CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Kinh nghiệm giải quyết án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

 

Quảng Ninh là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, có cửa khẩu quốc tế, hải cảng, khu du lịch, khu công nghiệp than lớn nhất toàn quốc và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước. Trong nhiều năm qua cùng với sự giao lưu phát triển kinh tế- xã hội, nhiều tệ nạn xã hội, tội phạm xuyên quốc gia cũng phát triển theo, đặc biệt là tội phạm về ma tuý.

Quảng Ninh được coi là một trong những địa bàn trọng điểm về việc vận chuyển, mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Đặc điểm tội phạm ma túy trên địa tỉnh Quảng Ninh rất đa dạng phong phú, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, dưới nhiều cách thức trá hình khác nhau. Khi bị phát hiện các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả lại các lực lượng chức năng. Ma túy được đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển, sản xuất với số lượng rất lớn, ngày càng nhiều chủng loại, không chỉ đơn thuần là các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, Heroine, cocaine mà còn nhiều loại ma túy tổng hợp mới như: Methamphetamine, Ketamine, MDMA, XLR-11, cần sa tổng hợp… với nhiều tên gọi, hình dáng khác nhau. Việc tiêu thụ ma túy dưới hình thức tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng len lỏi vào nhiều nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán karaoke… ở khắp các ngõ ngách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đặc biệt là tại các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái…

Trong nhưng năm gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về ma túy, đặc biệt là tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 255 của Bộ luật hình sự. Hàng loạt các vụ án “ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra tại các quán bar, Karaoke như Kingdom, Zone 9, New Ha long Club, Hoàng Anh, Đất Việt, Dubai…đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tuy nhiên thực tiễn giải quyết các vụ án nêu trên còn có nhiều vướng mắc, có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ. Xem xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chúng tôi thấy có nhiều lý do khác nhau, đó là: Về căn cứ pháp luật, so sánh các quy định tại Điều 198 BLHS năm 1999 Bộ luật Hình sự (BLHS) và Điều 255 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 hầu như không thay đổi, chỉ chỉnh sửa về thể thức, kỹ thuật cho phù hợp với tinh thần chung. Trong nhiều năm qua, hệ thống văn bản hướng dẫn dưới luật tội ma túy nói chung và tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng chưa được quan tâm đúng mực. Đến thời điểm hiện tại chỉ có Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “ Các tội phạm về ma túy” (Thông tư liên tịch số 17/2007) và Thông tư liên tịch số 08/2015 ngày 14/11/2015 của Liên ngành Trung ương sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2007 nêu trên (Thông tư liên tịch số 08/2015) đều hướng dẫn các quy định về tội phạm ma túy được quy định trong BLHS năm 1999. Từ khi BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đến nay đã hơn 03 năm nhưng Liên ngành Trung ương chưa có văn bản mới hướng dẫn các quy định về tội phạm ma túy. Trong năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 89 ngày 30/6/2020 Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có một số nội dung hướng dẫn về nhóm tội ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tại phần I – Hình sự – các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7). Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng ban hành văn bản Giải đáp về những khó khăn vướng mắc – Kỷ yếu Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ngày 12/11/2020 trong đó có một số hướng dẫn về nhóm tội phạm ma túy (tại Phần I – Các tội phạm, mục 18, 19, 20). Các văn bản đơn ngành của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ yếu giải đáp các vướng mắc trong quá trình xét xử án hình sự đối với trường hợp người “cung cấp chất ma túy cho người khác sử dụng” có là đồng phạm trong tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không… còn các vấn đề khác liên quan đến việc xác định các yếu tố cấu thành tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hầu hết vẫn áp dụng tinh thần các quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

          Thông qua việc giải quyết các vụ án hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, chúng tôi tổng hợp một số kinh nghiệm giải quyết cụ thể như sau:

