CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

TRAO ĐỔI MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN TREO

 

Trong những năm gần đây, số lượng người thi hành án treo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là tương đối lớn, chỉ tính riêng trong năm 2019, số người được hưởng án treo là 1.542 người; 6 tháng đầu năm 2020 là 217 người.

Đến nay, số đã chấp hành xong thời gian thử thách của án treo là 575 người, số còn lại đang trong thời gian thử thách của án treo là 967 người.

VKS 2 cấp đã tăng cường các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm sát có hiệu quả các trường hợp chấp hành án treo trên địa bàn, tạo sự chuyển biến sâu sắc của các chủ thể và nhân dân trong công tác thi hành án treo ta địa phương; qua đó, khẳng định vai trò, vị trí của VKSND trong kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát thi hành án hình sự, trong đó có án treo nói riêng, góp phần đưa công tác thi hành án treo ngày càng đi vào nề nếp, thực hiện đúng các quy định của Luật Thi hành án hình sự. Thông qua công tác kiểm sát phát hiện nhiều vi phạm ban hành nhiều kiến, kháng nghị góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án treo, góp phần vào thành tích chung của Ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác này còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như: Chưa kiểm sát chặt chẽ việc ban hành Quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo của Tòa án, nhiều trường hợp Tòa án khi ban hành Quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo có sai sót về hình thức và nội dung hoặc đối với UBND, Công an cấp xã nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ về trình tự, thủ tục tiếp nhận hồ sơ, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục và tổ chức giám sát, giáo dục; có trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ… nhưng quá trình kiểm sát, cán bộ nghiên cứu không phát hiện được để tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục. Nguyên nhân chính là do cán bộ làm khâu công tác này có lúc, có nơi còn chưa cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật cũng như các hướng dẫn dưới luật để kiểm sát và phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm sát.

Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật về thi hành án treo và hoạt động thực tiễn công tác kiểm sát, tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác kiểm sát thi hành án treo, đồng thời đưa ra một số giải pháp trong việc nghiên cứu phát hiện vi phạm, để cùng trao đổi học tập với các đơn vị trong ngành, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của khâu công tác này.

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018: Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự (Luật THAHS).

Sau khi bản án được ban hành, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần căn cứ Điều 167 Luật THAHS; Luật tổ chức VKSND; Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS); Bộ luật hình sự (BLHS); Luật THAHS; Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt là NQ số 02); Quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) để kiểm sát chặt chẽ từ nội dung bản án của Tòa án đã tuyên có hiệu lực pháp luật đến công tác tổ chức thi hành án treo, gồm kiểm sát các nội dung sau:

– Về nội dung bản án:

Ngoài những nội dung bắt buộc phải có trong bản án theo quy định tại Điều 260 của BLTTHS, bản án cho người được hưởng án treo phải có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết HĐTP số 02/2018, trong  đó cần lưu ý:

+ Về việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách: Khi kiểm sát bản án KSV cần lưu ý: khi giao người được hưởng án treo về địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, thì ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 65 BLHS, thì tùy từng trường hợp Tòa án phải áp dụng các quy định tại Điều 84, 86 Luật THAHS để giao người được hưởng án treo cho UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội thực hiện việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Nếu không giao người được hưởng án treo cho 02 chủ thể trên thì khi bản án có hiệu lực pháp luật sẽ không thi hành được trong thực tiễn, bởi Luật THAHS chỉ quy định UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội là 02 chủ thể được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

+ Về việc tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Trong phần quyết định của bản án cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của BLHS, cụ thể như sau: “Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

Đối với các trường hợp cho hưởng án treo trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì KSV cần lưu ý: Không áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 65 của BLHS và NQ số 02 để buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật THAHS từ 2 lần trở lên (khoản 4 Điều 12 NQ số 02/2018).

+ Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 2 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật THAHS.

Về điều kiện cho hưởng án treo: Cần tập trung vào những điều kiện theo quy định tại Điều 65 BLHS và Điều 2 Nghị quyết số 02 nêu trên.

– Về việc ấn định thời gian thử thách: Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 1 năm và không được quá 5 năm (Điều 65 BLHS và Điều 4 Nghị quyết số 02 nêu trên).

-Về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách (Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP):

Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được xác định như sau:

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

-Về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo (Điều 8 NQ 02/2018)

Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau: Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo; Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật THAHS; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng; Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 1 tháng đến 1 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.

Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu những lần tiếp theo mà họ có đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.

Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 NQ số 02, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.

Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng của nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có sáng kiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.

Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Khi kiểm sát Quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của Tòa án, Kiểm sát viên cần chú ý: Nhiều trường hợp hành vi phạm tội của người được hưởng án treo xảy ra sau ngày 01/01/2018 nhưng một số Tòa án cấp huyện vẫn áp dụng đồng thời cả Điều 4 của TTLT 08/2012 và Điều 8 NQ số 02/2018 (về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo). Theo quan điểm cá nhân tôi: Tòa án chỉ áp dụng NQ số 02/2018 bởi Điều 8 của Nghị quyết đã quy định đầy đủ các điều kiện cơ bản như TTLT 08/2012, ngoài ra NQ 02/2018 còn mở rộng điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách của án treo là “lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng để xét rút ngắn cho người được hưởng án treo khi họ có thành tích;

-Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách (Điều 9 – NQ 02/2018).

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo làm việc phải thành lập Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.

Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo gồm 3 Thẩm phán. Phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

Trình tự, thủ tục xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo tiến hành như sau: Một thành viên của Hội đồng phiên họp trình bày nội dung văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo; Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến; Hội đồng thảo luận và quyết định…

Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo có quyền: Chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trường hợp chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo mà thời gian thử thách còn lại không quá 1 tháng, thì Hội đồng có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại; Chấp nhận một phần đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo; Không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Về hình thức của Quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo: Kiểm sát viên cần lưu ý Tòa án khi ban hành các quyết định có đúng mẫu số 01 ban hành kèm theo NQ số 02/2018 hay không, cụ thể quyết định phải nêu đầy đủ: Ngày, tháng, năm ra quyết định; số, ký hiệu quyết định;Tên Tòa án ra quyết định; Thành phần của Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo; đại diện Viện kiểm sát nhân dân; Thư ký phiên họp; Họ tên, nơi cư trú hoặc nơi làm việc và các thông tin cần thiết khác của người được đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo; Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo; Quyết định của Tòa án về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trường hợp Tòa án quyết định không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

Kiểm sát việc gửi quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo quy định của Luật THAHS: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người bị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, cơ quan đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở.

Một số vấn đề Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần lưu ý trong quá trình kiểm sát thi hành án treo:

* Kiểm sát việc tuân theo pháp luật củaTòa án trong việc thi hành án treo:

Trách nhiệm của Tòa án trong việc ra Quyết định thi hành án treo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật THAHS: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định thi hành án treo cho người được hưởng án treo và người đại diện trong trường hợp người được hưởng án treo là người dưới 18 tuổi, Viện kiểm sát cùng cấp, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; Sở tư pháp nơi Tòa án đã ra Quyết định thi hành án có trụ sở, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hưởng án treo làm việc; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo;

       * Kiểm sát trách nhiệm của Cơ quan THAHS Công an cấp huyện, cấp Quân khu quy định tại khoản 1,2 Điều 85 Luật THAHS; Điều 5, 6, 7 Thông tư số 65/2019 ngày 28/11/2019 của Bộ Công an: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án treo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện trong trường hợp người được hưởng án treo là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án. Người được hưởng án treo, người đại diện của người được hưởng án treo phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp người được hưởng án treo không có mặt theo giấy triệu tập hoặc không cam kết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập biên bản vi phạm nghĩa vụ.

Khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ thi hành án và sao gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Hồ sơ bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; Quyết định thi hành án treo; Cam kết của người được hưởng án treo. Đối với người được hưởng án treo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bản cam kết của người đó phải có xác nhận của người đại diện và Tài liệu khác có liên quan (khoản 1,2 Điều 85 Luật THAHS).

Kiểm sát các nội dung liên quan đến trách nhiệm tiếp nhận bản án, quyết định, hồ sơ, tài liệu thi hành án hình sự ngoài cộng đồng; việc triệu tập người chấp hành án để làm thủ tục THA và cam kết chấp hành án…cần căn cứ quy định tại các Điều 5,6,7 Thông tư số 65/2019 ngày 28/11/2019 của Bộ Công an:

          * Kiểm sát nhiệm vụ, quyền hạn và hồ sơ bị án do UBND cấp xã quản lý (theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 85; khoản 1 Điều 86 luật THAHS,

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày triệu tập người được hưởng án treo, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo phải lập hồ sơ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Hồ sơ bao gồm:Bản sao các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật THAHS; Bản nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về việc chấp hành nghĩa vụ của người được hưởng án treo; Bản tự nhận xét của người được hưởng án treo về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành pháp luật; trường hợp người được hưởng án treo bị kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 của Luật này thì phải có bản kiểm điểm và biên bản cuộc họp kiểm điểm;Trường hợp người được hưởng án treo được rút ngắn thời gian thử thách thì phải có quyết định của Tòa án;Tài liệu khác có liên quan.

* Trường hợp thay đổi nơi cư trú:

Cần lưu ý: Trong thực tiễn, nhiều trường hợp người được hưởng án treo khi thực hiện việc chấp hành án ngoài cộng đồng đã không chấp hành nghiêm các quy định của luật THAHS về việc vắng mặt ở nơi cư trú (thường xuyên vắng mặt không có lý do) nhưng UBND cấp xã không có biên bản làm việc yêu cầu người được hưởng án treo phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình hoặc Công an cấp xã không phối hợp với gia đình bị án để xác minh và giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp nêu trên Kiểm sát viên cần nghiên cứu các quy định tại Điều 86 luật THAHS và Điều 7, 9 Thông tư số 65/2019 ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Công an cấp xã để xác định vi phạm và tập hợp kiến, kháng nghị kịp thời.

Trường hợp người được hưởng án treo đã có quyết định giải quyết của UBND cấp xã cho người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú thi KSV phải xác định kịp thời UBND cấp xã nơi người được hưởng án treo đến cư trú để giám sát, giáo dục (thay đổi trong phạm vi  huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc làm thủ tục báo cáo Lãnh đạo để thông báo cho VKS nơi người được hưởng án treo đến cư trú (phạm vi ngoài quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Trên đây là một số kinh nghiệm qua thực tiễn thực hiện hoạt động kiểm sát thi hành án treo tại địa phương, xin trao đổi để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khâu công tác kiểm sát thi hành án hình sự, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

                                             Nguyễn Thị Vân – Phòng 8 VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Tin tức mới nhất