHS) quy định:  

“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội nếu thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

2. Trong thời gian thử thách, tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục”.

Điều 4 Nghị quyết số 01/2013 và Điều 5 Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo.

Như vậy, ngay từ khi tuyên bản án treo thì Tòa án đã ấn định thời gian thử thách và đồng thời giao người đó cho tổ chức nơi họ làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú để giám sát, giáo dục. Thời gian thử thách tính từ ngày Tòa án tuyên bản án cho hưởng án treo đồng thời trong thời gian này người phạm tội phải có trách nhiệm pháp lý quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

Vì các lẽ trên, việc kiểm tra giám sát người được hưởng án treo có tuân theo các quy định của pháp luật trong thời gian thử thách hay không, phải được bắt đầu tính từ thời điểm ngày tuyên bản án cho đến khi người chấp hành án chấp hành xong thời gian thử thách. Nhưng qua thực tiễn cho thấy hồ sơ chấp hành án treo chỉ được lập kể từ khi có Quyết định thi hành án và khi hồ sơ được giao cho UBND cấp xã, đơn vị quân đội (ĐVQĐ) được giao giám sát, giáo dục. Vậy trong thời gian từ khi Tòa án tuyên bản án đến khi có Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục thì  UBND cấp xã, ĐVQĐ được giao giám sát, giáo dục sẽ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo như thế nào? Việc lao động, học tập của người được hưởng án treo có đúng theo quy định tại Điều 65 Luật thi hành án hình sự không?

Để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người được hưởng án treo và tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát thi hành án treo trong thời gian từ khi Tòa án tuyên án đến khi có Quyết định phân công người giám sát giáo dục, theo quan điểm của tôi cần có thông tư, nghị định hướng dẫn việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trước khi phân công người trực tiếp giám sát giáp dục và sửa đổi Điều 68 Luật thi hành án hình sự bằng cách thêm tài liệu mà UBND cấp xã, ĐVQĐ được giao giám sát, giáo dục cần bổ sung khi nhận hồ sơ như sau: Bản báo cáo công tác trong việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo của UBND cấp xã, ĐVQĐ được giao giám sát, giáo dục từ khi nhận người được hưởng án treo đến khi ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát giáo dục; bản nhận xét của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập (nếu người đó thuộc đối tượng tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 65 Luật thi hành án hình sự).

Thứ hai, pháp luật chưa quy định cụ thể thời hạn phải ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của họ cũng như chế tài xử lý khi xảy ra vi phạm:

Trong quá trình kiểm tra, giám sát hồ sơ, sổ sách thi hành án hình sự và trực tiếp kiểm sát người được hưởng án treo thực hiện nghĩa vụ của mình, tôi nhận thấy người trực tiếp giám sát, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc thi hành án treo.

Tại Khoản 1, khoản 3 Điều 64 Luật thi hành án hình sự quy định nghĩa vụ của người được hưởng án treo, thấy rằng nếu không có sự giám sát trực tiếp, sát sao kịp thời của cá nhân người được giao trực tiếp, giáo dục thì không thể phát hiện người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ và không đảm bảo việc thi hành án treo theo đúng luật quy định. Chính vì vậy, chỉ khi có người trực tiếp giám sát, giáo dục bản thân người được hưởng án treo sẽ có ý thức thực hiện nghĩa vụ của mình được quy định trong luật thi hành án hình sự, ngăn ngừa người được hưởng án treo tái phạm hoặc lợi dụng sự lơi lỏng để vi phạm pháp luật. Qua thực tiễn cho thấy, trong thời gian ban đầu khi thi hành án người được hưởng án treo rất dễ tái phạm hoặc vi phạm nghĩa vụ vì thời gian này người chấp hành án  chưa được cải tạo, giáo dục và rất khó hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, UBND cấp xã, ĐVQĐ được giao giám sát, giáo dục cần phải nhanh chóng kịp thời phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục ngay sau khi nhận hồ sơ thi hành án của Cơ quan thi hành án Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Việc chậm ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, ngăn ngừa người được hưởng án treo tái phạm mà còn ảnh hưởng đến việc đánh giá không chính xác điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Bộ luật hình sự.

Dựa vào các bản nhận xét của người trực tiếp giám sát, giáo dục và thời gian chấp hành của người được hưởng án treo đủ một phần hai thời gian thử thách, Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục đề nghị Tòa án rút ngắn thời gian thử thách theo Khoản 4 Điều 65 Bộ luật hình sự hoặc thực hiện việc kiểm điểm người được hưởng án treo theo Điều 67 Luật thi hành án hình sự hoặc xử phạt người được hưởng án treo theo khoản 5 Điều 67 Bộ luật hình sự: Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự  02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”. Vì vậy, trách nhiệm và nhiệm vụ của người trực tiếp giám sát, giáo dục là rất quan trọng trong việc đảm bảo công tác thi hành án được thực hiện đúng pháp luật. Bản án của tòa án thực sự nghiêm minh, có tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật khi người được hưởng án treo có nhiều tiến bộ, ăn năn, hối cải hay không phần lớn là do quá trình giám sát, giáo dục tại địa phương phải thực sự có hiệu quả mà vai trò của người trực tiếp giám sát, giáo dục rất quan trọng.  

Tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa quy định thời hạn UBND cấp xã, ĐVQĐ được giao giám sát, giáo dục phải ra Quyết định phân công người giám sát, giáo dục, đồng thời, chỉ quy định chung nhiệm vụ của UBND cấp xã, ĐVQĐ được giao giám sát, giáo dục mà chưa quy định cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ của người trực tiếp phân công giám sát, giáo dục. Dẫn đến việc trực tiếp giám sát, giáo dục không đảm bảo, còn mang tính hình thức, chỉ thể hiện trên giấy tờ mà không thực chất. Thực tế cho thấy người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ trong luật quy định như đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày không khai báo tạm vắng, đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng không có nhận xét của Công an nơi người đó đến cư trú… thường được bỏ qua hoặc không bị phát hiện.

Theo quan điểm của tôi để nâng cao chất lượng thi hành án treo cần sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 62 Luật thi hành án hình sự theo hướng quy định thêm: “Ngay sau khi nhận được hồ sơ thi hành án Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giáo giám sát, giáo dục phải ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục. Người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm, nhiệm vụ được quy định theo Bộ luật này”. Bổ sung, điều 63 Luật thi hành án hình sự quy định cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ của người trực tiếp giám sát, giáo dục. Đồng thời phải có thông tư, nghị định hướng dẫn về  hình thức kỷ luật, xử phạt phù hợp đối với trường hợp người trực tiếp giám sát, giáo dục không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình để đảm bảo công tác thi hành án treo được nghiêm minh, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi trong công tác thi hành án treo. Rất mong nhận được những trao đổi, đóng góp ý kiến của các đơn vị, cá nhân để hoàn thiện, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới./.

 

Đỗ Ngọc Minh – VKSND huyện Ba Chẽ

 

Tin tức mới nhất