BÀN VỀ NHẬN THỨC TRONG VIỆC ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐIỀU 341 BLHS
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là tội danh ghép được quy định trong cùng một điều luật (Điều 341 BLHS), các hành vi trên đều xâm phạm cùng một khách thể được BLHS bảo vệ, đó là trật tự quản lý hành chính của nhà nước, của tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của nhà nước, của tổ chức trong lĩnh vực quản lý về con dấu, tài liệu.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các con dấu, giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác bằng khắc, in, vẽ, đúc hoặc các kỹ thuật khác để làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định.
Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là việc dùng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Các yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
1. Mặt khách quan
* Đối với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
– Có hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức. Được hiểu là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Có hành vi làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức. Là hành vi viết, vẽ, in…các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
* Đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
– Có hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc các loại giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức tuy không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Các cơ quan Nhà nước, tổ chức phải là những cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp.
2. Khách thể
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính.
3. Chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
4. Chủ thể
Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Qua phân tích, có thể thấy khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện của cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố về từng loại tội “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Ngoài ra, nếu hành vi trái pháp luật mà đủ dấu hiệu cấu thành một tội độc lập khác thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó.
Chẳng hạn, người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN, thẻ BHYT để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các Điều 214 hoặc 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hay việc xử lý hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS) của người tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Trường hợp người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, thì tùy trường hợp cụ thể để phân loại, xử lý. Nếu hành vi xâm phạm nhiều khách thể khác nhau và cấu thành các tội phạm cụ thể thì xử lý về nhiều tội.
Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau như: việc xác định tội danh (tội danh ghép); cách hiểu câu từ của pháp luật, việc xác định số lượng tài liệu giả để định khung, định khoản; việc làm giả hoặc sử dụng con dấu có cấu thành tội phạm hay không hay chỉ vi phạm pháp luật hành chính… Đây chính là vấn đề cần đưa ra bàn luận trong bài viết này.
Thứ nhất, thực hiện hành vi trái pháp luật gắn với 02 hành vi là làm giả con dấu, tài liệu và sử dụng con dấu, tài liệu giả ?
Quan điểm thứ nhất, thực hiện hành vi trái pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ gắn với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả, không gắn với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Do vậy, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không bắt buộc phải gắn với yếu tố thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quan điểm thứ hai, thực hiện hành vi trái pháp luật gắn với 02 hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Chỉ thỏa mãn Điều 341 BLHS khi việc làm giả, và sử dụng con dấu, tài liệu giả phải thực hiện hành vi trái pháp luật.
Ví dụ: Trần Văn C do có tính hay khoe khoang về mặt thành tích, C tự mình làm giả các giấy chứng nhận, chứng chỉ, huân huy chương treo ở nhà. Câu hỏi đặt ra hành vi của C có vi phạm quy định theo Điều 341 BLHS hay không?
Với 02 quan điểm trên thì có hai hướng xử lý: Thứ nhất, C bị xử phạt hành chính do hành vi sử dụng con dấu, tài liệu không thực hiện hành vi trái pháp luật (mục đích chỉ để treo trong nhà, khoe với hàng xóm, láng giềng…); thứ hai, C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu theo Điều 341 BLHS kể cả trong trường hợp C không thực hiện hành vi trái pháp luật, không đề cập vấn đề mục đích làm giả để làm gì.
Theo quan điểm của tôi, C chỉ bị xử phạt hành chính, bởi,
Tại điểm d khoản 4 Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
“Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a)…b)…;c)…;d) khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả”.
Điểm, khoản này quy định rất rõ về hành vi khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả chỉ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Việc thực hiện hành vi này mặc dù đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu nhưng không thỏa mãn điều kiện có thực hiện hành trái pháp luật, thì không xem xét đề cập xử lý hình sự.
Do đó, nếu hành vi trên thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới coi là tội phạm theo quy định Điều 341 BLHS. Ngược lại, nếu việc làm giả mà sử dụng vào mục đích khác thì không được coi là tội phạm, mà chỉ xem xét xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, có hành vi làm giả, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không bị xử lý về tội phạm quy định tại Điều 341 BLHS. Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục tại Khoản 3, 4 Điều 16 quy định “3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ” và Khoản 5 Điều 9 quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai man, giả mạo giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển”.
