CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật hình sự về bảo vệ động vật hoang dã

Nằm trong vành đai nhiệt đới, Việt Nam là một trong số những quốc gia có nền sinh học cao nhất trên thế giới cùng sự phong phú của các loài động vật hoang dã (ĐVHD), với hơn 300 loài thú, gần 900 loài chim và hơn 2.700 loài cá. Tuy nhiên, hầu hết các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Việt Nam, từ rừng, đất ngập nước đến đại dương, đều đã bị đe dọa nghiêm trọng trong suốt những thập kỷ qua do tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, nạn phá rừng và ô nhiễm môi trường. Những mối đe dọa nghiêm trọng này đã và đang đẩy hàng trăm loại động vật hoang dã của Việt Nam đến bờ vực tuyệt chủng. Hầu hết các khu rừng của Việt Nam hiện nay, kể cả các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đã gần như vắng bóng động vật hoang dã, đặc biệt là những loại động vật nguy cấp, quý, hiếm. Việc săn bắt, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung và các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm nói riêng không chỉ gây tổn hại đến nền đa dạng sinh học của đất nước mà còn làm gia tăng nguy cơ lan truyền các dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật. Do vậy, việc xử lý nghiêm các tội phạm về động vật hoang dã được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã được quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) gồm 02 tội danh là Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” và Điều 244 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Qua thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến 02 Điều luật này, đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần thiết có những thay đổi, hướng dẫn cụ thể:

Đồng chí Đặng Đình Vang – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Viện KSND tỉnh Quảng Ninh.

  1. Vài nét đánh giá chung tình hình tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022

Trong giai đoạn 2020-2021, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đã ra quyết định khởi tố hình sự đối với 298 vụ án và 389 bị can do vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD và các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm (trong đó có 16 vụ án chưa xác định được người thực hiện hành vi phạm tội). Trong tổng số 298 vụ án nêu trên, đã xác định có 84 loài ĐVHD bị xâm hại. Trong đó, số vụ liên quan đến tê tê java (Manis javanica) chiếm tỷ lệ lớn nhất với 23,49% (70/298 vụ án), tiếp đến là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) có tỷ lệ các vụ án đứng thứ hai, với 22,48% (67/298 vụ án), các loài rùa hộp trán vàng (chưa rõ loài cụ thể) và gấu ngựa (Ursus thibetanus) mỗi loài cùng chiếm tỷ lệ trong số các vụ án là 10,74% (32/298 vụ án), sơn dương (Capricornis milneedwardsii) là 8,05% (24/298 vụ án), rùa đầu to (Platysternum megacephalum) là 6,71% (19/298 vụ án), các loài báo 6,04% (18/298 vụ án), các loài hổ 5,7% (17/298 vụ án), các loài tê giác 5,37% (16/298 vụ án).

Riêng năm 2022, có tổng số 130 vụ, việc vi phạm về ĐVHD được phản ánh trên báo trí (hành vi: săn bắt 6; vận chuyển 65; tàng trữ 39 và buôn bán 20).

Các loài ĐVHD bị bắt giữ trong các vụ vi phạm tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau với các đơn vị tính khác nhau: dạng cá thể (sống, chết, đông lạnh, tiêu bản) với đơn vị tính là cá thể và kilogam (kg); bộ phận cơ thể (thịt, xương, da, chi, vảy, sừng…) với đơn vị tính là kilogam (kg) và các loại khác như: móng, vuốt, răng, sản phẩm chế tác, mật,… thì đơn vị tính là cái/chiếc/lọ…

Các hình thức buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD tập trung vào 03 loại hình sau: (1) vận chuyển theo đường hàng không hoặc theo đường thủy; (2) Vận chuyển bằng đường bộ; (3) Mua bán trên các nền tảng trực tuyến, giao dịch thương mại điện tử và vận chuyển thông qua các công ty chuyển phát nhanh.

  1. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật và kiến nghị, đề xuất

Qua thực tiễn đấu tranh, áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý tội phạm liên quan đến ĐVHD đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

2.1. Về khách thể

Điều 234 BLHS thuộc Chương XVIII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nên khách thể của tội phạm này là các quan hệ về trật tự “trật tự quản lý kinh tế”. Các tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế xâm phạm quan hệ xã hội bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đó là chế độ quản lý điều hành toàn bộ nền kinh tế của nhà nước, quyền và lợi ích của nhà nước, của các tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích, tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng… được thể chế hóa trong quy định pháp luật của nhà nước, ở đây là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”.

Tuy nhiên, có thể thấy, trên thực tế khách thể bị xâm phạm của loại tội phạm này là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Trật tự quản lý kinh tế chỉ là phương thức để người phạm tội thông qua đó để xâm phạm đến một quan hệ cụ thể hơn là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”.

