Bàn về tư cách tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 là kết quả trong việc thi hành Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá trong hoạt động tư pháp. Bên cạnh việc sửa đổi, cải tiến các quy định cũ, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) còn xây dựng các quy định mới để hỗ trợ việc tranh tụng khách quan, đạt chất lượng cao. Trong đó, Điều 296 về việc triệu tập Điều tra viên đã thụ lý, giải quyết vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đang trở thành công cụ giúp cho Hội đồng xét xử giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan và triệt để.
Tuy nhiên, xác định tư cách tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa thuộc nhóm người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng hiện còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất.
Khoản 2 Điều 34 BLTTHS quy định Điều tra viên là người tiến hành tố tụng, tương ứng là quyền và nghĩa vụ của Điều tra viên tại Điều 37 BLTTHS, nhưng các quyền và nghĩa vụ trong Điều 37 đều xoay quanh công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và điều tra vụ án hình sự. Điều này đồng nghĩa rằng Điều tra viên chỉ giữ vai trò người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án và giai đoạn điều tra chính là khoảng giới hạn của tư cách người tiến hành tố tụng. Khi vụ án hình sự chuyển sang giai đoạn truy tố, xét xử thì Điều tra viên trở thành người “đã” tiến hành tố tụng đối với vụ án đó. Tại phiên tòa, nếu xác định Điều tra viên là người tiến hành tố tụng là không hợp lý.
Đối chiếu với Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều tra viên tham dự phiên tòa cũng không nằm trong các nhóm những người tham gia tố tụng. Mặc dù hoạt động của Điều tra viên tại phiên tòa có sự đồng nhất với người giám định, người định giá tài sản là trình bày, giải thích về các hoạt động tố tụng đã thực hiện nhưng lại không thể xác định Điều tra viên là người tham gia tố tụng do pháp luật hiện hành không quy định. Như vậy, tư cách tố tụng của Điều tra viên dường như có sự chuyển hóa từ nhóm những người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra sang nhóm người “khác” chưa xác định trong giai đoạn xét xử.
Không phân loại được Điều tra viên thuộc nhóm người tiến hành tố tụng hay nhóm người tham gia tố tụng dẫn đến những khó khăn trong việc áp dụng quy định triệu tập Điều tra viên tham dự phiên tòa. Trong bài viết tôi chia làm 03 vấn đề để phân tích. Đó là: (1) Sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa; (2) Việc phổ biến quyền và nghĩa vụ cho Điều tra viên; (3) Người đại diện.
Điều tra viên có bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa không? Các quy định trong BLTTHS và các quy định khác liên quan, hiện không có quy định cụ thể buộc Điều tra viên phải có mặt tại phiên tòa cũng như phương án xử lý trường hợp Điều tra viên vắng mặt. Trong trường hợp Điều tra viên cố tình vắng mặt, không áp dụng được biện pháp dẫn giải vì Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Điều tra viên không thuộc diện người bị dẫn giải mà Điều tra viên lại chính là người thi hành biện pháp cưỡng chế này.
Trong khi đó, việc phổ biến quyền và nghĩa vụ cho Điều tra viên tham dự phiên tòa cũng xảy ra bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. Qua trao đổi với một số Thẩm phán, họ có chung ý kiến cho rằng lựa chọn điều luật nào để phổ biến quyền và nghĩa vụ cho Điều tra viên tại phiên tòa vẫn còn gặp lúng túng. Bởi nếu Điều tra viên là người tiến hành tố tụng như Kiểm sát viên hay Hội thẩm nhân dân thì Chủ tọa phiên tòa không cần giải thích quyền và nghĩa vụ. Còn trong trường hợp Điều tra viên là người tham gia tố tụng thì không áp dụng được Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự được. Bởi điều luật này quy định quyền quyền hạn của Điều tra viên trong giai đoạn điều tra, không thể thực hiện được tại phiên tòa. Nhưng ngoài Điều 37, hiện không còn Điều luật nào quy định về quyền và nghĩa vụ của Điều tra viên.
