CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Sáng ngời hình ảnh người Kiểm sát viên nhân dân Chiến sỹ thầm lặng trong mặt trận bảo vệ pháp luật

 

Hiến pháp năm 2013 quy định “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.” (Điều 107). Qua quy định, ta có thể khẳng định Nhà nước đã trao cho ngành Kiểm sát nhân dân một trọng trách hết sức cao cả đối với toàn xã hội.

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đến nay đã gần 60 năm trôi qua, lời dạy của Bác đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, là phương châm giáo dục, bồi dưỡng cán bộ của Ngành kiểm sát; là kim chỉ nam, là chuẩn mực đạo đức để mỗi cán bộ Ngành kiểm sát nhân dân phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Chính vì lẽ đó, mỗi người Kiểm sát viên sẽ phải mang trong mình một trọng trách lớn lao để làm sao có thể hoàn thiện được chính bản thân mình cũng như đem lại sự công bằng cho toàn xã hội. Trải qua nhiều năm tháng xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và nhà nước và sự vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, ngành Kiểm sát nhân dân đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng với nhiều thành tựu nổi bật trong việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ và phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Qua một thời gian công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, được sự tận tình chỉ đạo, hướng dẫn, kèm cặp của lãnh đạo Viện, các đồng chí Kiểm sát viên có nhiều năm kinh nghiệm trong đơn vị, tôi đã dần tiếp thu và hiểu rõ về vai trò, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân và càng thêm hiểu và yêu công việc của mình hơn. Mặc dù, công tác tại địa bàn huyện miền núi, ít việc, còn nhiều khó khăn, các vụ việc phức tạp xảy ra không nhiều, nhưng đối với mỗi vụ việc lãnh đạo Viện và Kiểm sát viên có kinh nghiệm đều chỉ đạo, hướng dẫn, chia sẻ truyền đạt kinh nghiệm, cách giải quyết nhanh, gọn, đúng quy định của pháp luật như: việc tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm phương tiện, dựng lại hiện trường, hoạt động lấy lời khai của đối tượng tạm giữ để bảo đảm cho việc khởi tố đúng pháp luật, vì vậy tôi không chỉ có thêm được những kiến thức lý luận mà còn có thêm những kiến thức thực tế cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, tôi cũng học được những kiến thức vô cùng quý giá từ các thông báo rút kinh nghiệm từ các vụ án hình sự trước, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị tập huấn về công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Thông qua việc học tập, nghiên cứu từ lý luận đến thực tiễn, tôi nhận thức rõ vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong xã hội hiện nay, thấy được sự hy sinh, cống hiến thầm lặng, luôn tận tụy với công việc của các “Kiểm sát viên – người chiến sỹ thầm lặng trong mặt trận bảo vệ pháp luật” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giúp tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, cũng như bảo đảm các hoạt động tư pháp được thi hành đúng pháp luật. Qua đó cho thấy, các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; có bản lĩnh dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, nêu tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ. Từ sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các đồng chí, tôi càng thấu hiểu hơn nữa về ngành mình đang công tác, hình ảnh của cán bộ, Kiểm sát viên được dân tin, dân mến trong khi thực hiện một trọng trách cao cả, vì nước, vì dân. Chính vì vậy tôi càng nhận thức rõ về trách nhiệm lớn lao của người Kiểm sát viên, đồng thời cũng cảm thông và chia sẻ những khó khăn vất vả của cán bộ Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ, đặc biệt khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Từ đó tự vấn mình là cán bộ trẻ trong ngành kiểm sát phải không ngừng rèn luyện, học tập về mọi mặt phấn đấu đứng trong hàng ngũ trở thành người Kiểm sát viên nhân dân phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ngành nghề trong xã hội là muôn màu, muôn vẻ, mỗi ngành nghề lại có những nét đặc trưng riêng, hình ảnh của mỗi cán bộ, chiến sỹ lại được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau. Vì vậy, tôi tập trung làm nổi bật hình ảnh người Kiểm sát viên nhân dân thông qua các nội dung sau đây:

            Qua lời bài hát Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam đã toát nên rõ người Kiểm sát nhân dân với vị thế đặc biệt quan trọng trong xã hội “Vì bình yên cuộc sống, vì công lý cho đời, vì cân bằng cán cân luật pháp, là niềm tin, là lẽ sống, là con đường chúng ta đi”. Mặc dù thế, hình ảnh người Kiểm sát viên trong thời gian qua tuy đã được tuyên truyền trên một số phương tiện thông tin đại chúng, qua các phiên tòa xét xử lưu động,… nhưng một bộ phận nhân dân vẫn chưa biết và hiểu rõ nhiệm vụ chính của họ là gì. Trong tiềm thức của người dân thường nghĩ rằng chỉ có lực lượng Công an, cảnh sát hình sự mới phải đương đầu với các vụ việc hình sự phức tạp, đầy hiểm nguy. Tuy nhiên, họ không biết rằng sau sự thành công đó không thể thiếu bao công sức vất vả, khó khăn của lực lượng cán bộ, kiểm sát viên nhân dân, đã thầm lặng đóng góp trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc đúng quy định của pháp luật và luôn là người đồng hành cùng với các chiến sỹ công an. Tới đây được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ngành hình ảnh người Kiểm sát viên sẽ được truyền hình chuyển thể thành phim chiếu rộng rãi trong thời gian tới, để nhân dân biết Người kiểm sát viên thực sự là người chiến sĩ thầm lặng, nơi nào gian khó luôn có Kiểm sát viên để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tố tụng mà chỉ có riêng ngành kiểm sát được Nhà nước giao phó. Người Kiểm sát viên luôn mang trong mình trọng trách rất lớn trong nhiệm vụ bảo vệ công lý và sự bình yên của đời sống nhân dân, là tấm gương phản chiếu hình ảnh về Ngành kiểm sát nhân dân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chính vì vậy, bộ phim về các Kiểm sát viên sẽ khắc lên trong lòng khán giả những nỗi truân chuyên, vất vả, nhưng thầm lặng; những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện công tác, đấu tranh với các loại tội phạm nhất là trong tình hình hiện nay toàn Đảng, toàn dân đang quyết tâm thực hiện công cuộc đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi, loại bỏ tệ nạn tham nhũng trong một bộ phận cán bộ công quyền; rồi khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như vũ bão, các loại tội phạm công nghệ cao ngày càng phát triển, hoạt động rất tinh vi khó phát hiện; tội phạm xuyên quốc gia, hình sự nguy hiểm…. Do vậy Kiểm sát viên phải đối mặt với các loại người: chức vụ trình độ cao có, tội phạm uyên thâm hiểu biết về khoa học có, tội phạm hình sự nguy hiểm có… Từ đó đưa ra những góc nhìn khác về người chiến sỹ Kiểm sát trong mặt trận thầm lặng tuy phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng họ vẫn đứng vững, vươn lên, luôn vô tư, lạc quan, yêu đời.