            1. Kiểm sát viên cần chủ động nắm bắt, tiếp cận thông tin vụ việc và hồ sơ ban đầu ở giai đoạn tin báo, tố giác tội phạm

          Một trong những đặc trưng của nhóm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là có nhiều đối tượng cùng thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng này đều vừa sử dụng ma túy xong nên trạng thái tinh thần thường không ổn định, việc khai báo ban đầu chưa chính xác. Ngay sau khi đưa các đối tượng về trụ sở lập biên bản (tùy từng trường hợp có thể là biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang hoặc biên bản tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm), Cơ quan điều tra chủ động thông báo cho Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp để cử Kiểm sát viên (KSV) tiếp cận nội dung vụ việc ngay từ đầu. Giai đoạn này, cần chú ý một số hoạt động cụ thể như sau:

– Một là, tiếp cận thông tin vụ việc nhanh chóng, tổng hợp tài liệu, chứng cứ để đánh giá, phân loại các đối tượng liên quan. Khi nhận được thông tin từ cơ quan điều tra, tùy từng tính chất phức tạp của vụ việc, lãnh đạo VKS cùng cấp có thể cử một hoặc nhiều KSV phối hợp cùng ĐTV hỏi, ghi lời khai làm rõ hành vi cụ thể của từng đối tượng. Giai đoạn này việc ghi lời khai thuộc trách nhiệm của ĐTV, cán bộ điều tra. KSV tham gia hỏi cùng ĐTV hoặc cán bộ điều tra, có thể trực tiếp ghi lời khai của các đối tượng nếu xét thấy cần thiết. Khi tham gia hỏi cung, KSV cần ghi chép tóm tắt hành vi của từng đối tượng vào sổ tay của mình để tổng hợp, đối chiếu và báo cáo lãnh đạo Viện khi đánh giá chứng cứ phân loại các đối tượng trước khi đưa vào tạm giữ hình sự.

          – Hai là, KSV cần kiểm tra tính khách quan, trung thực trong việc khai báo ban đầu của các đối tượng. Các đối tượng thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thường đông người, có thể quen biết nhau hoặc không biết nhau. Khi nghiên cứu hồ sơ ban đầu, KSV cần chú ý mối quan hệ của những người này để xác định tính khách quan trong việc cung cấp thông tin. Đặc biệt chú ý những nhân viên nữ phục vụ (tại vũ trường, quán bar, karaoke… hoặc được thuê đi sử dụng ma túy cùng), những đối tượng này thường sử dụng tên gọi khác với lý lịch (ví dụ: thay tên, tăng hoặc giảm tuổi, cung cấp sai địa chỉ cư trú…) hoặc khai báo có thai. Trường hợp đối tượng khai có thai thì cần đưa đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa, xác định tình trạng sức khỏe của đối tượng trước khi đưa đi xác định tình trạng nghiện ma túy. Khi bị bắt giữ họ thường khai tên dùng ở quán, không đúng nhân thân, lai lịch, nơi cư trú di động nên trong trường hợp không thể đưa họ đi xác định tình trạng nghiện, phải tạm cho về hoặc giao cho gia đình quản lý chờ các cơ quan tố tụng giải quyết thì KSV phải kiểm tra lý lịch của các đối tượng này đã được chính quyền địa phương xác nhận hay chưa. Nếu đối tượng có địa chỉ ở xa, ĐTV đã tiến hành xác minh qua điện thoại tại nơi đối tượng đăng ký cư trú chưa để tránh tình trạng sau khi cho các đối tượng này về địa phương mới phát hiện đối tượng khai báo không trung thực, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

2.Yêu cầu Cơ quan điều tra khẩn trương tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng liên quan

Theo hướng dẫn tại điểm a mục 6.2 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định: “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy…” nên việc xác định tình trạng nghiện là bắt buộc trong việc xử lý các đối tượng có biểu hiện tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là một trong những vấn đề quan trọng quyết định hành vi của các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có phải tội phạm hay không.

