CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Một số nội dung Kiểm sát viên cần lưu ý khi kiểm sát giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp và hợp tác xã


Một số nội dung Kiểm sát viên cần lưu ý khi kiểm sát giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp và hợp tác xã

Thông qua hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp, Phòng 10 – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh thấy trong thời gian gần đây trên địa bàn toàn tỉnh mặc dù số lượng vụ việc liên quan đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thụ lý không nhiều, nhưng công tác kiểm sát việc thụ lý và giải quyết đối với loại án này ở một số đơn vị chất lượng chưa cao, có đơn vị khi kiểm sát Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp do không nghiên cứu kỹ Luật Phá sản và các văn bản liên quan, nên không kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự dẫn đến việc cấp trên phải xem xét hủy Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của cấp sơ thẩm.

Nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ, việc liên quan đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thông qua thực tiễn công tác chúng tôi nêu một số nội dung cơ bản Kiểm sát viên cần lưu ý khi kiểm sát giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp hợp tác xã để các đơn vị tham khảo và vận dụng khi thực hiện chức năng kiểm sát.

Tại Điều 21 Luật Phá sản năm 2014 (Luật Phá sản) quy định: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Luật này.

Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp xem xét kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; kiểm sát các quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân.

Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết phá sản của Tòa án nhân cấp huyện đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đó. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiêp, hợp tác xã thuộc thẩm quyền của của Tòa án nhân dân cấp huyện thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cũng có nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết vụ phá sản đó. Đối với việc phá sản doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Viện kiểm sát cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trình tự kiểm sát việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

– Ngay sau khi nhận được Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Kiểm sát viên (KSV) phải căn cứ khoản 1 Điều 40 Luật Phá sản để kiểm tra thời hạn Tòa án gửi Thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát trong thời hạn 03 ngày làm việc.

  – Xem xét việc thụ lý của Tòa án có đúng quy định pháp luật hay không như: Thẩm quyền nộp đơn theo quy định tại các Điều 26, 27, 28, 29 và 30 Luật Phá sản.

Xác định rõ ai được quyền đại diện cho các chủ thể nêu trên sẽ nộp đơn yêu cầu, nội dung này được xác định như sau:

– Đối với chủ nợ: Điều 26 Luật Phá sản chỉ cho phép chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

– Đối với người lao động, đại diện công đoàn: Điều 27 Luật Phá sản quy định, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

– Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán: Điều 28 Luật Phá sản quy định, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

– Đối với cổ đông hoặc nhóm cổ đông của công ty cổ phần, thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã: Điều 29 Luật Phá sản quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20 % số cổ đông phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

– Ngoài ra, KSV kiểm sát chặt chẽ các căn cứ trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và thời hạn gửi quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo đúng quy định tại Điều 35 Luật Phá sản (Tòa án gửi quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định).

Kiểm sát quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản

– Kiểm sát việc gửi quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản cho Viện kiểm sát: KSV phải căn cứ Điều 42 Luật Phá sản để kiểm tra thời hạn ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (thời hạn là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu yêu cầu mở thủ tục phá sản); lý do mở hoặc không mở thủ tục phá sản, nội dung và hình thức quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

– Khi kiểm sát quyết định mở thủ tục phá sản KSV phải kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điều  45 Luật Phá sản.

– Kiểm sát việc gửi Nghị quyết Hội nghị chủ nợ: Điều 84 Luật Phá sản quy định Tòa án phải gửi Nghị quyết Hội nghị chủ nợ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và người có quyền, nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức Hội nghị chủ nợ.

– Sau khi nhận được Nghị quyết Hội nghị chủ nợ ngoài việc kiểm sát thời hạn gửi Nghị quyết, KSV còn phải kiểm sát quyền tham gia Hội nghị chủ nợ, điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ, hoãn Hội nghị chủ nợ, nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ, ban đại diện chủ nợ, Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ theo quy định tại các Điều 77, 79, 80, 81, 82 và 83 Luật Phá sản. Trong đó, lưu ý chủ nợ được ủy quyền cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ nhưng việc ủy quyền phải bằng văn bản.  

  Kiểm sát quyết định tuyên bố phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành và Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ theo quy định tại các Điều 106, 107 Luật Phá sản. Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản phải bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 108 Luật Phá sản và được thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại Điều 109 Luật Phá sản.

  Khi kiểm sát quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cần lưu ý:

– Kiểm sát việc Tòa án dựa trên những căn cứ nào để ra Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; căn cứ đó có đúng quy định của các điều luật đã viện dẫn hay không.

– Kiểm tra nội dung và trình tự các hoạt động khi tổ chức Hội nghị chủ nợ, nhằm xác định căn cứ Tòa án áp dụng để ban hành Nghị quyết Hội nghị chủ nợ và Nghị quyết Hội nghị chủ nợ không thành có đúng căn cứ pháp luật quy định không. Trong đó, đặc biệt lưu ý về thời hạn triệu tập và thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ; thành phần những người có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ; điều kiện hợp lệ của số chủ nợ tham gia  Hội nghị chủ nợ; thời hạn gửi Nghị quyết Hội nghị chủ nợ cho Viện kiểm sát cùng cấp và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 84 Luật Phá sản (thời hạn gửi trong 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức Hội nghị chủ nợ) nhằm đảm bảo quyền được đề nghị xem xét lại Nghị quyết Hội nghị chủ nợ của các đương sự và quyền kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.

Tóm lại, Luật Phá sản năm 2014 chỉ quy định khi kiểm sát việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin, tài liệu, quyết định mà Tòa án phải gửi cho Viện kiểm sát. Trong quá trình đó, Viện kiểm sát có trách nhiệm cập nhật thông tin, nhận các tài liệu, quyết định để xem xét và xác định nếu có vi phạm thì thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị hoặc kháng nghị theo quy định và Viện kiểm sát nhân dân chỉ tham gia các phiên họp xem xét kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát (khoản 2 Điều 21 Luật Phá sản). Trình tự, thủ tục giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được thực hiện theo quy định tại các Điều 111, 112 Luật Phá sản.

                                                                Nguyễn Thị Cúc Phương – Phòng 10

                                                                             Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Tin tức mới nhất