Đối với Điều tra viên – người trực tiếp được triệu tập đến phiên tòa, sau khi đưa ra thảo luận vấn đề này, một số Điều tra viên cho rằng việc xác định tư cách tố tụng tại phiên tòa không phải là vấn đề quan trọng đối với họ. Những điều tra viên này cho rằng khi đã được triệu tập đến phiên tòa, họ hiểu nghĩa vụ là trình bày các vấn đề liên quan đến hoạt động tố tụng do mình thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án. Bản thân là người am hiểu pháp luật nên không cần thiết phải được phổ biến quyền và nghĩa vụ tại phiên tòa. Nhưng nếu buộc phải xác định tư cách tố tụng, nên xác định họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án – một cách áp dụng pháp luật tương tự như trong giai đoạn điều tra khi chưa xác định được tư cách tố tụng của các bên thì xác định họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Mặt khác, trong trường hợp Điều tra viên không thể tham dự phiên tòa, có thể cử Cán bộ điều tra là người giúp việc cho Điều tra viên giải quyết vụ án làm người đại diện tham dự phiên tòa. Do Cán bộ điều tra trực tiếp giúp việc Điều tra viên nên cũng là người nắm rõ các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra, có thể thay mặt Điều tra viên tại phiên tòa.
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng phương án xác định Điều tra viên là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án chưa thực sự hợp lý vì điều 65 BLTTHS có nhiều quyền mà Điều tra viên không thể thực hiện được như quyền kháng cáo bản án, quyền yêu cầu giám định, định giá hay quyền khiếu nại hành vi tố tụng của người có thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc cử Cán bộ điều tra làm người đại diện cho Điều tra viên cũng không phù hợp bởi pháp luật trao cho Điều tra viên quyền giải quyết vụ án và nghĩa vụ chịu trách nhiệm với hành vi tố tụng của mình. Dù cho Cán bộ điều tra có hiểu rõ vụ án nhưng không thể chịu trách nhiệm đối với các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra, dẫn đến việc giải thích tại phiên tòa không mang nhiều giá trị.
Sau khi trao đổi nghiệp vụ trong đơn vị, chúng tôi thống nhất cho rằng tư cách tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa là vấn đề chưa xác định rõ, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể. Dưới góc độ kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nếu Điều tra viên không có mặt tại phiên tòa, Kiểm sát viên có thể đề nghị Chủ tọa phiên tòa kiến nghị Cơ quan điều tra về vấn đề này theo Điều 17 Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Về vấn đề phổ biến quyền và nghĩa vụ cho Điều tra viên, nên chăng chỉ đánh giá Điều tra viên là người am hiểu về pháp luật nên không yêu cầu Chủ tọa phiên tòa giải thích quyền và nghĩa vụ cho họ. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tọa phiên tòa có thể có thể phổ biến cho Điều tra viên nghĩa vụ được quy định lồng ghép trong các Điều 296 và 317 BLTTHS là “Trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án”, “để làm rõ những hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra”, là phù hợp.
Mặc dù vấn đề bài viết đề cập là một vấn đề nhỏ nhưng là một quy định mới trong Bộ luật tố tụng hình sự và có những quan điểm tranh luận khác nhau trong việc áp dụng pháp luật. Kính mong các đồng chí có quan điểm để trao đổi về vấn đề trên.
Trần Trung Hiếu –VKSND huyện Hải Hà
Tin tức mới nhất
VKSND thành phố Đông Triều phối hợp với Tòa án tổ chức rút kinh nghiệm vụ án Tổ chức sử dụng và Mua bán trái phép chất ma tuý
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng 14/01/2025, tại Tòa án nhân dân...
Th1
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức thành công Đại hội Chi bộ điểm nhiệm kỳ 2025 – 2027
Ngày 13/01/2025, Chi bộ Văn phòng tổng hợp long trọng tổ chức Đại hội Chi...
Th1
Phòng 1 Viện KSND tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội nghị giao ban tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp năm 2024
Ngày 09/01/2025, Hội nghị giao ban liên Phòng tổng kết năm 2024, về việc thực...
Th1
Viện KSND thành phố Hạ Long tổ chức thành công Đại hội Chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027 và Hội nghị cán bộ công chức năm 2024
Ngày 09/01/2024, thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW về thi hành Điều...
Th1
Viện KSND huyện Vân Đồn tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 12/12/2024 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao,...
Th1
VKSND huyện Bình Liêu tổ chức tuyên truyền pháp luật tại trường THPT Bình Liêu
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành Kiểm sát...
Th1
VKSND thành phố Đông Triều tổ chức tham dự, rút kinh nghiệm phiên tòa “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng ngày 08/01/2025 tại Hội trường xét...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Ban pháp chế kiểm sát đột xuất Nhà tạm giữ Công an thị xã Quảng Yên
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2025, ngày 07/01, Viện kiểm sát nhân dân...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Được sự nhất trí của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh,...
Th1