Ví dụ: Công ty TNHH A có đăng tin tuyển dụng công nhân thợ điện làm việc tại đơn vị. Do có kinh nghiệm lâu năm về nghề điện, mức lương hấp dẫn của công ty A, nên B đã đặt mua trên mạng của người không rõ lai lịch địa chỉ bằng nghề điện. Giả thiết thứ nhất đặt ra khi B đang nhận bằng giả thì bị phát hiện bắt quả tang. Trong trường hợp này B không phải chịu trách nhiệm hình sự vì chưa sử dụng bằng giả để xin việc mặc dù B đã có hành vi trái pháp luật (mua bằng giả), nên B chỉ bị xử phạt về hành chính. Giả thiết thứ hai, nếu B sử dụng bằng giả đó đi xin việc, sau đó bị công ty A phát hiện, thì hành vi của B cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 138/2013/NĐ-CP. Do vậy, cần xác định rõ vi phạm ở mức độ như thế nào được coi là vi phạm hành chính, mức độ nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, thực hiện hành vi trái pháp luật theo quy định Điều 341 BLHS được hiểu như thế nào
“Thực hiện hành vi trái pháp luật” là thực hiện hành vi xâm phạm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ mà không cần phải có điều kiện là đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, hành vi trái pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015 là hành vi trái pháp luật nói chung (kể cả pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính…)
Về xử lý đối với người sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả theo quy định Điều 341 BLHS năm 2015 thì người sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét việc thực hiện hành vi trái pháp luật có đến mức nguy hiểm cho xã hội như thế nào để làm căn cứ xử lý hình sự. Chẳng hạn, với hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả tham gia giao thông bị Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính, quá trình xử lý phát hiện giấy phép lái xe là giả, bản thân người sử dụng giấy phép lái xe giả trước đó đã có bằng lái xe theo quy định, nhưng do bị mất nên thông qua dịch vụ bên ngoài xin cấp lại bằng lái xe. Quá trình sử dụng người này không biết là bằng giả, chỉ đến khi Công an kiểm tra xác định là bằng giả và chuyển cơ quan điều tra khởi tố. Trong tình huống này, việc sử dụng bằng giả là trái pháp luật về hành chính, nhưng xét về tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra nên áp dụng khoản 2 Điều 8 BLHS quy định về: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác” để không xử lý hình sự, mà chỉ xử phạt hành chính (do trước đó đã được cấp giấy lái xe).
Thứ ba, việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không có thật, hoặc đã bị giải thể hoặc không phải là con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đó thì có phạm tội không
Về bản chất, cơ quan, tổ chức không có thật thì sẽ không có việc làm giả, do vậy con dấu, giấy tờ, tài liệu bị làm giả phải là con dấu, giấy tờ, tài liệu có thật của cơ quan, tổ chức, và cơ quan, tổ chức đó cũng phải là cơ quan, tổ chức có thật. Nếu làm con dấu, giấy tờ giả của một cơ quan tổ chức không có thật thì đây sẽ coi là hành vi mang tính “gian dối” chứ không phải làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu.
Ví dụ: A và B cùng bàn nhau tạo ra một công ty không có thật, chuyên mua bán các loại nông sản từ người nông dân. A và B dùng danh nghĩa công ty này để ký kết hợp đồng mua bán và có đóng dấu của công ty, sau đó nợ tiền và không trả tiền nông sản cho người nông dân. Hành vi làm giả con dấu, giấy tờ của công ty không có thật này của A và B không được coi là tội làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức mà là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do trên thực tế cũng không có công ty này tồn tại.