Ngay sau khi bắt, đưa các đối tượng có liên quan đến việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy về trụ sở để làm việc, cơ quan điều tra cần thu thập ngay mẫu nước tiểu của những người này để sơ bộ xác định họ có sử dụng trái phép chất ma túy không. Việc test thử nhanh nước tiểu có thể được tiến hành bằng nhiều cách có thể sử dụng dụng cụ y tế là thanh test ma túy hoặc đưa đến cơ sở y tế xét nghiệm hoặc mời giám định kỹ thuật hình sự thu mẫu xét nghiệm…

Trước khi tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng, ĐTV phải xác minh tại chính quyền địa phương xem đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có tên trong danh sách đối tượng nghiện do chính quyền địa phương quản lý hay không, gia đình và người thân có biết các đối tượng sử dụng ma túy hay không. Nếu các đối tượng này có tên trong danh sách người nghiện do địa phương quản lý thì không phải đưa họ đến cơ sở cai nghiện để xác định tình trạng nghiện ma túy nữa mà căn cứ vào những tài liệu này có thể khẳng định họ là người nghiện ma túy. Còn các đối tượng có kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với ma túy nhưng không thuộc danh sách người nghiện ma túy ở địa phương quản lý thì ĐTV phải ghi lời khai của đối tượng người thân để hỏi rõ về tình trạng nghiện ma túy. Nếu đối tượng khai nghiện ma túy, cần thiết phải đưa họ đi xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Sau đó, cơ sở cai nghiện sẽ tiến hành kiểm tra, chuẩn đoán, theo dõi các dấu hiệu đặc trưng của người sử dụng ma túy để đánh giá và đưa ra kết luận họ có nghiện ma túy hay không.

Quá trình điều tra ban đầu, KSV cần chú ý đối với những vụ việc cơ quan điều tra tiếp cận hồ sơ, đối tượng muộn (có thể do công an cấp xã hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu phát hiện bắt giữ, thiết lập hồ sơ chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền muộn) thì việc test thử nước tiểu xác định tình trạng nghiện ma túy đôi khi không kịp thời và cho kết quả không chính xác. Các chất ma túy, rượu cồn đào thải thông qua một số bộ phận trên cơ thể người có thời gian khác nhau. Ngoài nước tiểu và máu là những mẫu bệnh phẩm thường được các cơ sở y tế thu để xét nghiệm chất ma túy thì ma túy còn tồn tại trong cơ thể người ở một số cơ quan khác. Do đó, KSV cần yêu cầu ĐTV xác định việc các đối tượng có sử dụng ma túy hay không thông qua một số cách xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm khác như máu, lông tóc…Nếu thời gian đã lâu, kết quả xét nghiệm không có ma túy thì cần phải củng cố các chứng cứ khác như yêu cầu các đối tượng khai rõ loại ma túy sử dụng, cách thức sử dụng, nhận dạng loại ma túy đã sử dụng, thực nghiệm điều tra việc sử dụng ma túy…để có căn cứ xử lý.

3. Củng cố tài liệu chứng cứ để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Theo quy định tại Mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây:

+) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

+) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy:

+) Đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

+) Cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy;

+) Chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

+) Chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác);

+) Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

+) Tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.

          Cùng với hoạt động điều tra xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng liên quan thì ĐVT và KSV cần phải phối hợp tích cực điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ để xác định vai trò, các dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội phạm của các đối tượng. Hoặc trong những trường hợp có các đối tượng thuộc diện có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ hình sự ngay sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì trong khoảng thời gian tối đa 09 ngày (thời hạn tạm giữ và gia hạn thời hạn tạm giữ), ĐVT phải thu thập đầy đủ các chứng cứ để có thể khởi tố bị can hoặc trả tự do cho người bị tạm giữ. Quá trình điều tra chứng minh, ĐTV cần điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng thuộc trường hợp nào trong các hành vi viện dẫn nêu trên. Đặc biệt cần điều tra làm rõ các hành vi sau:

Một là, hành vi “Chỉ huy, phân công, điều hành” việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy:

