Bàn về một số vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật hình sự
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 ra đời có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như phù hợp với tình hình phát triển đời sống kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS đã bộc lộ một số bất cập đối với một số loại tội, cụ thể như sau:
1. Đối với tội “Chứa mại dâm” và “Môi giới mại dâm”
Điều 327 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
d) Chứa mại dâm 4 người trở lên;
đ) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;”
Điều 328 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một rong các trường hợp sau đấy, thì bị phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;”
Hiểu như thế nào về khái niệm “người” trong các tình tiết định khung quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 327 BLHS về tội “Chứa mại dâm” và điểm a,đ khoản 2 Điều 328 BLHS về tội “Môi giới mại dâm”. Cụ thể: “Chứa mại dâm 4 người trở lên”; “Môi giới mại dâm đối với 2 người trở lên” và Chứa mại dâm, môi giới mại dâm “Đối với người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”. Thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay đang có 2 cách hiểu.
Cách hiểu thứ nhất: Khái niệm “người” bao gồm cả người mua dâm và người bán dâm vì phù hợp với quy định của Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003. Tại Điều 3 Giải thích từ ngữ trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
“3. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm.
4. Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
7. Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.”
Hành vi chứa mại dâm có mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn hơn so với hành vi môi giới mại dâm nên khung hình phạt giành cho tội “Chứa mại dâm” cao hơn so với khung hình phạt của tội “Môi giới mại dâm”. Đặc biệt là cấu thành thành cơ bản của tội “Môi giới mại dâm” quy định tại Điều 328 BLHS năm 2015 đã có sự thay đổi về mặt khách quan so với Điều 255 BLHS năm 1999. Mặt khách quan của tội phạm môi giới mại dâm ở Điều 328 được quy định cụ thể hơn, rõ ràng và đầy đủ hơn.
Điều 255 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm…”, quy định này đã được hiểu và áp dụng chỉ dành cho người bán dâm (nữ).
Điều 328 BLHS năm 2015 quy định: Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Với cách hiểu thứ nhất như nêu trên thì quy định tại các Điều 327, 328 là hoàn toàn logic, không mâu thuẫn, phù hợp với thực tiễn xảy ra trong cuộc sống, người bán dâm có thể là nữ hoặc nam, nhiều người bán dâm cho một người hoặc nhiều người mua dâm với một người vv… nhưng người nào cứ chứa chấp việc mua dâm, bán dâm từ 4 người trở lên bao gồm cả người mua dâm và người bán dâm thì phạm vào điểm d khoản 2 Điều 327 BLHS. Tương tự, nếu người nào môi giới cho 2 người bán dâm hoặc cho 2 người mua dâm để họ thực hiện việc mua dâm,bán dâm với người thứ 3 thì phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 328 BLHS, và nếu chỉ môi giới cho 1 người mua dâm và 1 người bán dâm để họ thực hiện việc mua bán dâm với nhau thì phạm vào khoản 1 Điều 328 BLHS (vì bản chất của hành vi môi giới mại dâm là hành vi làm trung gian,môi giới cho người mua dâm và người bán dâm để họ thực hiện việc mua,bán dâm). Người nào chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm đối với cả người mua dâm, người bán dâm nếu những người này từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 327 hoặc điểm a khoản 2 Điều 328 BLHS bởi vì ngay cả đối với những người mua dâm khi họ chưa đủ 18 tuổi thì việc người khác chứa chấp họ cũng như môi giới cho họ để họ mua dâm cũng đều là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội nên phải bị xử lý hình sự, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống đối với loại tội phạm mại dâm.
Như vậy có thể hiểu sự thay đổi về cấu trúc trong mặt khách quan của tội “Môi giới mại dâm” đã thể hiện rõ ý chí của nhà làm luật, và khái niệm “người” trong các điểm d,đ khoản 2 Điều 327 tội “Chứa mại dâm” và các điểm a, đ khoản 2 tội “Môi giới mại dâm” phải được hiểu là người mua dâm và người bán dâm. Có như vậy mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đồng thời khắc phục được bất cập trong quy định tại điểm b, mục 4.2 Nghị quyết số 01/2006/HĐTP– TANDTC về tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 BLHS năm 1999:
“4.2. Không coi là phạm tội nhiều lần trong các trường hợp sau đây:
b. Chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thỏa thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian .” (rõ ràng hành vi này là rất nguy hiểm cho xã hội, về bản chất người có hành vi chứa mại dâm cùng lúc chứa chấp nhiều người mua bán dâm, có thể vài chục người hoặc nhiều hơn nhưng với quy định này thì họ chỉ phạm vào khoản 1 Điều 254 BLHS năm 1999).
