CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết án ma túy qua thực tiễn triển khai các quy định của BLHS 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.


Giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết án ma túy qua thực tiễn triển khai các quy định của BLHS 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh là tỉnh biên giới Đông Bắc của Tổ quốc, thuộc vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là cửa ngõ giao lưu quốc tế cả trên bộ và trên biển. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nêu trên, địa bàn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý.

Sau một năm Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) (sau đây viết tắt là BLHS năm 2015) được triển khai vào thực tiễn đã tháo gỡ nhiều vướng mắc của BLHS năm 1999 trong giải quyết án ma tuý và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Qua thực hiện Quy chế phối hợp liên phòng cấp tỉnh giữa VKS – Công an – Bộ đội biên phòng , Cục Hải quan và Quy chế phối hợp liên ngành ở cấp huyện, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và khởi tố, điều tra, truy tố tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực; quan hệ phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh được tăng cường; kết quả phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về ma túy đạt hiệu quả cao. Các Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án ma túy đã kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu, việc bắt, khám xét, giám định của Cơ quan điều tra có căn cứ và đúng pháp luật. Trong năm 2018 các lực lượng chức năng 2 cấp đã phát hiện, khởi tố 512 vụ/725 bị canchủ yếu về các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (tăng 24 vụ = 4,91% so với cùng kỳ), trong đó nhiều vụ án có lượng ma tuý lớn tập trung tại các cửa khẩu, khu vực biên giới và các đô thị với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Điển hình là các vụ:

Vụ Bùi Trọng Tước (CĐP) – Mua bán trái phép chất ma tuý; khi lực lượng chức năng phát hiện, ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, Tước không chấp hành mà còn tăng ga lao xe ô tô vào Tổ công tác làm 2 chiến sĩ Công an bị thương và xe ô tô công vụ bị hư hỏng . Sau khi khống chế được T, lực lượng chức năng phát hiện trong xe còn một số đối tượng khác và thu giữ   gần 3.000 gam ma tuý tổng hợp, 1,4 gam cần sa.

Vụ Phanthavong (Quốc tịch Lào) cùng đồng phạm vận chuyển trái phép 100 bánh (34,7 kg) Heroine trong các khoang tự chế của xe ô tô từ Vientane (Lào) về TP. Hạ Long giao cho khách để lấy tiền công thì bị Tổ phương án 12 Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Qua điều tra thấy: Nguyên nhân tội phạm ma túy tăng là do:

Thứ nhất, Quảng Ninh tiếpgiáp với Trung Quốc cả đường biển và đường bộ, vừa là “cửa ngõ giao thương”với các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới nên tội phạm coi đây là địa bàn trung chuyển ma tuý ra nước ngoài. Mặc dù hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát các hoạt động về tội phạm ma tuý tại các địa phận biên giới, tuy nhiên do lợi nhuận mang lại từ ma túy rất lớn nên với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt các đối tượng phạm tội liên tỉnh, xuyên quốc gia vẫn câu kết, móc nối với nhau để mua bán, vận chuyển Heroine từ Lào về biên giới Quảng Ninh để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ với số lượng lớn và ngược lại mang các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá, ma túy ngụy trang dưới dạng trà sữa, nước vui, đông trùng hạ thảo…) từ Trung Quốc vào Việt Nam qua địa bàn Quảng Ninh tiếp tục chuyển sâu vào trong nội địa tiêu thụ.

Thứ hai, BLHS 2015 đã bổ sung 04 chất ma tuý tổng hợp: Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, XLR-11 vào chung chính sách hình sự như Heroine và Cocaine nên chỉ cần tàng trữ hoặc mua bán…một lượng nhỏ các loại ma tuý nói trên (0,1 gam) đã đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, những năm qua, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội, các loại hình dịch vụ như: nhà hàng, vũ trường, quán karaoke ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân…. Tuy nhiên, hệ luỵ đáng buồn là một bộ phận thanh niên thường xuyên dùng các địa điểm trên để tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Điển hình trong năm 2018, Phòng PC 04 đã bắt giữ 02 ổ nhóm gồm 60 đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuýtại các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn TP Cẩm Phả. Viện kiểm sát tỉnh đã phối hợp cùng Cơ quan điều tra phân loại khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và 3 đối tượng về tội:“Mua bán trái phép chất ma túy”; Công an đã xử lý hành chính 52 người về hành vi: “Sử dụng trái phép chất ma túy”.

Qua thực tế áp dụng  BLHS năm 2015 trong việc giải quyết các vụ án ma tuý thấy có một số vướng mắc như sau:

– Trường hợp một người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy ở thời điểm khác nhau về việc thực hiện 2 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma tuý loại MDMA trước ngày 1/1/2018 nhưng chưa bị bắt giữ; sau ngày 1/1/2018 lại bị bắt quả tang trong vụ án khác và thu giữ trong người có ma túy MDMA. Vậy cách tính lượng ma túy để truy tố, xét xử như thế nào cho phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho bị can, bị cáo?