Theo Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi “Chỉ huy, phân công, điều hành” các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác như: chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy… Do đó, dấu hiệu chỉ huy, phân công, điều hành là hành vi khách quan bắt buộc phải có trong cấu thành tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Thực tiễn giải quyết án thuộc tội danh này cho thấy việc chứng minh yếu tố này gặp nhiều khó khăn, đa số các vụ án đều được phát hiện, bắt quả tang khi các đối tượng tập trung đông người sử dụng chất ma túy (đang sử dụng hoặc vừa sử dụng ma túy xong). Biểu hiện khách quan ban đầu thường là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng đều sử dụng ma túy, tinh thần chưa minh mẫn (đang ảo giác) nên việc khai báo ban đầu thường chưa chính xác. Đòi hỏi ĐTV phải có chiến thuật hỏi, ghi lời khai và thu thập khẩn trương tài liệu, vật chứng liên quan ngay sau khi phát hiện hành vi phạm tội. Sau một thời gian nhất định, tinh thần các đối tượng dần tỉnh táo hơn thì ĐTV tiến hành ghi lời khai cùng KSV đánh giá chứng cứ, phân loại hành vi của các đối tượng để tìm ra người chủ mưu trong việc tổ chức sử dụng ma túy. Trong đó, ĐTV phải làm rõ ai là người khởi xướng, có việc rủ nhau góp tiền, bàn bạc mua ma túy, tìm địa điểm, rủ thêm người sử dụng ma túy hay không. Diễn biến hành vi của các đối tượng khi sử dụng ma túy. Qua đó, ĐTV và KSV sẽ sàng lọc được vai trò của các đối tượng trong vụ án: ai là người chủ mưu, ai là người thực hành, ai là người giúp sức và ai là người thụ hưởng (người được sử dụng ma túy mà không phải đóng góp hay thực hiện bất kì hành vi gì)

Việc chứng minh yếu tố “Chỉ huy, phân công, điều hành” thường dễ hiểu lầm sang dấu hiệu khách quan của các yếu tố “Phạm tội có tổ chức”, “Tổ chức phạm tội”. Các khái niệm này đều có những đặc điểm chung là yếu tố đồng phạm (có nhiều người thực hiện hành vi phạm tội, có câu kết chặt chẽ, có đủ vai trò thực hiện tội phạm: người chủ mưu, cầm đầu; người thực hành, người giúp sức…) nên đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ giữa những người tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tụng. Trong thời gian vừa qua có nhiều vụ việc gặp khó khăn, phức tạp phải họp liên ngành nhiều cấp để giải quyết vấn đề này. Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập hợp những vướng mắc này, giải đáp, hướng dẫn trực tiếp tại các buổi Hội nghị, Hội thảo toàn ngành. Theo đó, hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là những hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng trái phép chất ma túy như bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng” . Hành vi này khác và không đồng nhất với tình tiết “phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm”. Yếu tố đồng phạm trong tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đơn giản hơn, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ các đồng phạm trong tình tiết “phạm tội có tổ chức”. Việc chỉ huy, phân công điều hành chỉ là việc bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện, cung cấp chất ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Hai là, hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể “người khác”:

Theo quy định của nhà nước ta thì chất ma túy có thể được dùng trong các trường hợp nghiên cứu, phân tích khoa học, kiểm nghiệm hoặc để chữa bệnh… Ngoài những mục đích trên, thì việc đưa chất ma túy vào cơ thể con người bằng mọi hình thức đều bị coi là trái phép. Như trên đã phân tích, yếu tố đồng phạm trong tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đơn giản, đa số các đối tượng đều là người thực hành nhưng cũng có những người không được bàn bạc, thỏa thuận trước nhưng lại được sử dụng ma túy mà không phải đóng góp bất kì thứ gì. Từ đó, xuất hiện các khái niệm trong tội này là người thực hiện hành vi phạm tội, người giúp sức và “người thụ hưởng”.