Với mỗi nghề nghiệp, người thực thi nhiệm vụ của mỗi lĩnh vực giao cho dù có khó khăn, vất vả thì họ luôn chiến đấu hết mình, họ quả cảm, gan dạ hi sinh cho Đất nước, cho Tổ quốc thân yêu. Ngành Kiểm sát nhân dân cũng vậy, họ luôn đề cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mình trong việc phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Họ luôn khắc cốt ghi tâm những lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Qua lời dạy của Bác, tuy ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu nhưng bao trùm đầy đủ đức tính của người cán bộ kiểm sát, để thực hiện được trọn vẹn trong khi thực hiện nhiệm vụ là điều không phải dễ dàng, nếu người Kiểm sát viên nhân dân không luôn gương mẫu rèn luyện, học hỏi, răn mình trước bao cám dỗ, không yêu ngành, yêu nghề; đã đứng trong hàng ngũ kiểm sát luôn phải phấn đấu nỗ lực hết mình, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung của đất nước. Để học tập theo lời dạy của Bác, trước hết mỗi Kiểm sát viên phải bảo đảm được đức tính “Công minh”, người Kiểm sát viên luôn phải công bằng, sáng suốt, không thiên vị, không tư lợi bất chính, việc thực hiện đức tính này không phải là dễ khi có quá nhiều cám dỗ, chi phối xung quanh. Tuy nhiên, để bảo đảm được sự công minh, công bằng cho xã hội, pháp luật có quy định người Kiểm sát viên nếu có liên quan đến vụ án thì có thể bị thay đổi theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo công tác giải quyết các vụ án hình sự, vụ án dân sự được công bằng, khách quan. Thứ hai, “Chính trực” cần được hiểu là kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ công lý, người kiểm sát viên thể hiện đức tính này thông qua việc thực hiện theo khẩu hiệu của ngành “tránh oan sai, không bỏ lọt tội phạm”, Kiểm sát viên luôn kiểm sát các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra giúp việc điều tra trở lên nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt tuân thủ các thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định. Thứ ba, người Kiểm sát viên luôn phải mang trong mình tính “khách quan” bởi lẽ chỉ khi đó người Kiểm sát viên mới phân biệt rõ phải trái, xác định được đúng sai, đâu là sự thật, đâu là sự việc không đúng với thực tế khách quan, tránh suy diễn, xuyên tạc thực tế theo định kiến cá nhân mà dẫn đến sai lầm. Thứ tư, tính “thận trọng” là một trong những đức tính người Kiểm sát viên cần phải chú trọng bởi chỉ có việc tận tâm, tận lực để xem xét, giải quyết các vụ án dân sự, vụ án hình sự một cách toàn diện, đầy đủ, tránh sai sót dù là nhỏ nhất, ngoài ra cần phải dựa trên những căn cứ khoa học để bảo đảm được tính đúng đắn của vụ việc. Thứ năm, đây là một đức tính mà người công chức nào cũng phải có được đó là tính khiêm tốn bởi chỉ khi có nó người kiểm sát viên mới luôn chủ động phát triển bản thân, phân biệt rõ được những lời khen, chê, tự đánh giá đúng về bản thân mình, không kiêu căng, tự mãn để từ đó mà rút ra kinh nghiệm, bài học cho bản thân, tích cực học hỏi, nghiên cứu, phấn đầu rèn luyện tốt hơn. Ngoài ra, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, cán bộ Kiểm sát vẫn phải có những phẩm chất đạo đức của cán bộ nói chung như “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, vừa phải có những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của người cán bộ cách mạng “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.

Có thể thấy rằng, để thực hiện được các đức tính theo lời dạy của Bác thì người Kiểm sát viên luôn phải cố gắng, nỗ lực hết mình, sự nỗ lực ở đây phải là nỗ lực ở cả năm đức tính, không phải nỗ lực ở một đức tính mà tạo nên hiệu quả, bởi mỗi đức tính cần phải có sự hỗ trợ, hòa hợp giữa đức tính này với đức tính kia để phát huy được phẩm chất cũng như đạo đức nghề nghiệp của mỗi Kiểm sát viên. Chính vì vậy, người Kiểm sát viên luôn phải giữ trong mình cái tâm của người làm nghề, cái đức phải trong sáng, minh bạch, cái tài trong việc xử lý công việc, hòa quyện giữa các phẩm chất sẽ tạo ra sự minh bạch, ngay thẳng trong việc bảo đảm sự công bằng, bảo vệ cái đúng, bảo vệ công lý và bảo vệ lẽ phải mà không phải chịu bất kỳ ảnh hưởng hay hoàn cảnh nào dẫn tới việc giải quyết công việc không đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là không cho định kiến cá nhân để đưa ra việc xử lý thiếu công bằng, tiêu cực, xa rời thực tế để giải quyết. Để phát huy được vẻ đẹp của người Kiểm sát viên cũng như các đức tính mà Hồ Chủ tịch đã căn dặn, ngành kiểm sát nhân dân đã xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Để thực hiện được sự căn dặn này, ngành Kiểm sát nhân dân luôn quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng được thể hiện trong các Nghị Quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng để xác định nhiệm vụ của Ngành, luôn đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua thông điệp mà ngành Kiểm sát nhân dân đặt ra có thể thấy hình tượng người Kiểm sát viên phải luôn đặt cho mình các tiêu chí về mặt đạo đức cũng như năng lực, trình độ chuyên môn để đáp ứng với sự phát triển của toàn xã hội bảo đảm cho xã hội luôn văn minh, trong sạch, vững mạnh.

Trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc, người phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được bản thân cũng như tài năng, sự sáng tạo, của mình trên mọi lĩnh vực trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hành phúc của nhân dân. Trong đó, hình ảnh nữ Kiểm sát viên được thể hiện rõ nét và chân thực hơn về sự vất vả, gian truân trong mọi thử thách của công việc. Nữ cán bộ Kiểm sát chiếm một số lượng không nhỏ trong ngành, họ không chỉ mang trong mình những giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” mà còn phát huy được nét đặc trưng của ngành Kiểm sát nhân dân, sự bản lĩnh, rắn rỏi trước bão tố, sóng gió của cuộc đời. Có thể đùa vui rằng, họ được ví như một viên ngọc thô chưa được mài giữa nhưng qua thời gian viên ngọc này lại càng sáng, càng chứng tỏ phẩm chất, vẻ đẹp của họ có sự nhẫn nại, cam chịu, sự thủy chung son sắt. Với niềm đam mê yêu ngành, yêu nghề, họ là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn bảo đảm hài hòa giữa các công việc trong cuộc sống. Phụ nữ ngành Kiểm sát luôn thể hiện tư tưởng, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thiện mọi nhiệm vụ được giao mặc dù đặc thù ngành là một công việc hết sức áp lực, hiểm nguy, cần luôn phải giữ được bản lĩnh vững vàng để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, uy tín của tập thể, của ngành. Nhiều nữ cán bộ Kiểm sát luôn nêu cao tinh thần quả cảm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không dao động trước sức ép, cám dỗ tác động tiêu cực từ bên ngoài. Không chỉ công tác tốt, các nữ cán bộ kiểm sát còn nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi tri thức và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, người nữ cán bộ kiểm sát luôn chú trọng trong việc học hỏi thêm kiến thức để hoàn thiện bản thân. Họ luôn tự tin vào bản thân, biết đánh giá mặt mạnh mặt yếu của bản thân từ đó vươn lên khó khăn, khắc phục tâm lý tự ti, rụt rè, là phái yếu…Việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, là phụ nữ có phần khó khăn, trở ngại hơn nam giới, nhưng đã đứng trong hàng ngũ Kiểm sát viên với tình yêu, đam mê công việc đã khiến người phụ nữ kiểm sát trở nên mạnh mẽ, can đảm hơn khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung bị can, đối chất, hay các hoạt động tố tụng khác… hay khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nữ Kiểm sát viên phải bảo vệ thành công bản Cáo trạng đã truy tố bị can tại phiên tòa. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nữ Kiểm sát được phấn đấu, rèn luyện, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, lựa chọn để bổ nhiệm những chức vụ cao trong ngành. Đây cũng là hành động nhằm tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lao động nữ trong xã hội, sự bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay.

            Để minh chứng cho đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và năng lực, trình độ chuyên môn về pháp luật của người Kiểm sát viên, điều này được thể hiện qua việc thực hiện các khâu công tác nghiệp vụ được giao. Có thể nói, chức năng, nhiệm vụ đặc trưng cũng như Hiến pháp đã quy định, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thông qua việc thực hiện các chức năng như:

– Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố bằng các công tác sau đây:

+ Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

+ Thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự.

+ Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố tội phạm.

+ Thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự.

+ Điều tra một số loại tội phạm.

+ Thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

– Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp bằng các công tác sau đây:

+ Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

+ Kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự.

+ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng trong giai đoạn truy tố.

+ Kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự.

+ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

+ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

+ Kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

+ Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền.

+ Kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.

– Các công tác khác của Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

+ Thống kê tội phạm; xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế và các công tác khác để xây dựng Viện kiểm sát nhân dân.

Có thể thấy rằng, công tác thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, đồng thời chức năng kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam, thi hành án dân sự, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Để thể hiện rõ hình ảnh đẹp của người Kiểm sát viên, tôi xin dẫn chứng qua từng khâu công tác:

Trước hết để bảo đảm tính khách quan của vụ việc, Kiểm sát viên phải trải qua một bước rất quan trọng trong quá trình tố tụng để sớm làm rõ và xác định chính xác các vụ việc có tính chất của tội phạm hay không phần nhiều sẽ nhờ vào công tác khám nghiệm hiện trường để phát hiện các dấu vết, vật chứng tại hiện trường nhằm phục vụ cho quá trình giải quyết vụ việc. Việc thực hiện công tác này bảo đảm cho nguyên tắc: “Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải luôn được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời; nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không đề lọt tội phạm và người phạm tội” được thực hiện trên thực tế. Phải nói rằng, Viện kiểm sát có trách nhiệm trong việc khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra được thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm phát hiện, thu thập dấu vết, vật chứng của tội phạm và làm sáng tỏ các tình tiết liên quan đến vụ án. Chính vì vậy, người Kiểm sát viên luôn đề cao trách nhiệm trong việc khám nghiệm hiện trường thông qua việc khi nhận được tin báo về vụ việc của Cơ quan điều tra, dù có giông bão, hay thời tiết khắc nghiệt, hay trời đêm tối hay vì bất kỳ trở ngại khách quan nào, luôn có dấu chân của người Kiểm sát viên tại hiện trường để tham gia khám nghiệm và kiểm sát quá trình này. Không chỉ vì khó khăn, thách thức ở hiện trường khám nghiệm mà Kiểm sát viên lơ là vai trò, nhiệm vụ của mình mà họ luôn thực hiện tốt chức trách của mình trong việc nhận định phạm vi hiện trường, kiểm sát chặt chẽ việc phân công từng thành viên tham gia khám nghiệm; kiểm sát việc phát hiện, mô tả, thu giữ dấu vết, vật chứng, nếu thấy cần thiết Kiểm sát viên sẽ trực tiếp xem xét và định hướng cho việc khám nghiệm diễn ra nhanh chóng và đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, oan sai xảy ra. Ngoài ra, trong quá trình khám nghiệm, Kiểm sát viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phối hợp nhịp nhàng với Điều tra viên trong việc tích cực nghiên cứu và cùng nhau trao đổi để đưa ra những giả thiết điều tra, những phương pháp thu thập chứng cứ, dấu vết trong vụ án. Không những vậy, sau khi kết thúc khám nghiệm, Kiểm sát viên sẽ rà soát, tổng hợp lại toàn bộ nội dung đã tiến hành khám nghiệm để kịp thời bổ sung cho đầy đủ để bảo đảm cho đúng thủ tục tố tụng hình sự.