Hoặc trường hợp sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức vào mục đích trái pháp luật, các đối tượng nhanh chóng tiêu hủy giấy tờ giả, chỉ thu giữ được bản phô tô. Vậy có đủ cơ sở khởi tố về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả hay không. Để biết rõ có phải giấy tờ giả hay không thì phải trưng cầu giám định trên bản chính (bản photo được chứng thực chỉ về mặt hình thức, không kiểm tra được độ chính xác của văn bằng, chứng chỉ đó). Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng không dựa vào bản gốc, chỉ cần dựa vào bản photo và các tài liệu chứng cứ thu thập được như lời khai nhận, kiểm tra của cơ quan, tổ chức đã phát hành giấy tờ đó có thông tin, nội dung như văn bằng, chứng chỉ photo để làm căn cứ xử lý theo Điều 341 BLHS. Trái lại, giả sử cơ quan, tổ chức đó đã bị giải thể, cơ sở dữ liệu không còn thì việc kiểm tra các tài liệu, chứng cứ này có được xác định hay không là một vấn đề đáng quan tâm nên rất khó có thể làm căn cứ cơ sở để khởi tố vụ việc.
Một ví dụ khác: Phạm Văn C do nợ nần nhiều nên đã nảy sinh ý định khắc con dấu “đã thu tiền” để đóng dấu lên các giấy tờ của ngân hàng; C có mối quan hệ với B làm ở ngân hàng H nên đã xin rất nhiều giấy nộp đóng tiền, C lập ra các giấy tờ nộp tiền và đóng dấu “đã thu tiền” lên giấy. Sau đó, cầm giấy tờ này đi vay của chị M, L lần lượt mỗi người số tiền 200.000.000 đồng, với lý do cần tiền gấp mà chưa đến thời gian rút tiền tại ngân hàng. Do tưởng đây là giấy tờ thật của ngân hàng, chị M, L đã cho C vay. Đến hạn C không có tiền trả nợ, nên M, L đã tố cáo C lên cơ quan điều tra.
Hành vi của C cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tuy nhiên tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức” có cấu thành hay không thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất, C phạm tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức”, hành vi của C đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính, ở đây là khắc con dấu giả “đã thu tiền” của ngân hàng H nhằm mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quan điểm thứ hai, hành vi của C không đủ cấu thành tội phạm “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức” vì con dấu “đã thu tiền” không phải là con dấu được cấp phép của Ngân hàng H.
Theo quan điểm của tôi, C không phạm tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức”; mặc dù C không có thẩm quyền tạo ra con dấu “đã thu tiền” nhưng con dấu này không thuộc loại con dấu phải đăng ký mẫu tại cơ quan Công an, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ về quản lý và sử dụng con dấu, nên xác định việc C khắc con dấu trên không thuộc con dấu của cơ quan, tổ chức. Hành vi của C cần được xem xét để xử lý hành chính hoặc các biện pháp khác.
Thứ tư, việc xác định tội danh
– Vụ việc như sau: Ngày 01/02/2021, Nguyễn Văn A có quen Trần Văn B, B nói với A có nhận làm giấy phép lái xe mô tô hạng A1, không cần phải đi thi, chỉ cần có ảnh và thông tin cá nhân là được. A có nhờ B làm cho vợ mình là chị Trần Thị C 01 giấy phép lái xe mô tô hạng A1 với giá 1.000.000 đồng.
Đến ngày 01/3/2021, Nguyễn Văn A đầu thú và giao nộp giấy phép lái xe trên. Kết quả giám định giấy phép lái xe là giấy tờ giả.
Câu hỏi đặt ra trong tình huống này, A có phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” hay không?
