CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

QUYỀN YÊU CẦU CỦA CHẤP HÀNH VIÊN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ- BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN


QUYỀN YÊU CẦU CỦA CHẤP HÀNH VIÊN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ- BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN

Quyền yêu cầu của chấp hành viên được được hiểu là quyền hạn mà chấp hành viên được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định. Quyền yêu cầu của chấp hành viên trong tố tụng dân sự được thực hiện trong quá trình cưỡng chế tài sản của Người phải thi hành án mà cơ quan Thi hành án dân sự chưa có căn cứ xác định được phần tài sản của họ đã hợp nhất trong khối tài sản chung.

 

Điều 74 Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định điều kiện để Chấp hành viên gửi đơn yêu cầu đến Tòa án, đó là: 

“1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án”.

Điều 27 và Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự xác định yêu cầu này của Chấp hành viên là việc dân sự và được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự, cụ thể:

Điều 27. Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

9. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án …

Điều 362: Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự

1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền quy định tại Mục 2 Chương III của Bộ luật này.

Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, điều kiện cần và đủ để Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án   chỉ khi:

Một là: Trước đó, Chấp hành viên đã thông báo cho toàn bộ người có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng; cho người phải/được thi hành án về quyền thỏa thuận, phân chia hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết;

Hai là: Thời hạn được thực hiện các quyền nêu trên trong 30 ngày đối với đồng sở hữu chung (bao gồm cả người phải thi hành án) và 15 ngày đối với người được thi hành án, kể từ ngày được thông báo.

Ba là: Nếu hết thời hạn nêu trên, không có ai yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án.

Về trình tự, thủ tục: Chấp hành viên phải viết Đơn yêu cầu và được Tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục việc dân sự quy định tại Chương XXIII, Phần thứ sáu Bộ luật tố tụng dân sự (từ các Điều 361 đến Điều 375). 

Để vụ việc có Chấp hành viên yêu cầu được giải quyết đúng trình tự, thủ tục pháp luật, Thẩm phán cần phân loại xác định đúng tính chất loại vụ, việc. Việc phân biệt thủ tục việc dân sự hay vụ án dân sự không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết. Bởi vì, trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, các đương sự sẽ có cơ hội tham gia các phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ, từ đó có phương án hòa giải hoặc được Tòa án tạo điều kiện hòa giải. Còn ở thủ tục việc dân sự, Tòa án chỉ mở phiên họp giải quyết việc dân sự mà không cần mở phiên hòa giải công khai chứng cứ. Do đó, nếu giải quyết yêu cầu của Chấp hành viên theo trình tự việc dân sự thì thời hạn giải quyết chỉ là 2 tháng, ngắn hơn thời hạn giải quyết vụ án dân sự rất nhiều, giúp cho cơ quan Thi hành án dân sự sớm kết thúc việc cưỡng chế tài sản để thi hành án.

Tưởng rằng, với những quy định rất cụ thể này thì việc vận dụng, giải quyết các việc dân sự liên quan đến quyền yêu cầu của Chấp hành viên theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự là rất thuận lợi, không phát sinh vướng mắc.Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, vẫn còn đó nhiều cách hiểu không thống nhất dẫn đến các Tòa án còn lúng túng trong xác định loại vụ tranh chấp hay việc yêu cầu. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 02 quyết định đình chỉ giải quyết sơ thẩm của Tòa án cấp huyện không có căn cứ pháp luật, nguyên nhân do xuất phát từ nhận thức của mỗi Thẩm phán về quyền yêu cầu của Chấp hành viên trong tố tụng dân sự và xác định loại vụ việc, mối quan hệ pháp luật còn có sự khác nhau. Theo đó, khi cùng giải quyết một sự việc với tính chất tương tự, các Thẩm phán xử lý đơn yêu cầu của Chấp hành viên không thống nhất và chưa đảm bảo các quy định của pháp luật, việc làm này đã gián tiếp làm chậm lại quá trình thi hành phần dân sự của bản án đang có hiệu lực. Nội dung cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất

Ông N là Người phải thi hành án có nghĩa vụ thanh toán cho các ông, bà: H,  S, U và V tổng số tiền 652.218.000 đồng; ông N có 01 căn nhà trên diện tích đất diện tích 1.073,8m2 có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là Giấy CNQSD đất) mang tên ông. Năm 2003, ông và vợ đã tặng cho vợ chồng anh C, chị K diện tích 262m2 đất, cho anh T diện tích 364m2 đất. UBND huyện xác nhận vào trang đăng ký biến động của Giấy CNQSD đất về việc đã tặng cho và xác định vợ chồng ông còn lại 447,8m2 đất, nhưng chưa tách thửa, cấp Giấy CNQSD đất cho riêng mỗi thửa đất. Hiện anh T bị chết không để lại di chúc và không có vợ, con. 