Đối với vụ việc đơn giản, Kiểm sát viên không phải vì thế mà chủ quan mà họ luôn có thái độ làm việc cần mẫn, thận trọng, luôn suy nghĩ làm sao có thể không để xảy ra sai sót không đáng có, chính xác nhất có thể. Còn với các vụ việc phức tạp, nhiều các tình tiết khó phân tích, người Kiểm sát viên luôn trăn trở suy nghĩ đến “bạc đầu” về hiện trường ban đầu của vụ việc, dùng đầu óc, trí tuệ để tư duy, nghiên cứu quy luật hình thành dấu vết nhằm suy đoán những giả thiết có thể xảy ra trong vụ việc vừa khám nghiệm, bởi mỗi vụ việc có hiện trường khác nhau, có hiện trường để lại nhiều dấu vết còn có hiện trường lại không có dấu vết nào để lại làm khó khăn trong quá trình giải quyết. Chẳng hạn: đối với hiện trường vụ tai nạn giao thông, các vụ việc thường xảy ra ở nơi đông người, nhiều phương tiện đi lại việc bảo đảm hiện trường nguyên vẹn là điều hết sức khó khăn, tình trạng dấu vết có thể sẽ bị mất đi do điều kiện về thời tiết, đồng thời vẫn phải đảm bảo việc lưu thông phương tiện trên đường; hay đối với những vụ án giết người mà hiện trường không để lại dấu vết của hung thủ; hay đối với những vụ đánh nhau đông người dẫn đến thương tích hoặc chết người xảy ra vào ban đêm không để lại dấu vết gì; hay các vụ việc khác hiện trường đã bị xáo trộn, không còn như ban đầu sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Kiểm sát viên trong việc định hướng khám nghiệm cũng như xác định có dấu hiệu của tội phạm hay không. Nhưng không chỉ vì thế mà nản chí, người Kiểm sát viên luôn theo sát, tìm kiếm các dấu vết, công cụ, phương tiện dù là nhỏ nhất mà có liên quan đến vụ án để yêu cầu Điều tra viên phải kiểm tra, mô tả các dấu vết đó trong biên bản và phải bảo quản đúng theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho quá trình điều tra, xác minh sau này.

Ngoài việc Kiểm sát viên phải tham gia khám nghiệm hiện trường, điều quan trọng hơn hết đối với những vụ việc xảy ra chết người, Kiểm sát viên phải tham gia để kiểm sát quá trình khám nghiệm tử thi của nạn nhân. Đây là một trong những hoạt động vô cùng khó khăn đòi hỏi việc kiểm sát phải có kinh nghiệm cũng như trình độ về nghiệp vụ tốt, bởi lẽ việc kiểm sát khám nghiệm tử thi sẽ giúp việc phát hiện, thu giữ những dấu vết, những thông tin có được trong tử thi được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, xác định được đúng nội dung, tính chất của vụ việc xảy ra, phương thức, thủ đoạn, thời gian, nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ việc chết người, từ đó xác định có tội phạm xảy ra hay không, có đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự hay không.

Nói tóm lại, hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của Kiểm sát viên thể hiện rõ vai trò bảo vệ pháp luật, tôn trọng pháp luật, luôn trau dồi kiến thức khoa học ứng dụng và kinh nghiệm khoa học về dấu vết hình sự, về thao tác khám nghiệm đã góp phần không nhỏ trong sự tiến bộ về công tác khám nghiệm.

Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là nhiệm vụ quan trọng, đó là hoạt động mở đầu cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự. Đây là bước khởi đầu cho việc xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật được xử lý kịp thời, tránh bỏ lọt tội phạm. Chính vì vậy, Viện kiểm sát đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Để phát huy đúng vai trò, nhiệm vụ trong quá trình giải quyết, người Kiểm sát viên luôn tập trung nghiên cứu kỹ các quy định của tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn để lập hồ sơ kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ, đúng quy định, đáp ứng tốt yêu cầu của sự phối hợp liên ngành, góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Qua chức năng kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tin báo, người Kiểm sát viên đã miệt mài, vất vả nhằm tránh việc bỏ lọt thông tin về tội phạm thông qua kiểm sát tin báo tại các xã, các phường trên từng địa bàn, từ đó họ có thể thực hiện được quyền công tố của mình trong giai đoạn này, chính là ban hành yêu cầu tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác; nếu vụ việc đã đầy đủ căn cứ khởi tố thì có thể yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát thể hiện rõ nét ở quyền công tố cũng như kiểm sát các hoạt động tố tụng. trong giai đoạn này, người Kiểm sát viên đã thể hiện rõ thông qua việc nghiên cứu kỹ càng vụ án, định ra hướng điều tra qua bản yêu cầu điều tra cho Cơ quan điều tra thực hiện nhằm chứng minh tội phạm, người phạm tội, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong quá trình điều tra, các quyết định của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố có ý nghĩa rất quan trọng đến tới người bị buộc tội, hay chúng ta có thể hiểu Viện kiểm sát là cơ quan phải chịu trách nhiệm về kết quả điều tra và quyết định xử lý vụ án. Để thực hiện trọng trách mà nhà nước giao cho, người Kiểm sát viên hàng ngày phải nắm được tiến độ, kết quả điều tra, kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nghiên cứu, tổng hợp phát hiện những mâu thuẫn của các lời khai một người hoặc lời khai của nhiều người. Vì vậy, người Kiểm sát viên luôn coi việc điều tra, thu thập chứng cứ, làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự là nhiệm vụ quan trọng của mình chứ không chỉ riêng hay phụ thuộc vào Cơ quan điều tra nên người Kiểm sát viên luôn đi sâu, bám sát và phối hợp tích cực với Cơ quan điều tra trong việc thu thập chứng cứ, định hướng điều tra, đề ra yêu cầu điều tra, tăng cường các hoạt động trực tiếp điều tra để việc điều tra được hiệu quả, khách quan, toàn diện, hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không làm oan, sai và bỏ lọt tội phạm. 