– Đối với quy định các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2, Điều 251 về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” là:

“b) Phạm tội 02 lần trở lên

c) Đối với 02 người trở lên”

Trong trường hợp một người bán ma túy cho 02 người khác nhau vào hai thời điểm khác nhau thì áp dụng tình tiết định khung nào. Nếu áp dụng cả hai tình tiết định khung tăng nặng này thì sẽ bất lợi cho người phạm tội vì cùng một hành vi nhưng lại áp dụng cả hai tình tiết tăng nặng.

– Vướng mắc trong việc giám định hàm lượng các chất ma túy, giám định các chất ma túy mới: hiện nay nhiều vụ án thu giữ vật chứng là ma tuý ở thể rắn, khi giám định số ma tuý trên bao gồm nhiều chất khác nhau (như MDMA, Methamphetamine, Ketamine.., mà mỗi loại lại rơi vào một điểm khác nhau) và không thể tách riêng khối lượng của từng loại. Thêm vào đó, trường hợp này cũng không thuộc một trong bốn điểm bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng ma tuý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTPnên rất khó giải quyết cho phù hợp theo quy định của BLHS 2015;

– Đối với tội: “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” thì trong yếu tố định tội ở khoản 1 có quy định từ 06 đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện; định khung ở khoản 2 quy định số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện trở lên. Nhưng không quy định rõ tên, tính năng của từng đơn vị dụng cụ, phương tiện.Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn.Vì vậy, khi phát sinh tội phạm này sẽ rất khó xử lý.

Để nâng cao hiệu quả giả quyết án, chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm về ma túy, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, Liên ngành Trung ương cần thống nhất để Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn, giải đáp cụ thể về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo từ thời điểm 0h00’ ngày 01/01/2018; Đưa vào Nghị quyết để sửa đổi các quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2015 theo hướng đối với chất ma túy chứa nhiều thành phần ma túy khác nhau, vừa có thành phần phải giám định hàm lượng, vừa có thành phần không phải giám định hàm lượng thì không cần giám định hàm lượng mà xác định tổng khối lượng của chế phẩm chứa nhiều thành phần khác nhau này là căn cứ để xử lý tội phạm; Ngoài ra, cần hướng dẫn cụ thể chi tiết các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị can, bị cáo để thực hiện cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trong công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới nhằmnâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên trong phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng.

Ba là,duy trì công tác phối hợp, họp giao ban định kỳ với Phòng PC04 – Công an tỉnh; Phòng phòng, chống ma tuý – Bộ đội biên phòng tỉnh; Đội kiểm soát phòng, chống ma tuý – Cục Hải quan và Đội kiểm soát phòng chống ma túy- Cảnh sát Biển Vùng I và các ngành chức năng để nắm bắt kịp thời tình hình vi phạm và tội phạm; đồng thời sau khi tiếp nhận các tin báo, tố giác tội phạm phải phối hợp phân loại xử lý ngay, đảm bảo việc bắt giữ, xử lý đúng pháp luật. Định kỳ sơ, tổng kết,rút kinh nghiệm các tồn tại, thiếu sót trong công tác giải quyết án để khắc phục sửa chữa kịp thời. Qua đó đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý.

Bốn là, rèn luyện nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra các vụ án ma túy theo hướng đào tạo chuyên gia giải quyết án ma túy. Theo đó, cán bộ Kiểm sát phải tự học, nghiên cứu để nâng cao năng lực, kịp thời cập nhật các văn bản mới, nắm vững nội dung, tinh thần quy định của BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức VKSND và các văn bản hướng dẫn dưới luật để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi nghiệp vụ; nhất là cán bộ, Kiểm sát viên trẻ phải tích cực học hỏi Kiểm sát viên có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần định kỳ tổ chức cho các cán bộ, kiểm sát viên tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong giải quyết các vụ án hình sự nói chung và án ma tuý nói riêng.

 

Năm là, thường xuyên tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự đặc biệt là các vụ án ma tuý để báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực tiễn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Sáu là, cần áp dụng các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Một trong những biện pháp phòng ngừa không thể thiếu được là giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các biện pháp đấu tranh phòng, chống ma tuý sâu rộng trong nhân dân với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để mọi người nhận thức rõ mối hiểm hoạ từ ma tuý, tính cấp bách của công tác phòng, chống ma tuý ở nước ta hiện nay. Từ đó tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý.

Trên đây là một số quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết án ma túy từ thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Kính mong sự đóng góp ý kiến của các đồng chí để trao đổi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh.

Hạ Thu – Phòng 1 VKSND tỉnh

Tin tức mới nhất