Quan điểm thứ nhất: khi A biết B có nhận làm bằng lái xe mô tô hạng A1, thì B có nói hoặc đưa ra thông tin cho A giấy tờ xe trên có là giả hay không? Hay đưa ra thông tin làm bằng lái xe trên là thật nhưng không đúng thủ tục, trình tự của pháp luật. Lúc này, anh A tin tưởng Giấy phép lái xe kia là thật để cho chị C sử dụng lưu thông trên đường. Do đó, A không biết B làm giấy tờ giả thì không phát sinh vấn đề đồng phạm về hành vi cố ý làm giả, mà chỉ xử lý được về hành chính đối với hành vi của A. Còn A được B cho biết rõ Giấy phép lái xe là giả, vẫn cố ý thực hiện thì cần xem xét hành vi trên về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Quan điểm thứ hai: A cùng B cố ý tạo ra một bằng lái xe giả. Đồng phạm ở đây là về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo quan điểm của tôi, việc A có nhờ B làm hộ cho mình giấy phép lái xe, trong tình huống này A không biết việc B làm giả giấy tờ, cũng không cố ý đưa ra thông tin để làm bằng giả cho C, chỉ nghĩ làm thủ tục cho nhanh gọn. Việc giao dịch giữa A và B chỉ là mối quan hệ dịch vụ – dựa trên cơ sở giao dịch mà không phải là một vụ án hình sự có tính chất đồng phạm nên không thể đánh giá bản chất việc đặt làm 01 giấy phép lái xe mang dáng dấp người khởi xướng, chủ mưu thực hiện tội phạm. Mặt khác, nếu xử lý A với tội danh làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức sẽ không thể hiện được sự phân hoá về hành vi của người phạm tội (giữa hành vi trực tiếp làm và hành vi sử dụng). Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc xem xét hành vi của A có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không vì A không phải là người sử dụng bằng giả đó, đồng thời cũng không phải là người giúp sức cho việc làm giả giấy tờ, tài liệu.
– Vụ việc thứ 02: Chị B có vay 150.000.000 đồng của chị C, thời hạn vay 02 năm. Nhưng chưa hết 02 năm, chị C có đòi lại số tiền đã cho vay do biết B làm ăn thua lỗ. Hai bên thỏa thuận, nếu chị B thế chấp nhà đất thì chị C cho vay tiếp không phải trả nợ. Do nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chị B đặt mua 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để mang thế chấp cho chị C. Tuy nhiên, sau đó chị C phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giả. Câu hỏi đặt ra liệu hành vi của chị B có cấu thành tội “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức không”. Cũng có nhiều quan điểm được đưa ra:
+ Quan điểm thứ nhất, hành vi của chị B là hành vi trái pháp luật, mà ở đây là pháp luật dân sự. Chị B đã có hành vi gian dối trong giao dịch dân sự nhằm làm cho người khác lầm tưởng rằng giấy tờ đó là thật để tiếp tục thực hiện hợp đồng vay. Do đó, chị B phạm tội Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
+ Quan điểm thứ hai, hành vi của chị B không cấu thành tội Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Vì chị B chỉ sử dụng giấy tờ giả để C tin tưởng kéo dài thời gian trả nợ là không trái với quy định của pháp luật. Ngoài ra chị B không dùng giấy tờ giả đó để chiếm đoạt tài sản của chị C, ngay từ ban đầu đã thỏa thuận vay 150.000.000 đồng mà không có việc sử dụng giấy tờ giả. Do đó, việc sử dụng giấy tờ giả không nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
Theo quan điểm của tôi, việc thế chấp nhà đất để tiếp tục thực hiện hợp đồng cho vay là quan hệ dân sự, việc sử dụng giấy tờ giả của B để thực hiện hành vi gian dối trong quan hệ dân sự là hành vi trái pháp luật, chị B đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thực hiện hành vi mà pháp luật không cho phép, nên hành vi của B đã cấu thành tội “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên xét đến mức độ trái pháp luật, sự nguy hiểm về hành vi của chị B chưa đến mức phải xem xét định tội danh “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, mà ở đây chỉ nên xử lý về mặt hành chính hoặc các biện pháp khác.
– Vụ việc thứ 03: Ngày 02/01/2021, Nguyễn Văn A tự làm giả một giấy đăng ký xe ô tô mang tên A và một số giấy tờ giả khác, sau đó A dùng giấy đăng ký giả này đến cầm cố cho Nguyễn Văn B lấy 20.000.000 đồng để tiêu xài. Đến ngày 02/5/2021, A bị phát hiện về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức và bị khởi tố theo Điều 341 BLHS. Câu hỏi đặt ra đối với hành vi cầm cố giấy tờ giả để lấy 20.000.000đ có được coi là tình tiết định khung tại điểm đ khoản 2 Điều 341 (thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng) hay cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS.