Thực tiễn ở địa phương cho thấy có nhiều quan điểm đánh giá chứng cứ khác nhau để xác định các yếu tố “người khác” hoặc “người thụ hưởng” trong tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo cách hiểu thông thường thì cụm từ “người khác” được hiểu là “cá thể” độc lập với nhau.

Hiện nay vẫn đang có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất: yếu tố “người khác” được hiểu là cá nhân này với cá nhân khác nên có nhiều vụ án chỉ cần các đối tượng cùng thực hiện hành vi bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng hoặc cùng nhau sử dụng ma túy (hành vi tổ chức cho nhau sử dụng ma túy) vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng yếu tố “người khác” phải là người khác so với nhóm người thực hiện hành vi phạm tội (khác với chủ thể của hành vi phạm tội) tức là “người thụ hưởng”. Thực tiễn xét xử từ năm 2018 đến nay đã chứng minh, các đối tượng thực hiện hành vi tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy (mỗi người góp một phần hoặc thực hiện một trong chuỗi các hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và coi đây là trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy (hành vi này đã được bãi bỏ khi Thông tư liên tịch số 08/2015 ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2007). Và theo đó, chỉ những vụ án nào các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được “người thụ hưởng” thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng khác. Chúng tôi, đồng ý với quan điểm này.

Ba là, các yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự khi đánh giá, phân loại vai trò các đối tượng phạm tội:

Với đặc trưng của sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp phải có nhiều người sử dụng cùng nhau. Thông qua các vụ việc được phát hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua, chủ yếu là các nhóm đối tượng tập trung tại các quán Karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, vũ trường, quán bar… để sử dụng ma túy. Những đối tượng bị bắt giữ thông thường gồm ba nhóm:

* Nhóm thứ nhất là khách đến quán sử dụng ma túy (vai trò là người chỉ huy, phân công, điều hành).

Hành vi đặc trưng của nhóm này chủ yếu gồm các hành vi bàn bạc, rủ rê việc sử dụng trái phép chất ma túy; phân công việc chuẩn bị ma túy (có sẵn hoặc đi mua); tìm địa điểm sử dụng ma túy bằng cách thuê phòng nghỉ, phòng hát, đặt bàn trong quán bar…; tìm người sử dụng ma túy cùng bằng cách gọi thêm người khác là bạn bè, người thân hoặc thuê các nhân viên phục vụ nhà hàng qua các mối trung gian. Đối với nhóm này, phải làm rõ người khởi xướng, rủ rê lôi kéo người khác; việc phân công chuẩn bị ma túy (cần làm rõ nguồn ma túy có từ đâu, có từ trước hay đi mua, nguồn tiền để mua và người đi mua…); liên hệ tìm địa điểm để sử dụng ma túy bằng cách thuê phòng nghỉ, phòng hát…; tìm người cùng sử dụng ma túy như gọi thêm bạn bè hoặc thuê nhân viên phục vụ (có thể trực tiếp hoặc qua trung gian). Trên cơ sở đó, mới xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng đối tượng cụ thể.

Chỉ những đối tượng được rủ đi cùng là bạn bè, người thân được sử dụng ma túy mà không phải đóng góp gì “người thụ hưởng”, không đồng phạm thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà tùy từng trường hợp được xác định là người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

* Nhóm thứ hai là những nhân viên phục vụ có thể của nhà hàng, hoặc do khách gọi ở nơi khác đến (vai trò giúp sức).

Nhóm đối tượng này, khi được khách thuê đi phục vụ như hát cùng, chơi nhạc DJ, sử dụng ma túy cùng để được trả công theo giờ hoặc khi được chủ gọi đến phục vụ khách, họ chứng kiến khách tự lấy hoặc được sai đi lấy các dụng cụ để sử dụng ma túy (như đĩa sứ, bật lửa, thẻ nhựa cứng…). Quá trình sử dụng ma túy, nhóm nhân viên thường có hành vi giúp sức bằng cách lau đĩa, hơ lửa nóng cho khô đĩa, đảo, xào, kẻ ma túy, bê đĩa ma túy đi mời người khác sử dụng… Hành vi khách quan của các đối tượng này đều có dấu hiệu đồng phạm với vai trò là người giúp sức cho việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