Chấp hành viên đã thông báo cho ông N, bà H để thỏa thuận phân chia tài sản chung; thông báo cho những người được thi hành án (H, S, U và V) có quyền khởi kiện xác định tài sản riêng của ông N để thi hành án. Hết thời hạn 30 ngày, những người này không khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, nên Chấp hành viên gửi đơn yêu cầu tòa án xác định tài sản của ông N trong khối tài sản chung 447,8m2 đất để thi hành án (chưa thông báo cho đồng sở hữu, sử dụng khác là anh C, chị K).

Tòa án V đã thụ lý việc dân sự “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án”. Tại phiên họp, vì bà H, anh C và chị K không đồng ý phân chia tài sản nên Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự vì cho rằng: sự việc có phát sinh tranh chấp, đơn yêu cầu không thể hiện sự thống nhất thỏa thuận giữa Chấp hành viên và những người đồng sở hữu, sử dụng là trái với Điều 361 BLTTDS. 

Vụ thứ hai

Vợ chồng ông H, bà M là Người phải thi hành án đối với khoản thanh toán cho Ngân hàng X là 1.372.593.611 đồng. Vợ chồng ông bà đang sử dụng nhà, quyền sử dụng 400m2 đất ở theo Giấy CNQSD đất cấp cho hộ cụ V. Hộ cụ V gồm có: cụ V, ông H, bà M, chị K. Năm 2000, hộ bà V chuyển nhượng cho bà N diện tích 130,5m2 đất. UBND thành phố Hạ Long đã cập nhật biến động trên Giấy CNQSD đất xác định phần đất còn lại của hộ bà V là nhà, quyền sử dụng 269,5m2 đất, nhưng các bên chưa làm thủ tục tách thửa, cấp Giấy CNQSD đất. 

Chấp hành viên đã thông báo cho các thành viên hộ gia đình cụ V, vợ chồng ông H, bà M, Ngân hàng X, bà N để phân chia tài sản hoặc khởi kiện ra tòa án. Hết thời hạn 30 ngày, do các cá nhân, tổ chức trên không gửi đơn đến Tòa án nên Chấp hành viên đã gửi đơn đến Tòa án yêu cầu: xác định phần tài sản chung của ông H và bà M trong phần tài sản đồng sử dụng là nhà, quyền sử dụng 269,5m2 đất. Đơn với tiêu đề là “Đơn khởi kiện”, nội dung căn cứ Điều 74, điểm c, khoản 3 Điều 170 Luật thi hành án dân sự.

Tòa án H đã thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án…”  xác định nguyên đơn là Chấp hành viên, bị đơn là bà M, ông H và bà V; còn lại là Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Tòa án Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cho rằng: Chấp hành viên có đơn khởi kiện là không đúng quy định tại khoản 9 Điều 27 BLTTDS, theo đó thì Chấp hành viên phải nộp đơn có tiêu đề “Đơn yêu cầu” thì Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết. 

Như vậy, hai vụ việc cùng chung một nội dung tương tự, đều bị Tòa án đình chỉ giải quyết nhưng những lý lẽ đình chỉ của mỗi Thẩm phán khác nhau và đều vi phạm Bộ luật tố tụng dân sự. Đó là:

a) Thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu: 02 vụ việc thuộc trường hợp cần xác định tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Vì: tài sản của Người phải thi hành án được hợp nhất trong khối tài sản chung của vợ chồng và hợp nhất trong khối tài sản của sở hữu chung khác. Nhưng 02 Tòa án xử lý khác nhau, đó là:

+ Tòa án V đã phân loại việc dân sự là đúng nhưng lại thụ lý trong khi chưa đủ điều kiện, đó là: Chấp hành viên chưa thông báo cho anh C, chị K (đồng sở hữu, sử dụng) về quyền yêu cầu xác định tài sản của ông N trong khối tài sản chung là chưa đảm bảo quyền lợi của đương sự, vi phạm khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án dân sự.

+ Tòa án H căn cứ vào tiêu đề Đơn khởi kiện thể hiện Chấp hành viên là nguyên đơn, bị đơn là bà M, ông H và bà V, đã xác định loại vụ án Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án… và tư cách tham gia tố tụng như đơn thể hiện là không đảm bảo. Vì những lẽ sau:

Trong đơn, Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản chung của ông H, bà M…theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự nên trường hợp này cần xác định đây là loại việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo khoản 9 Điều 27 BLTTDS và Chương XIII  BLTTDS. Chấp hành viên ghi tiêu đề đơn và xác định địa vị tố tụng của mình và những người tham gia tố tụng khác chưa đúng thì Tòa án cần hướng dẫn Chấp hành viên sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo Khoản 2, Điều 363 BLTTDS; sau đó tiến hành thụ lý việc dân sự. Trường hợp này, Tòa án không hướng dẫn Chấp hành viên sửa đổi đơn mà lại tiến hành thụ lý vụ án Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án… là không đúng với yêu cầu của Chấp hành viên, vi phạm Khoản 9 Điều 27, điểm g, khoản 1 Điều 364 BLTTDS.