Quan điểm thứ nhất, tình tiết định khung quy định về thu lợi bất chính là khi A hứa hẹn làm giả giấy tờ, tài liệu cho ai đó để lấy tiền công, tiền dịch vụ, hoa hồng…. mà có sự hưởng lợi liên quan trực tiếp đến hành vi làm giả. Còn ở đây A làm giả giấy tờ để đi lừa người khác lấy tiền hoặc tài sản thì không coi là thu lợi mà đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quan điểm thứ hai, áp dụng tình tiết định khung “Thu lợi bất chính” thì mục đích của A là làm giả giấy tờ để đi thực hiện các giao dịch trái pháp luật, trong đó có hành vi sử dụng giấy tờ giả đó do A làm để cầm cố lấy tiền cũng coi là thu lợi bất chính từ việc làm trái pháp luật của A.
Theo quan điểm của tôi, về tình tiết thu lợi bất chính hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng hiểu thu lợi bất chính phải là từ số tiền thu được sau khi thực hiện hành vi làm giả (ví dụ A làm giả giấy khám sức khỏe bán cho B với giá 200.000 đồng/giấy thì số tiền này được coi là thu lời bất chính); sự hưởng lợi này phải có mối quan hệ với hành vi làm giả con dấu, giấy tờ. Còn đối với hành vi dùng giấy tờ giả để vay tiền thì phải xem xét có hay không mục đích chiếm đoạt để xem xét khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; nếu không có mục đích chiếm đoạt thì xem xét xử lý về quan hệ dân sự trong hợp đồng cho vay; và xử lý hành chính đối với hành vi làm giả con dấu, giấy tờ đó.
– Đối với hành vi đặt mua, cung cấp thông tin để làm giả tài liệu (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe…) sau đó sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật, còn nhiều quan điểm khác nhau.
Tình huống sau: Do không có tiền tiêu xài, Trần Văn C đặt mua 01 giấy CNQSDĐ mang tên C với giá 2.000.000 đồng (cung cấp, họ tên, địa chỉ, diện tích) với mục đích để thực hiện giao dịch bán đất để kiếm lời. Sau đó, C đã sử dụng giấy tờ giả chuyển nhượng cho chị H lấy 1.000.000.000 đồng. Kết luận giám định giấy chứng nhận trên là giả.
Quan điểm thứ nhất, khởi tố bị can C về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vì C thông qua việc thực hiện hành vi cung cấp thông tin cá nhân, loại hình giấy tờ yêu cầu người khác làm giả đã đủ cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với vai trò đồng phạm; Nếu C không đặt mua cũng như không cung cấp thông tin cá nhân của mình thì đối tượng sẽ không thực hiện được hành vi làm giả con dấu, tài liệu, do đó hành vi của C đã đủ cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Quan điểm thứ hai, khởi tố bị can C về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, vì hành vi làm giả giấy CNQSDĐ chỉ là một quá trình thực hiện hành vi nhằm mục đích sử dụng giấy CNQSDĐ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi của C chỉ cấu thành tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo quan điểm của tôi, cần phải khởi tố C về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, bởi lẽ: C thực hiện hành vi một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau. Hành vi tự khởi xướng việc làm giả giấy tờ với mục đích sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản có mối quan hệ tất yếu, chặt chẽ với nhau. Do đó, C phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng.
– Trường hợp đối tượng mua số lượng lớn giấy khám sức khỏe giả sau đó bán lại cho bên thứ 3, đối tượng này không có hành vi làm giấy khám sức khỏe giả cũng như chỉnh sửa hay thêm thông tin gì lên giấy khám sức khỏe giả, khi mua bán các bên đều biết đó là giấy chứng nhận sức khỏe giả. Việc xác định tội danh đối với trường hợp này có những quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng đối tượng phạm tội “Tội sử dụng giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức” (không trực tiếp làm giả giấy khám sức khỏe, không điền thông tin cá nhân trên giấy khám sức khỏe mà chỉ mua về để bán lại nhằm thu lợi bất chính; thời điểm bị phát hiện thì việc làm giả tài liệu đã hoàn thành trước đó). Tuy nhiên, có quan điểm khác cho rằng đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” (mặc dù không trực tiếp làm giả giấy khám sức khỏe và không xác định được người bán nhưng biết rõ giấy khám sức khỏe được làm giả và mua về để bán lại, hành vi đó là giúp sức cho việc làm giả).