          Tuy nhiên việc xử lý hành của các đối tượng thuộc nhóm này gây nhiều quan điểm tranh cãi trong quá trình áp dụng pháp luật tại địa phương. Đối với nhóm đối tượng này, khi được khách đặt vấn đề thuê đi phục vụ (đi hát cùng, đi sử dụng ma túy cùng) để được trả công theo giờ hoặc khi được chủ quán điều động, phân công phục vụ khách đến hát, chứng kiến khách tự lấy hoặc sai đi lấy các dụng cụ như đĩa sứ, bật lửa, thẻ nhựa cứng… là những đồ dùng dụng cụ để sử dụng ma túy thì về mặt ý thức chủ quan, các đối tượng này đều biết việc sử dụng ma túy. Quá trình sử dụng ma túy các đối tượng này có hành vi giúp sức bằng cách lau đĩa, hơ lửa nóng cho khô đĩa, đảo, xào, kẻ ma túy hoặc soi đèn pin cho các đối tượng khác đảo, xào, kẻ ma túy, bê đĩa ma túy đi mời người khác sử dụng… Về hành vi khách quan các đối tượng này đều có hành vi giúp sức cho việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Về nhân thân, các đối tượng này đều có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nên về nguyên tắc nhóm đối tượng này phải bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở địa phương còn có nhiều quan điểm trái chiều về đường lối xử lý các đối tượng này. Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của những đối tượng này là đồng phạm với hành vi của nhóm đối tượng khách với vai trò giúp sức, thậm chí hành vi “bê đĩa ma túy đi mời người khác trong phòng sử dụng” của các nhân viên phục vụ được coi là hành vi cung cấp chất ma túy nên phải xử lý hình sự các đối tượng này. Hiện nay Công văn 89 của Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn hành vi cung cấp chất ma túy nhưng trường hợp này có được coi là cung cấp chất ma túy hay không thì chưa rõ.

Quan điểm thứ hai cho rằng, các đối tượng nhóm này không được bàn bạc từ đầu, việc thực hiện hành vi giúp sức chỉ là được thuê làm để hưởng công; tính chất, vai trò và mức độ thực hiện hành vi phạm tội của nhóm đối tượng này không đáng kể nên không nhất thiết phải xử lý hình sự có thể áp dụng khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự “Những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác” và hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xác định “người giúp sức có vai trò không đáng kể theo khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự có thể được hiểu là người có hành rất đơn giản, tính chất nguy hiểm cho xã hội thấp, mức độ tham gia hạn chế nhất so với các đồng phạm, thông thường không trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại vật chất của tội phạm”. Do đó, trong thời gian vừa qua nhiều đối tượng là nhân viên nữ phục vụ có vai trò không đáng kể trong việc giúp sức cho các đối tượng khác tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều bị xử lý hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để thận trọng trong việc áp dụng pháp luật và tránh bỏ lọt tội phạm, những trường hợp này các cơ quan tố tụng cần phải tổ chức họp, đánh giá chứng cứ trước khi phân loại xử lý.

* Nhóm thứ ba là người quản lý nhà hàng, khách sạn, quán Bar, Karaoke, chủ sở hữu địa điểm các đối tượng sử dụng ma túy.