Thông qua việc bám sát quá trình điều tra, người Kiểm sát viên trao đổi với Điều tra viên về quá trình thu thập chứng cứ, kịp thời đưa ra những yêu cầu điều tra đa dạng, khác nhau giúp cho việc điều tra được dễ dàng hơn. Đặc biệt, để làm rõ và đưa ra được yêu cầu điều tra chính xác, người Kiểm sát viên luôn hết mình nghiên cứu, lên kế hoạch, nội dung câu hỏi để tiến hành xét hỏi cùng Điều tra viên, họ luôn tìm tòi, phát hiện ra những vấn đề mà Điều tra viên chưa làm rõ, còn nhiều mâu thuẫn hay những vấn đề khác nhau nhằm làm sáng tỏ vụ án; đặt các giả thiết trái chiều, các giả thiết xuôi chiều từ tư duy trừu tượng đến khách quan sinh động để có định hướng giúp cho cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra, sớm kết thúc điều tra. Qua các hoạt động ban hành yêu cầu điều tra, người Kiểm sát viên còn nắm tiến độ, tình tiết vụ án thông qua hoạt động tham gia hỏi cung bị can cùng điều tra viên, cụ thể: người Kiểm sát viên luôn xem xét hỏi bị can trình bày sự việc một cách logic, có hệ thống về hành vi phạm tội của mình để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án và dùng các chứng cứ, người làm chứng, vật chứng để bác bỏ các lời khai không đúng với sự thật, không có phù hợp với thực tế nhằm củng cố, làm rõ hành vi phạm tội một cách chắc chắn. Người kiểm sát viên vận dụng các phương pháp hỏi, chú ý khoét sâu vào các mâu thuẫn để đấu tranh với bị can. Có thể nói rằng, sự hiện diện của người Kiểm sát viên luôn được thể hiện trong giai đoạn điều tra từ ghi lời khai, hỏi cung bị can, người làm chứng, người liên quan vụ án, thu thập chứng cứ, trao đổi với Điều tra viên để làm sáng tỏ hơn về vụ án.

Khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ sau đó tổng hợp rồi viết bản cáo trạng. Bản cáo trạng là một trong những văn bản pháp lý mà Viện kiểm sát ban hành để thực hành quyền công tố trong việc quyết định truy tố, nêu rõ đặc điểm, tính chất của hành vi vi phạm pháp luật đưa đến kết luận bị can có tội, nhằm bảo vệ tính đúng đắn của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trước khi truy tố, người Kiểm sát viên chỉ thông qua bản Kết luận để kiểm tra lại tính đúng đắn của vụ việc, khái quát các tình tiết của vụ án để viết bản cáo trạng truy tố chứ không phụ thuộc vào kết quả điều tra của Điều tra viên để lập bản cáo trạng để xảy ra tình trạng Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điều này cho ta thấy, để viết lên bản cáo trạng người Kiểm sát viên không chỉ dựa vào kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, mà họ phải sâu chuỗi, tổng hợp lại những tình tiết, những chứng cứ để có thể buộc tội được bị cáo ra trước hội đồng xét xử. Để bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, trước khi ban hành Cáo trạng, người Kiểm sát viên luôn cẩn trọng tiến hành phúc cung bị can để kiểm tra độ chính xác của hành vi phạm tội với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cũng như các biện pháp điều tra khác. Dường như bản Cáo trạng chỉ được gói gọn trong những trang giấy A4, nhưng người Kiểm sát viên luôn phải chắt lọc những nội dung quan trọng trong vụ án và các chi tiết cần phải giải quyết triệt để nhưng vẫn phải đảm bảo được tính quyền lực nhà nước, tính có căn cứ và đúng pháp luật, việc truy tố phải đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân. Không chỉ để các cơ quan chức năng có thể hiểu được mà còn để bị can có thể đọc một cách dễ dàng, dễ hiểu, nhận thức rõ được hành vi phạm tội của mình. Để làm được một bản Cáo trạng như vậy, người Kiểm sát viên phải nắm rất vững các quy định chung để xây dựng một bản Cáo trạng hoàn chỉnh; theo thời gian, người Kiểm sát viên luôn tự mình học tập rèn luyện về kỹ năng xây dựng bản cáo trạng để có những bản cáo trạng có chất lượng tốt, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Có thể thấy rằng, Quyết định truy tố của Viện kiểm sát thông qua bản Cáo trạng thể hiện hoạt động chứng minh trên cơ sở các tài liệu của hồ sơ vụ án, tính chất lỗi của hành vi phạm tội, lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội phạm để góp phần có hiệu quả trong việc chuẩn bị cho giai đoạn xét xử của Tòa án; loại trừ những thiếu sót hoặc hậu quả tiêu cực tiếp theo có thể xảy ra do việc xét xử thiếu công minh, vô căn cứ và không đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan những người vô tội.