Chấp hành viên xác định sai tư cách tham gia tố tụng không gây hậu quả xấu đền việc thực hiện quyền yêu cầu của Chấp hành viên, vì trách nhiệm xác định tư cách tham gia tố tụng và phân loại vụ, việc dân sự thuộc về Thẩm phán theo Điều 361, điểm b, c khỏan 2 Điều 203 BLTTDS.

b) Về căn cứ đình chỉ:

Tòa án V đình chỉ vì cho rằng: Vụ việc dân sự có tranh chấp (do tại phiên họp bà H và chị K không đồng ý phân chia tài sản chung; đơn yêu cầu của Chấp hành viên không thể hiện sự thống nhất thỏa thuận giữa người yêu cầu với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), nên Chấp hành viên không có quyền yêu cầu, là hiểu chưa đúng về quyền của Chấp hành viên, vi phạm Khoản 9 Điều 27 BLTTDS và Khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án dân sự. Vì tại thời điểm gửi đơn yêu cầu, các chủ sở hữu, sử dụng không tranh chấp tài sản theo Điều 75 Luật thi hành án dân sự, họ chỉ không xác định được cụ thể tài sản của mình trong khối tài sản chung. Do đó, Tòa án cần xác định đây là yêu cầu giải quyết việc dân sự được thụ lý, giải quyết theo Chương XIII BLTTDS. Quá trình giải quyết, nếu bà H và chị K không đồng ý phân chia tài sản chung thì cũng không làm thay đổi việc phân loại, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, Tòa án thụ lý đơn của Chấp hành viên khi chưa đủ điều kiện yêu cầu thuộc trường hợp trả lại đơn yêu cầu; trường hợp Tòa án đã thụ lý thì phải quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự theo Điều 361, điểm a Khoản 2 Điều 364 và điểm b, khoản 1 Điều 217 BLTTDS. Ở vụ việc này, Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự vì cho rằng phát sinh quan điểm tranh chấp của chủ sở hữu, sử dụng tài sản là không đúng pháp luật, nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ở vụ án thứ hai, Tòa án H đình chỉ giải quyết vì cho rằng: “Chấp hành viên có đơn khởi kiện là không đúng theo khoản 9, Điều 27 BLTTDS”. Nhận định này là không có căn cứ vì: đơn của Chấp hành viên thể hiện đúng yêu cầu được quy định tại khoản 9 Điều 27; việc  Chấp hành viên ghi tiêu đề “Đơn khởi kiện” và xác định sai tư cách tham gia tố tụng nhưng Tòa án không yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn thì là sai trình tự từ phía Tòa án, Chấp hành viên không có lỗi nên Tòa án không được quyền trả lại đơn, đình chỉ giải quyết. Việc Tòa án đình chỉ giải quyết là vi phạm điểm e, khoản 1 Điều 192 và khoản 3 Điều 363 BLTTDS. Sau khi Viện kiểm sát trao đổi, Tòa án V đã nhận thức được và nhanh chóng thụ lý lại yêu cầu của Chấp hành viên theo trình tự việc dân sự nên vụ việc không bị kháng nghị.

Thông qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết 02 vụ án dân sự nêu trên, tác giả đã rút ra những bài học kinh nghiệm cần lưu ý, đó là:

– Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản chung của Người phải thi hành án theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự, cần xác định đây thuộc loại việc dân sự, theo Khoản 9 Điều 27 BLTTDS.

-Nếu tiêu đề đơn và xác định tư cách tham gia tố tụng theo đơn của Chấp hành viên không phù hợp  thì Thẩm phán phải yêu cầu Chấp hành viên sửa đổi, bổ sung đơn và xử lý đơn yêu cầu theo Khoản 2, 3, 4 Điều 363 BLTTDS. Nếu không sửa đổi, Thẩm phán có quyền trả lại đơn yêu cầu theo điểm d, khoản 1, Điều 364 BLTTDS. 

– Nếu Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu khi chưa có các điều kiện cần và đủ (thông báo cho các bên thi hành án dân sự và người có  quyền lợi liên quan…) thì cần quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự với căn cứ đình chỉ là chưa đủ điều kiện thụ lý. Việc đình chỉ vì cho rằng đương sự có tranh chấp, không đồng ý phân chia tài sản chung là không đảm bảo.

Nhận thấy,  vụ việc dân sự liên quan đến quyền yêu cầu của Chấp hành viên nêu trên tuy không mới, nhưng trong thời gian tới sẽ phát sinh nhiều ở các đơn vị cấp huyện. Hy vọng bài viết này đã phần nào tổng hợp, đánh giá được các vi phạm của Tòa án và những bài học kinh nghiệm để các đồng nghiệp cùng thảo luận, trao đổi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự trong thời gian tới./.

 

                                                                        Nguyễn Thị Thu Hòa

                                                                               VKS Quảng Ninh

Tin tức mới nhất