          Đối với hành vi cung cấp địa điểm của chủ quán Bar, Karaoke, người quản lý nhà hàng, khách sạn cho các đối tượng khác sử dụng ma túy: việc chứng minh ý thức chủ quan của những đối tượng này để xử lý về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là rất khó khăn. Các đối tượng đều thấy dấu hiệu tập trung đông người (thuê 1-2 phòng nghỉ lớn cho nhiều người ở, mở nhạc to), hỏi mượn đĩa, thẻ nhựa… (dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy). Thực tế cho thấy, những đồ dùng dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy không có đặc trưng riêng biệt, các đối tượng sử dụng những đồ dùng vật dụng thông thường nên việc chứng minh ý thức chủ quan của các đối tượng trong những trường hợp “buộc phải biết” các đối tượng khác sử dụng trái phép chất ma túy là rất khó. Vì vậy, quá trình điều tra vụ án, ĐTV và KSV cần làm rõ ý thức chủ quan của những đối tượng này nhằm xác định có đồng phạm với nhóm khách thuê phòng để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không. Để làm rõ được ý thức chủ quan của nhóm người này cần tập trung đấu tranh xác định ngoài việc cho thuê phòng thì họ có thực hiện các hành vi cung cấp các dụng cụ như đĩa, thẻ nhựa cứng, bật lửa…, đặc biệt là có liên quan đến việc cung cấp ma túy hoặc liên hệ người đem ma túy đến không; có kiểm tra phòng khi thấy dấu hiệu khách sử dụng ma túy không, tại quán có thiết kế phòng riêng biệt để khách nghe nhạc và sử dụng ma túy không …? Khi có đầy đủ chứng cứ, chứng minh các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy

Bên cạnh các yếu tố đặc trưng cấu thành tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như đã phân tích ở phần trên thì yếu tố nhân thân của người phạm tội cũng là một trong những yếu tố cần phải làm rõ để làm căn cứ xác định việc người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Bởi lẽ, theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17/2007 thì nhóm đối tượng là những người nghiện ma túy tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.Đây là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người phạm tội.

Tuy nhiên, cần chú ý trường hợp đối tượng nghiện có địa điểm cho người nghiện khác sử dụng ma túy từ sau thời điểm Thông tư liên tịch số 08/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2015 thì hành vi của người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy sử dụng ma túy tại nơi ở của mình, không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự (theo điểm b mục 7.3 Phần II các tội phạm cụ thể Thông tư liên tịch số 17/2007) mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Thực tiễn áp dụng pháp luật xử lý tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở địa phương trong những năm qua cho thấy: bên cạnh trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự trên thì trường hợp “tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy” (trường hợp không có người thụ hưởng) thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hoặc trường hợp các đối tượng là những người giúp sức có vai trò thứ yếu trong việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng được xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, quá trình điều tra, ĐTV cần chú ý làm rõ hành vi khách quan, nhân thân của từng nhóm đối tượng trong tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính của các đối tượng liên quan.

4. Trường hợp khi bắt giữ các đối tượng phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý , khi bắt giữ còn thu thêm 01 lượng ma túy đến mức xử lý hình sự về tội: “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” thì xử lý như thế nào. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, sẽ có hai trường hợp xảy ra

       Nếu khối lượng ma tuý thu giữ của các bị can đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “ Tàng trữ trái phép chất ma túy” và các bị can đều khai số ma tuý đó tiếp tục để sử dụng ngay tại địa điểm đó thì xử lý về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

       Nếu các bị can khai số ma túy đó để lần sau sử dụng hoặc mang đi nơi khác sử dụng thì xử lý về 2 tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”“Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

Việc điều tra, xử lý tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đòi hỏi các ĐTV, KSV phải có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ tốt. Một trong những điểm đặc biệt của tội danh này là mọi hoạt động điều tra, phân loại, xử lý ban đầu cần phải tiến hành nhanh, khẩn trương, kịp thời, đảm bảo tính chính xác, khách quan. Khi giải quyết án đòi hỏi ĐTV, KSV nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, có kỹ năng làm việc tập thể khoa học, có khả năng tổng hợp, phân loại các đầu việc phải tiến hành điều tra một cách đồng thời, không bị chồng chéo và đảm bảo tiến độ nhanh chóng về thời gian.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong kiểm sát điều tra các vụ án về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Rất mong nhận được các ý kiến phản hồi từ các đồng nghiệp./.

                                              Nguyễn Trung Hoan

  Phòng 1, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Tin tức mới nhất