Cách hiểu thứ 2: Khái niệm “người” được hiểu phải là người bán dâm vì hành vi mại dâm theo nghĩa của từ “mại dâm” trong Từ điển tiếng Việt là hành vi bán dâm, còn từ “mãi dâm” trong Từ điển tiếng Việt là hành vi mua dâm. Như vậy tội “Chứa mại dâm” là tội chứa hành vi bán dâm. Tương tự tội “Môi giới mại dâm” là tội môi giới hành vi bán dâm. Do đó quy định tại điểm d khoản 2 Điều 327 BLHS là “Chứa mại dâm 4 người trở lên” phải hiểu là trường hợp chứa 4 người bán dâm cùng lúc trở lên. Trường hợp “Môi giới mại dâm đối với 2 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 328 phải hiểu là môi giới cho 2 người bán dâm trở lên. Các điểm đ khoản 2 Điều 327 và điểm a khoản 2 Điều 328 BLHS: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi” phải hiểu là quy định độ tuổi của người bán dâm vì ngay Điều 329 BLHS quy định về tội “Mua dâm người dưới 18 tuổi”, điều luật này quy định chỉ xử lý người mua dâm là người đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi. Các điều luật này nhằm bảo vệ những người bán dâm chưa đến tuổi thành niên là nạn nhân của hành vi mua bán dâm. Bản thân người mua dâm là người chủ động thực hiện hành vi trái pháp luật nên mới không có điều luật xử lý người bán dâm cho người dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên ở cách hiểu thứ 2 này sẽ dẫn đến trường hợp rất bất cập nếu như trong cùng 1 vụ án, A là người có hành vi môi giới cho C và D để C và D bán dâm cho M và N thì A sẽ bị truy cứu TNHS theo điểm đ khoản 2 Điều 328 BLHS còn B có hành vi chứa chấp việc mua, bán dâm của 4 người gồm C, D, M, N thì B chỉ bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 327 BLHS (vì chỉ có 2 người bán dâm là C và D). Rõ ràng vẫn cùng là những người mua dâm, bán dâm này, hành vi của B so với A nguy hiểm hơn cho xã hội nhưng mức hình phạt của B chỉ từ 1 năm đến 5 năm (khoản 1 Điều 327 BLHS ) còn mức hình phạt của A lại từ 3 năm đến 7 năm (khoản 2 Điều 328 BLHS). Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm hiện nay đã có địa phương truy tố, xét xử A theo điểm đ khoản 2 Điều 328 BLHS với mức hình phạt 3 năm tù, và B theo khoản 1 Điều 327 BLHS với mức hình phạt 1năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng, kể từ ngày tuyên án. Việc truy tố và xét xử này trong cùng một vụ án tạo ra sự mâu thuẫn và rất bất hợp lý.
Do chưa có hướng dẫn, giải thích luật nên nhiều địa phương đã áp dụng khác nhau, tuy nhiên theo các cách hiểu thứ nhất thấy rằng logic hơn, không có sự xung đột về pháp luật, đáp ứng được tình hình xảy ra trong thực tiễn cuộc sống.
2. Đối với tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS: Trường hợp chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a xít nguy hiểm..hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Quy định này cho thấy tội phạm chưa gây ra hậu quả về mặt vật chất, mặc dù đe dọa xâm hại đến khách thể của tội “Cố ý gây thương tích” là quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của con người, nhưng nếu căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì nên xử lý về tội “ Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 BLHS là sát với thực tiễn hơn. Mặt khác, nếu đã quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS (khung hình phạt thấp hơn so với khoản 1 điều này) thì phải khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng tại Điều 155 BLTTHS quy định về các tội danh khởi tố theo yêu cầu của người bị hại lại không có khoản 6 Điều 134 BLHS.
3. Đối với tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1,2,3 Điều 260 BLHS. Bất cập khi căn cứ vào hậu quả, cụ thể như sau:
Điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% trong khi nếu hậu quả chết 01 người, bị thương một người mà tỷ lệ thương tích dưới 122% thì chỉ phạm vào điểm a khoản 1 điều này. Tương tự, điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS 2015 quy định: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên nhưng nếu gây hậu quả làm chết 2 người, một người tổn hại 98% sức khỏe thì chỉ phạm vào điểm đ khoản 2 điều này. Như vậy, rõ ràng hậu quả gây ra lớn hơn thì khung hình phạt quy định tương ứng lại nhẹ hơn.
Những bất cập nêu trên đã gây ra không ít những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực thi pháp luật. Việc các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn thực hiện là điều hết sức cần thiết./.
Trần Thị Minh Hiền – Phòng 7
Tin tức mới nhất
VKSND thành phố Đông Triều phối hợp với Tòa án tổ chức rút kinh nghiệm vụ án Tổ chức sử dụng và Mua bán trái phép chất ma tuý
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng 14/01/2025, tại Tòa án nhân dân...
Th1
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức thành công Đại hội Chi bộ điểm nhiệm kỳ 2025 – 2027
Ngày 13/01/2025, Chi bộ Văn phòng tổng hợp long trọng tổ chức Đại hội Chi...
Th1
Phòng 1 Viện KSND tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội nghị giao ban tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp năm 2024
Ngày 09/01/2025, Hội nghị giao ban liên Phòng tổng kết năm 2024, về việc thực...
Th1
Viện KSND thành phố Hạ Long tổ chức thành công Đại hội Chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027 và Hội nghị cán bộ công chức năm 2024
Ngày 09/01/2024, thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW về thi hành Điều...
Th1
Viện KSND huyện Vân Đồn tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 12/12/2024 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao,...
Th1
VKSND huyện Bình Liêu tổ chức tuyên truyền pháp luật tại trường THPT Bình Liêu
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành Kiểm sát...
Th1
VKSND thành phố Đông Triều tổ chức tham dự, rút kinh nghiệm phiên tòa “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng ngày 08/01/2025 tại Hội trường xét...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Ban pháp chế kiểm sát đột xuất Nhà tạm giữ Công an thị xã Quảng Yên
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2025, ngày 07/01, Viện kiểm sát nhân dân...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Được sự nhất trí của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh,...
Th1