CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Cơ quan điều tra


Thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Cơ quan điều tra

Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của Viện kiểm sát. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, trong đó nổi bật là các quyền yêu cầu của Viện kiểm sát đối với cơ quan điều tra trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.

 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày một số quyền yêu cầu cơ bản, được  sử dụng phổ biến trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Cụ thể như sau:

1. Về yêu cầu kiểm tra xác minh

Yêu cầu kiểm tra, xác minh thể hiện một trong những biện pháp thực hiện chức năng công tố của Viện kiểm sát trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, được quy định tại Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Điều 11 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (ban hành kèm theo Quyết định số 169 ngày 02/5/2018) đã quy định cụ thể việc yêu cầu kiểm tra, xác minh trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Theo đó, Kiểm sát viên phải chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh. Mục đích của yêu cầu kiểm tra, xác minh để kiểm tra tính xác thực của tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; yêu cầu thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu, đồ vật để làm rõ những tình tiết liên quan đến những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85, Điều 441 Bộ luật Tố tụng hình sự. Yêu cầu kiểm tra, xác minh có thể được thực hiện nhiều lần, bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh phải được đưa vào hồ sơ vụ việc và lưu hồ sơ kiểm sát.

Việc kịp thời đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh thể hiện ở việc đúng thời điểm, đúng vụ việc. Ngay từ khi tiếp cận kiểm sát việc giải quyết của cơ quan điều tra như qua kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi, việc phân loại tạm giữ, phê chuẩn bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp…và những trường hợp ngay sau thụ lý kiểm sát hồ sơ ban đầu do Cơ quan điều tra chuyển đến, Kiểm sát viên kịp thời nghiên cứu, đánh giá tính chất, nội dung vụ việc, xác định được những vấn đề chưa được làm rõ để đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, từ đó định hướng hoạt động kiểm tra, xác minh của Cơ quan điều tra đúng quy định của pháp luật, xác định được các căn cứ, chứng cứ giải quyết vụ việc, kịp thời đấu tranh, xử lý tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Mặc dù Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự quy định khi “cần thiết thì đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh” là thể hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong khi thực hành quyền công tố, đảm bảo việc kịp thời phát hiện, khởi tố hành vi phạm tội, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Nhưng theo yêu cầu, chỉ đạo của ngành cũng như kế hoạch của mỗi đơn vị Viện kiểm sát địa phương, đã xác định Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh của đối với 100% vụ việc tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được thụ lý, giải quyết. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm. Bởi lẽ nếu chỉ xác định “trong trường hợp cần thiết mới ban hành  yêu cầu xác minh” sẽ mang tính chất tùy nghi, theo đánh giá chủ quan của Kiểm sát viên. Thực tiễn trong thời gian quan, tại Viện kiểm sát nhân dân thị xã Quảng Yên nói riêng và VKSND toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung,cơ bản đã thực hiện tốt công tác ban hành yêu cầu xác minh đối với 100% vụ việc, kịp thời ban hành ngay sau khi thụ lý để định hướng hoạt động xác minh của Cơ quan điều tra, gắn trách nhiệm của Cán bộ Kiểm sát viên với hoạt động của Cơ quan điều tra trong xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trong quá trình giải quyết, phát sinh các tình tiết, vấn đề mới cần phải bổ sung xác minh thì Kiểm sát viên tiếp tục yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện. Đảm bảo 100% nội dung yêu cầu kiểm tra xác minh đều được lãnh đạo phê duyệt, cho chủ trương để đảm bảo chất lượng yêu cầu, kiểm tra xác minh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc còn hình thức, có nội dung điều tra viên đã thực hiện nhưng vẫn yêu cầu, ngược lại, có nội dung cần phải kiểm tra, xác minh thì chưa kịp thời được đưa ra. Dẫn tới hiệu quả xác minh giải quyết tin báo, tố giác ở một số vụ việc chưa cao, chưa định hướng được việc thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Để nâng cao hiệu quả thực hiện quyền yêu cầu xác minh, kiểm tra giải quyết nguồn tin về tội phạm, cán bộ, Kiểm sát viên cần tích cực, chủ động nắm vững nội dung nguồn tin ngay sau khi được tiếp cận trong quá trình kiểm sát hoạt động giải quyết của Cơ quan điều tra. Khi nhận được hồ sơ, tài liệu chứng cứ của Cơ quan điều tra chuyến tới VKS, cán bộ, Kiểm sát viên nghiêu cứu, tổng hợp đánh giá chứng cứ, cần thiết tiếp tục đề ra yêu cầu xác minh tiếp theo để Cơ quan điều tra thực hiện. Quá trình Cơ quan điều tra xác minh, Kiểm sát viên cần tăng cường bám sát, song hành cùng Điều tra viên, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát. Nếu có vướng mắc cần kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện xin ý kiến chỉ đạo để trao đổi, yêu cầu Điều tra viên thực hiện.