            Xét xử vụ án hình sự là giai đoạn trung tâm và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự, và vai trò của người Kiểm sát viên được thể hiện thông qua việc bảo vệ bản Cáo trạng đã truy tố trước đó. Khi tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, với tư cách thực hành quyền công tố, người Kiểm sát viên tự tin, phong thái đĩnh đạc công bố bản cáo trạng một cách dõng dạc, dứt khoát tới mọi người trong hội trường xét xử nhằm thể hiện được vai trò, tầm ảnh hưởng của Viện kiểm sát đối với vụ án. Không chỉ là tuyên bố việc truy tố người phạm tội trước Tòa án, mà người Kiểm sát viên phải thực hiện công tác kiểm sát hoạt động xét xử để đánh giá xem các thủ tục tại phiên tòa có bảo đảm hay không, có đúng pháp luật hay không nhằm bảo vệ quyền lợi cho bị cáo và người liên quan khác đến vụ án; hay người Kiểm sát viên phải chú tâm vào những tình tiết phát sinh của vụ án tại phiên tòa, đặc biệt là chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để phục vụ cho quá trình đọc bản luận tội và đề nghị hình phạt phù hợp, đúng quy định pháp luật; tranh luận với luật sư để bảo vệ công lý, công bằng và sự thật khách quan của vụ án. Có thể thấy, để bảo đảm cho phiên tòa được diễn ra đúng pháp luật, người Kiểm sát viên luôn mang trong mình hai trọng trách lớn lao đó là thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa nhằm góp phần làm cho phiên tòa được công khai, minh bạch.

            Trong quá trình xét hỏi, người Kiểm sát viên luôn tích cực đào sâu các tình tiết chưa được làm rõ, tích cực đấu tranh với bị cáo, người có liên quan đến vụ án để chuẩn bị cho quá trình tranh luận. Đây là quá trình làm rõ được các tình tiết, hành vi phạm tội, người Kiểm sát viên luôn đau đáu trong mình làm sao có thể hỏi rõ nhất, chính xác nhất, họ không chỉ tập trung cao độ theo dõi mọi diễn biến trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa mà còn ghi chép đầy đủ các câu hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa, các câu trả lời của bị cáo, người bị hại và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để từ đó họ làm rõ những nội dung chưa được sáng tỏ, nhất là động cơ, mục đích của bị cáo. Điển hình hơn nữa, là trường hợp bị cáo không nhận tội, phản cung tại phiên tòa, người Kiểm sát viên luôn làm chủ được tinh thần, luôn giữ được bình tĩnh để giải quyết một cách thông minh nhất sự việc thông qua các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu có liên quan để nhằm bác bỏ lời khai không chính xác của bị cáo, nhằm bảo vệ được bản Cáo trạng đã truy tố. Phần tranh luận là phần mà người Kiểm sát viên có thể thể hiện bản lĩnh cũng như năng lực, trình độ một cách rõ ràng nhất. Khi tranh luận, người Kiểm sát viên luôn giữ trong mình cái đầu lạnh, sự bình tĩnh giải quyết các tình huống xảy ra trong phiên tòa xét xử, tự tin vận dụng linh hoạt lý luận pháp luật để đáp trả những quan điểm khác với Viện kiểm sát, đặc biệt là phía luật sư. Đặc biệt để có thể trả lời những màn đối đáp nảy lửa này cũng cho thấy người Kiểm sát viên có khả năng tổng hợp, phân tích một cách logic những chứng, tài liệu đã được kiểm tra tại phiên tòa và những tài liệu, chứng cứ khác được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố để chứng minh hành vi của bị cáo là phạm tội và bác bỏ những chứng cứ, căn cứ mà bị cáo, người bào chữa đã đưa ra. Hay người Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm sẽ không bị rối trí vào những nội dung không thuộc nghĩa vụ trả lời, từ chối tranh luận để bảo đảm được lịch sự, văn minh trong trường hợp câu hỏi không thuộc phạm vi của vụ án hoặc những câu hỏi mang tính khích bác, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người Kiểm sát viên. Hay đối với mỗi đối tượng tố tụng trong phiên tòa khác nhau, người Kiểm sát viên luôn giữ được thái độ giao tiếp khác nhau làm sao đạt được sự mềm mỏng, cứng rắn để có thể khai thác được toàn bộ thông tin cần thiết cho mình để bảo đảm được nhiệm vụ được giao.

Nói tóm lại, ngay từ thời điểm được phân công giải quyết vụ án, người Kiểm sát viên đã tập trung nghiên cứu vụ án một cách toàn diện để báo cáo quan điểm, vướng mắc, cũng như đường lối giải quyết vụ án. Người kiểm sát viên đã tập trung tuyệt đối, thận trọng nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết các liên quan đến vụ án để xây dựng đề cương xét hỏi chi tiết, phân công cụ thể, rõ ràng việc xét hỏi tại phiên tòa; các Kiểm sát viên thay nhau thực hiện việc xét hỏi, bổ sung cho nhau và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh mới tại phiên tòa. Với việc chuẩn bị tốt, phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa diễn ra đầy đủ, đúng trọng tâm, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo các bị cáo được trình bày rõ về hành vi phạm tội, nguyên nhân, động cơ, mục đích… Quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên đã chủ động bám sát diễn biến phiên tòa, ghi chép đầy đủ phần xét hỏi của Hội đồng xét xử cũng như phần xét hỏi của luật sư để kịp thời xét hỏi bổ sung, làm rõ các vấn đề mới phát sinh, mâu thuẫn và để bổ sung cho phần luận tội. Trên cơ sở cáo trạng truy tố và kết quả xét hỏi tại phiên tòa, người Kiểm sát viên trình bày luận tội được đầy đủ nội dung, lập luận có căn cứ, chắc chắn, thuyết phục, không chỉ tập trung buộc tội các bị cáo, bản luận tội đã đề cập đến tất cả các vấn đề của vụ án. Phần tranh luận tại phiên tòa trong vụ án luôn mang tính dân chủ giữa đại diện Viện kiểm sát với các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã thể hiện được tính dân chủ, thẳng thắn, không hạn chế về mặt thời gian, đảm bảo văn hóa tranh tụng, thực hiện việc tranh tụng đến cùng nhằm làm sáng tỏ nội dung, bản chất vụ án, hành vi phạm tội của các bị cáo, các vấn đề liên quan…

Trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù nhằm bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam, quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính mạng, tài sản, danh dự nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam người chấp hành án và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng. Trong công tác thi hành án hình sự, người Kiểm sát viên luôn kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức thi hành quyết định thi hành án của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nhằm đảm bảo cho việc thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát với chức năng kiểm sát các hoạt tư pháp trong lĩnh vực tạm giữ tạm giam nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam. Tạm giữ, tạm giam là các biện pháp ngăn chặn được áp dụng để ngăn chặn khả năng tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo của pháp luật. Mặc dù người đang bị tạm giữ, tạm giam là những người đã bị mất đi một số quyền công dân nhất định nhưng họ luôn được Nhà nước và Hiến pháp bảo vệ về quyền con người của những người đó, nhất là trong công tác giam giữ, chẳng hạn như: đối với những người dưới 18 tuổi không được giữ chung buồng với người đủ 18 tuổi, hay người trong cùng một vụ án cũng không được giam, giữ chung, hoặc đối với trường hợp mà đã hết thời hạn tạm giữ người đó vẫn chưa được trả tự do thì người Kiểm sát viên thực hành quyền của mình yêu cầu trả tự do cho những người đó. Đặc biệt, người Kiểm sát viên kiểm sát rất kỹ về việc bảo đảm an toàn trong giam giữ, nhất là bảo đảm không để người bị tạm giữ, tạm giam tự sát, gây thương tích; việc bảo đảm chế độ cho người bị giam, giữ như: diện tích chỗ nằm, có chăn, chiếu, màn, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt không, nước, có ánh sáng… Quyền thăm gặp nhân thân của người bị tạm giữ, tạm giam, được thăm khám khi đau ốm, được học tập. Nói tóm lại, việc kiểm sát việc thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam đều thể hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong việc bảo đảm quyền lợi của người thi hành án phạt tù, người bị tạm giữ, tạm giam theo như quy định của Hiến pháp.

Trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính có vị trí quan trọng nên hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chỉ thị về công tác kiểm sát trong đó có công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Người Kiểm sát viên luôn đúc rút được những kinh nghiệm trong công tác này thông qua việc xem xét các loại sổ sách về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, việc xác định các loại số sách về thi hành án dân sự, hồ sơ nghiệp vụ thi hành án dân sự, so sánh tài liệu giữa hồ sơ nghiệp vụ thi hành án và hồ sơ bán đấu giá tài sản,…nhằm giúp cho Cơ quan thi hành án luôn bảo đảm đúng các thủ tục thi hành án dân sự, việc thụ lý và ban hành các quyết định về thi hành án dân sự bảo đảm thời gian luật định, đối với những việc chưa có điều kiện thi hành các cơ quan thi hành án đã thường xuyên rà soát khi phát hiện có điều kiện thi hành thì tổ chức thi hành ngay, những việc chưa có điều kiện thi hành nhưng có đối tượng đủ điều kiện để xét miễn, giảm thi hành án thì tiến hành làm các thủ tục đề nghị Tòa án xét miễn, giảm theo quy định.

Ngoài ra, hoạt động kiểm sát và giải quyết khiếu nại tố cáo, Viện kiểm sát luôn đề cao trách nhiệm của mình. Mỗi người Kiểm sát viên khi được phân công thực hiện kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo đều đầu tư nhiều thời gian các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết sự việc; lên kế hoạch trực tiếp kiểm sát đối với những cơ quan tiếp nhận khiếu nại, tố cáo hàng năm. Mặt khác, vẫn duy trì thực hiện việc tiếp công dân định kỳ hàng tháng, kịp thời chỉ đạo những vụ việc khiếu nại đông người, bức xúc, có liên quan đến nhiều mặt công tác của Ngành.

