CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

BÀN VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT


BÀN VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Công tác kiểm sát thi hành án hình sự là một trong những chức năng nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND); Nội dung này được quy định tại Điều 25, Điều 26 và Điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Điều 141, 142 và Điều 143 Luật thi hành án hình sự năm 2010; Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/1/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhằm bảo đảm: Việc thi hành án phạt tù, quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người chấp hành án không bị pháp luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; Mọi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh; Mọi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Công tác kiểm sát thi hành các bản án hình sự, kiểm sát thi hành phần dân sự trong bản án hình sự của VKSND đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua và đạt được những kết quả đáng kể, góp phần bảo vệ pháp chế, giữ gìn kỷ cương pháp luật, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nhất định nào đó, hiệu quả, chất lượng hoạt động công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong những năm qua vẫn còn những mặt hạn chế; chất lượng hoạt động kiểm sát ở một số đơn vị chưa cao, nhất là trong việc kiểm sát việc thi hành đối với các bản án của Tòa án có kháng cáo, kháng nghị mà các bị cáo bị phạt tù nhưng tại ngoại và một số trường hợp khác liên quan đến kiểm sát kết quả thi hành Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Để làm rõ nội dung này, chúng tôi xin nêu một số ví dụ cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất:  Ngày 21/12/2007, Trần Văn Thủy, sinh ngày 03.01.1992,  trú quán tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử phạt 08 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, sau đó bị cáo kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, do bị cáo rút kháng cáo nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đình chỉ xét xử phúc thẩm nên Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó Bản án không được đưa ra thi hành. Đến tháng 4/2010, thông qua công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, VKSND huyện Ba Chẽ mới phát hiện và phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) xã nơi Thủy cư trú xác minh làm rõ, thì Thủy chưa nhận được quyết định thi hành án. Sau đó, VKSND huyện Ba Chẽ đã báo cáo VKSND tỉnh để kiến nghị ngành Tòa án rà soát và sau đó Bản án mới được đưa ra thi hành.

Trường hợp thứ 2: Ngày 12/02/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử vụ án Đặng A Téo về tội “Giết người”, trong đó Bản án tuyên phạt Triệu A Năm, sinh năm 1992, trú quán tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh 09 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”; sau đó bị cáo kháng cáo. Ngày 28/12/2015, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với Triệu A Năm; nhưng đến tháng 02/2018, khi cán bộ VKSND huyện Ba Chẽ làm việc tại cơ sở, nơi bị án cư trú mới nhận được phản ánh của nhân dân rằng, Triệu A Năm vẫn chưa được đưa đi thi hành án. Ngay sau đó, VKSND huyện Ba Chẽ phối hợp với UBND xã Đồn Đạc tiến hành xác minh thì được biết, Năm vẫn chưa nhận được quyết định thi hành án. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Chẽ đã báo cáo VKSND tỉnh kiến nghị với ngành Tòa án ra quyết định thi hành án đối với Triệu A Năm.

Trường hợp thứ 3: ngày 14/01/2019, tại thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, Công an huyện Ba Chẽ bắt quả tang Đặng Văn Vinh, sinh ngày 14/3/1984, trú quán tại: Thôn Phủ Niệm, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đang có hành vi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa cùng với một số người khác, thu được số tiền đánh bạc là 12.000.000 đồng; sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Ba Chẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vinh về tội “Đánh bạc”.

Quá trình xác minh lý lịch bị can thấy, ngày 09/3/2005, Đặng Văn Vinh bị Tòa án nhân dân huyện An Lão, thành phố Hải Phòng xử phạt 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Vinh còn phải nộp số tiền 1.500.000đ thu lời bất chính và 50.000đ án phí hình sự sơ thẩm; đến ngày 20/06/2005 Vinh chấp hành xong hình phạt tù. Đối với số tiền 1.500.000đ thu lời bất chính và 50.000đ án phí hình sự sơ thẩm không chứng minh được đã thi hành hay chưa; vì vậy, căn cứ Công văn số 64/TANDTC – PC ngày 03.4.2019 của Tòa án nhân dân tối cao, về việc “Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính” thì bị can bị coi là có tiền án. Điều đáng nói ở đây là qua kết quả xác minh thấy Chi cục thi hành án dân sự huyện An Lão, thành phố Hải Phòng không nhận được Bản án; xác minh tại Tòa án nhân dân huyện An Lão thì không có tài liệu chứng minh đã chuyển giao Bản án cho Chi cục thi hành án dân sự.

Đối với các Bản án nêu trên, việc không được đưa thi hành kịp thời và Tòa án không chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc cấp phúc thẩm chuyển bản án phúc thẩm cho Tòa án có thẩm quyền không được kịp thời; có trường hợp Tòa án bỏ quên… Trong đó cũng phải kể đến trách nhiệm của VKSND trong việc kiểm sát thi hành Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Vì vậy để các Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành đầy đủ, kịp thời, không để trường hợp nào “bỏ quên” không ra quyết định thi hành án hoặc không chuyển giao Bản án cho Cơ quan thi hành án như nêu trên. Theo chúng tôi, trong thời gian tới ngành Kiểm sát phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; có giải pháp để theo dõi đầy đủ, kiểm sát chặt chẽ các Bản án, quyết định của Tòa án.  Phối hợp với ngành Tòa án tiến hành rà soát tất cả các Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong một thời điểm nhất định, nhất là các vụ án có kháng cáo, kháng nghị mà người phạm tội bị phạt tù nhưng không bị tạm giam. Qua đó, tiếp tục đối chiếu với cơ quan Thi hành án dân sự để rà soát kết quả thi hành phần hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí…  . Trong  ngành kiểm sát, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, bộ phận nghiệp vụ với phòng, bộ phận kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; thi hành án dân sự để theo dõi các bản án, quyết định của Tòa án có được đưa thi hành kịp thời, đầy đủ hay không; kể cả khi bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật cũng đã phải có sự theo dõi từ phòng, bộ phận kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự mới đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả.

                                                              Khúc Văn Lâm

                                  Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Chẽ

Tin tức mới nhất