Theo quan điểm của tôi, hành vi mua 01 số lượng giấy bán sức khỏe giả bán lại cho bên thứ ba đã cấu thành tội “Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” bởi các nguyên nhân sau: Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Do đó, việc mua bán lại giấy tờ khám sức khỏe không phải là hành vi trực tiếp tạo ra giấy tờ giả (vì hành vi tạo giấy tờ giả đã hoàn thành và các đối tượng mua tài liệu giả không có các hành vi khách quan để làm ra tài liệu giả).
Thứ năm, xác định số lượng tài liệu làm giả
Đối với loại tài liệu giả là giấy khám sức khỏe của bệnh viện nhưng được làm giả với số lượng lớn thì xác định mỗi giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu giả hay tất cả giấy là một loại tài liệu giả thì vẫn có các quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng tất cả các giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu vì các giấy tờ giả đó giống nhau, chỉ khác nhau về thông tin người khám. Có quan điểm khác cho rằng mỗi giấy khám sức khỏe giả là một tài liệu giả. Theo quan điểm của tôi, một giấy khám sức khỏe giả đã có đầy đủ con dấu, chữ ký và được sử dụng đối với mỗi trường hợp khác nhau, quá trình làm ra là khác nhau, do đó mỗi giấy khám sức khỏe giả là một tài liệu giả; nên căn cứ vào số lượng giấy khám sức khỏe giả để định khung, định khoản là phù hợp. Hơn nữa, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 341 BLHS quy định về số lượng giấy tờ giả, không quy định về loại giấy tờ giả. Do đó, trường hợp đối tượng làm giả một bộ tài liệu giả, bao gồm giấy vào viện, giấy ra viện, sổ khám bệnh, bản sao bệnh án thì phải bị coi là làm nhiều giấy tờ giả để định khung hình phạt mà không phụ thuộc vào việc làm cho một người, hay chỉ có một mục đích, việc xử lý như trên là phù hợp với quy định của điều luật và thực tiễn đấu tranh loại tội phạm này.
Nguyễn Khánh – Viện kiểm sát nhân dân huyện Đầm Hà
Tin tức mới nhất
VKSND thành phố Đông Triều phối hợp với Tòa án tổ chức rút kinh nghiệm vụ án Tổ chức sử dụng và Mua bán trái phép chất ma tuý
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng 14/01/2025, tại Tòa án nhân dân...
Th1
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức thành công Đại hội Chi bộ điểm nhiệm kỳ 2025 – 2027
Ngày 13/01/2025, Chi bộ Văn phòng tổng hợp long trọng tổ chức Đại hội Chi...
Th1
Phòng 1 Viện KSND tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội nghị giao ban tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp năm 2024
Ngày 09/01/2025, Hội nghị giao ban liên Phòng tổng kết năm 2024, về việc thực...
Th1
Viện KSND thành phố Hạ Long tổ chức thành công Đại hội Chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027 và Hội nghị cán bộ công chức năm 2024
Ngày 09/01/2024, thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW về thi hành Điều...
Th1
Viện KSND huyện Vân Đồn tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 12/12/2024 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao,...
Th1
VKSND huyện Bình Liêu tổ chức tuyên truyền pháp luật tại trường THPT Bình Liêu
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành Kiểm sát...
Th1
VKSND thành phố Đông Triều tổ chức tham dự, rút kinh nghiệm phiên tòa “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng ngày 08/01/2025 tại Hội trường xét...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Ban pháp chế kiểm sát đột xuất Nhà tạm giữ Công an thị xã Quảng Yên
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2025, ngày 07/01, Viện kiểm sát nhân dân...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Được sự nhất trí của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh,...
Th1