2. Yêu cầu tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm

Đây là một trong những chức năng của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Cơ quan điều tra, nếu Kiểm sát viên phát hiện việc Điều tra viên thụ lý giải quyết chưa đầy đủ, chưa kịp thời thì có quyền yêu cầu cơ quan điều tra phải tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết theo đúng quy định. Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện nguồn tin về tội phạm chưa cơ quan điều tra không thụ lý thì có quyền yêu cầu phải tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, giải quyết theo đúng quy định. Thông qua công tác đối chiếu tiếp nhận nguồn tin về tội phạm tại các đơn vị công an xã phường, các ngành hữu quan như quản lý thị trường, kiểm lâm, thuế, Đồn biên phòng; Thanh tra …. nếu phát hiện có tin báo, tố giác các đơn vị đã chuyển Cơ quan điều tra, mà cơ quan điều tra không thụ lý giải quyết thì Viện kiểm sát yêu cầu bằng văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết theo quy định. Qua công tác kiểm sát việc giải quyết đơn tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố do Viện kiểm sát chuyển đến thấy Cơ quan điều tra không thực hiện theo trình tự giải quyết tin báo, tố giác tội phạm theo quy định, Viện kiểm sát kịp thời ban hành văn bản yêu cầu phải thụ lý giải quyết. Quá trình giải quyết tin báo, mặc dù đã hết hạn nhưng chưa có kết quả giải quyết thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra phải ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trường hợp chưa đưa đủ chứng cứ giải quyết thì thực hiện quyền yêu cầu kiểm tra, xác minh như trên và đôn đốc thực hiện.

3. Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thể hiện rõ nét vai trò, chức năng thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm của Viện kiểm sát. Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đã được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định kế thừa bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, nhưng được xác định rõ ràng trong nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin tội phạm theo quy định tại Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để đảm bảo việc khởi tố, điều tra vụ án được kịp thời, khi Viện kiểm sát phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ khởi tố vụ án nhưng Cơ quan điều tra chưa khởi tố, tránh việc bỏ lọt tội phạm, kịp thời điều tra làm rõ hành vi phạm tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Để thực hiện quyền yêu cầu này, việc yêu cầu phải đảm bảo có căn cứ, Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung sự việc, nắm vững quy định của pháp luật, dấu hiệu định tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự, căn cứ khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 143, Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự.

4. Yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Có thể nói chức năng yêu cầu, kiến nghị khắc phục vi phạm của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra thể hiện rõ nét và thường xuyên sự tác động của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với Cơ quan điều tra. Vì vậy, việc yêu cầu, kiến nghị phải kịp thời, ngay sau Kiểm sát viên phát hiện vi phạm, hạn chế hậu quả vi phạm của Cơ quan điều tra. Tuy  nhiên, trong một số vụ việc, Kiểm sát viên chưa làm tốt công tác kiểm sát nên không kịp thời phát hiện vi phạm hoặc phát hiện được vi phạm nhưng không kiên quyết yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra khắc phục, sửa chữa. Thông qua hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý, kiểm tra, xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên phát hiện vi phạm phải kịp thời yêu cầu Điều tra viên khắc phục vi phạm, đảm bảo trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết nguồn tin về tội phạm đúng theo quy định của pháp luật. Để thực hiện được quyền này, Kiểm sát viên phải thường xuyên bám sát quá trình giải quyết của Cơ quan điều tra ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, nắm vững quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01 năm 2017. Nội dung yêu cầu, kiến nghị phải chính xác, đầy đủ, được Cơ quan điều tra tiếp thu, thực hiện.

Ngoài một số quyền yêu cầu như trên, Bộ luật tố tụng hình sự còn quy định rất quyền yêu cầu khác của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, có thể kể đến như: Yêu cầu kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho Viện Kiểm sát; yêu cầu cung cấp tài liệu vi phạm pháp luật; yêu cầu thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra; yêu cầu xử lý nghiêm người vi phạm (khoản 3 Điều 160 Bộ luật tố tụnghình sự); yêu cầu chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát xem xét giải quyết trong trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm nhưng không được khắc phục (khoản 3 Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự)… Tùy từng trường hợp cụ thể, Viện kiểm sát thực hiện các biện pháp, yêu cầu cần thiết theo quy định của pháp luật, để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động của Cơ quan điều tra trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.

                                                              Mai Hương – VKSND thị xã Quảng Yên

Tin tức mới nhất