Đặc biệt hơn, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm chủ trì thống kê tội phạm, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thống kê hình sự, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tình hình tội phạm, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan tố tụng các cấp. Công tác thống kê tội phạm là công tác góp phần không nhỏ vào việc đánh giá chính xác, khách quan về tình hình vi phạm pháp luật, kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Từ đó, có thể tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Ứng dụng công nghệ thông tin là điều không thể thiếu trong thời đại công nghệ hiện nay, để cập nhật kịp thời thông tin trên toàn quốc, Viện kiểm sát đã đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Đặc biệt, khai thác hệ thống truyền hình trực tuyến để tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị hay là các hội nghị giao ban công tác tuần, công tác tháng để có thể kịp thời chỉ đạo các công việc phát sinh, đồng thời cũng đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị triển khai các chỉ tiêu nghiệp vụ, các việc trọng tâm, và các công việc còn hạn chế để các đơn vị thực hiện, qua đó các Kiểm sát viên kịp thời nắm bắt thông tin, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo. Đặc biệt hơn, tại ngành Kiểm sát nhân dân đã bước đầu việc thực hiện số hóa hồ sơ các vụ án hình sự và sử dụng các tài liệu đó trong quá trình giải quyết vụ án phức tạp. Qua đó, nhận thấy được tính hiệu quả, sự tiện lợi khi sử dụng các tài liệu số hóa này, góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa, bảo vệ được bản Cáo trạng đã truy tố. Thông qua hoạt động thực tiễn, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, bản lĩnh, tự tin hơn khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Ngành kiểm sát nhân dân đầy áp lực là thế, nhưng lại là một trong những cơ quan giúp pháp luật được lan truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong cả nước. Ngành kiểm sát nhân luôn coi phổ biến pháp luật là công việc thường xuyên, không chỉ tập tuyên truyền pháp luật mới mà còn phục vụ cho nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn của đất nước. Mới đây nhất, ngành Kiểm sát nhân dân đã phối hợp Đài truyền hình Việt Nam bấm máy quay bộ phim về hình ảnh người Kiểm sát nhân dân, bộ phim chủ yếu phản ánh được cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt trong việc phòng chống tội phạm, đồng thời cũng xây dựng được bản lĩnh, tinh thần đanh thép để bảo vệ pháp luật, vượt lên những khó khăn để thực hiện tố nhiệm vụ được giao xức đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đây cũng là một phương thức tuyên truyền pháp luật có tính thiết thực nhất, mọi đối tượng khán giả có thể thông qua đó tự nhủ với bản thân luôn làm việc theo Nhà nước và pháp luật. Điển hình với công tác xét xử được chuyển thể thành các tư liệu và phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các phương thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, có nhiều cách làm hay, sáng kiến mới mang lại tính hiệu quả cao, nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp trong xã hội được nâng cao, góp phần trong việc ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân cũng được quan tâm sâu sắc, thể hiện bằng việc phân công các Kiểm sát viên trực tiếp hướng dẫn đối với các Chuyên viên, Kiểm tra viên, đào tạo pháp luật tại chỗ, tổ chức các hội nghị tập huấn các chuyên đề công tác, tổ chức các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm, chú trọng vào mở các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ 03 tháng, 06 tháng, các chuyên đề chuyên sâu về từng mảng công tác nghiệp vụ…Đặc biệt hơn đối với ngành Kiểm sát nhân dân tại tỉnh Quảng Ninh, bước đầu đã tiến hành việc thực hiện phân công cán bộ giúp việc cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Đây là một trong những bước đột phá trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, khả năng tham gia phiên tòa của các cán bộ mới vào ngành có thể tiếp cận được những tri thức, rèn luyện năng lực, trình độ chuyên môn để phục vụ cho công việc sau này. Có thể nói, mỗi phương pháp đào tạo đều giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành có thể nâng cao được mọi mặt từ tri thức, từ bản lĩnh làm nghề, từ đó có thể giúp công việc sau này được hiệu quả hơn.

Công tác xây dựng Đảng không ngừng được phát triển, quan tâm sâu sắc, luôn tích cực tham gia các cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh, đội ngũ Kiểm sát viên không ngừng trưởng thành “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cũng được quan tâm. Hàng năm, ngành kiểm sát nhân dân tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, tổ chức hội thao toàn ngành, tổ chức các giải giao lưu bóng đá với ngành bạn, đặc biệt hơn các hoạt động có ý nghĩa trong việc ủng hộ các trẻ em nghèo, trẻ em tàn tật, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền tổ chức, cùng chung tay góp sức vào phong trào Nông thôn mới, giúp các địa phương phát triển về mọi mặt trong xã hội.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng là một trong những vấn đề đang được toàn Đảng, toàn dân quan tâm trong xã hội hiện nay, công tác phòng chống tội phạm tham nhũng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Kiểm sát nhân dân. Hình ảnh người Kiểm sát viên ánh lên nét hào hùng của những chiến sỹ trong mặt trận bảo vệ pháp luậ. Những tội phạm liên quan đến tham nhũng thông thường là những bị can, bị cáo có những chức danh đặc biệt, nắm quyền cao, chức trọng trong xã hội trước đó như Nguyễn Đức Kiên, Đinh La Thăng, Trịnh Văn Thanh, Phan Văn Anh Vũ,.. các bị can, bị cáo này là những người có kiến thức pháp luật chắc chắn, thêm vào đó là đội ngũ luật sư bào chữa giỏi trên cả nước, thậm chí có những vụ án có rất nhiều luật sư bào chữa, các sự kiện phạm tội xảy ra nhiều năm mới bị phát hiện. Điều này cho ta thấy hình ảnh người Kiểm sát viên phải cặm cụi, dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu hồ sơ, hiểu rõ được nội dung vụ án, hiểu rõ được hành vi phạm tội bởi với các vụ án tham nhũng thì hành vi phạm tội rất tinh vi, đặc biệt xuất hiện nhiều thuật ngữ pháp lý mới, người Kiểm sát viên phải nghiên cứu chuyên sâu về học thuật pháp lý mới hiểu được ý nghĩa, nội dung của thuật ngữ pháp lý này để tổng hợp lại nhằm đối đáp, tranh luận tại phiên tòa. Người Kiểm sát viên không chỉ mục đích nhằm giúp cho xã hội được tốt đẹp hơn mà còn giúp các bị can, bị cáo có thể nhận thức được trách nhiệm xã hội của bản thân đối với Nhà nước, với nhân dân.

Với chức năng, nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở biên giới đất liền, lãnh hải biển đảo, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Hiến pháp. Do đó, Viện kiểm sát đã ký các quy chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trên lãnh thổ, biên giới đất liền, lãnh hải biển đảo để kịp thời khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm, nhằm giữ vững an ninh biên giới quốc gia, an ninh quốc gia, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hình ảnh người Kiểm sát viên “màu áo xanh thiên thanh” được thể hiện rõ nét qua các khâu công tác, mỗi một khâu công tác, người Kiểm sát viên lại cho chúng ta thấy được sự tận tình, tận tụy với công việc, cố gắng hết mình trong công tác phòng chống tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm nhìn xa hơn là công cuộc bảo vệ pháp luật, bảo vệ tổ quốc. Người Kiểm sát viên luôn giữ trong mình một thái độ học tập tích cực, rèn luyện bản thân trong việc trau dồi kiến thức pháp luật phục vụ cho đời sống xã hội để từ đó có thể tiếp bước ông cha viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân trong sự nghiệp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Và điều không thể quên được của mỗi người Kiểm sát viên và luôn phải khắc cốt ghi tâm đó chính là lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” để hình ảnh người cán bộ Kiểm sát thực sự là chỗ dựa tin cậy, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Nguyễn Khánh – VKSND huyện Đầm Hà

Tin tức mới nhất