Đề xuất nên quy định tội phạm này trong Chương XIX các tội phạm về môi trường cho phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội, phù hợp với Công ước Cites và các văn bản pháp luật khác của Nhà nước.

Các tội phạm về môi trường xâm hại tới các quan hệ xã hội liên quan đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch, sử dụng hợp lý những nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc đảm bảo an ninh sinh thái … do đó khách thể của Điều 234 BLHS cũng chính là khách thể nhóm tội phạm về môi trường.

2.2. Về trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau

Theo Điều 6 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 234 và Điều 244 BLHS (Nghị quyết 05/2018) quy định: “Trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Hướng dẫn này là chưa phù hợp với thực trạng vi phạm. Do Điều 244 BLHS ghi nhận “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” mà không phải là “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp hoặc quý hoặc hiếm”. Do đó, trong trường hợp cùng một vụ án, nếu thu giữ nhiều loài ĐVHD thuộc các lớp khác nhau, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 BLHS thì cần cộng tất cả các cá thể lại quy đổi về một lớp theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự hoặc quy đổi ra giá trị hàng phạm pháp để xử lý theo quy định tại Điều 234 BLHS, mới đảm bảo tính công bằng, khách quan và có tác dụng đấu tranh và phòng, chống loại tội phạm trong tình hình hiện nay.

2.3. Về tình tiết định khung “Săn bắt … vào thời gian bị cấm”

“Săn bắt … vào thời gian bị cấm” được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 244 BLHS, theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn “Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài. Do đó, việc quy định tình tiết định khung này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và thống nhất pháp luật, nên thực tiễn xử lý rất khó khăn, cần có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhất là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất xử lý.

2.4. Vấn đề định giá ĐVHD

Theo quy định của BLHS hiện hành thì để xử lý hình sự về các hành vi vi phạm về quy định bảo vệ ĐVHD theo Điều 234 BLHS phải thông qua thủ tục định giá tài sản. Tuy nhiên, với những tang vật của vụ án là loại không mua bán trên thị trường thì chưa có căn cứ chính thức cho Hội đồng định giá; khi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu định giá thì cơ quan định giá thường từ chối định giá hoặc cùng một đối tượng định giá nhưng mỗi địa phương lại định giá ở mức khác nhau.

Ví dụ:

+ Cùng về định giá cá ngựa khô:

Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2021/HS-ST ngày 03/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn ghi nhận: Kết luận định giá tài sản số 42 ngày 14/9/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận: Trị giá 129kg các cá thể Cá ngựa là 2.451.000.000đ (tương đương 19.000.000đ/kg).

Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2023/HS-ST ngày 25/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng ghi nhận: Kết luận định giá tài sản số 67 ngày 08/12/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận: Trị giá 14,5kg các cá thể Cá ngựa là 210.127.177đ (tương đương gần 14.500.000đ/kg).

+ Cùng về định giá Cheo cheo:

Bản án hình sự phúc thẩm số 220/2019/HS-PT ngày 29/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai ghi nhận: Kết luận định giá tài sản số 87 ngày 27/8/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận: 10 cá thể Cheo cheo, trọng lượng 14kg trị giá là 8.400.000đ (tương đương 600.000đ/kg).

Bản án hình sự sơ thẩm số 108/2019/HS-ST ngày 20/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai ghi nhận: Kết luận định giá tài sản số 45 ngày 18/7/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận: 04 cá thể Cheo cheo, trọng lượng 05kg trị giá là 600.000đ (tương đương 120.000đ/kg).

Bất cập này khiến tình trạng cùng về một hành vi, việc áp dụng giá không thống nhất dẫn đến cùng một loài, một cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm thì ở địa phương này người vi phạm sẽ có những cách thức xử lý khác nhau, hay nói cách khác là dẫn tới việc áp dụng pháp luật không công bằng. Trong thời gian sắp tới, cần có hướng dẫn thống nhất về cách thức xác định giá trị, định giá tài sản là ĐVHD, sản phẩm của ĐVHD lưu thông trên thị trường.

2.5. Về xử lý vật chứng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP thì “Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau:

  1. a) Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
  2. b) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
  3. c) Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) còn nhiều nơi áp dụng không thống nhất trong việc xử lý vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Có Cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tiêu hủy, có Cơ quan tiến hành tố tụng giao cho cơ quan kiểm lâm, có Cơ quan tiến hành tố tụng giao cho Bảo tàng; có Tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy, có Tòa án tuyên tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước.

Ví dụ: Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 304/2018/HSST ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, xử lý vật chứng gồm 08 cá thể động vật (đã chết, bị lột vảy, bỏ phủ tạng, đông lạnh) là loài Tê tê Java và 04 chi động vật (02 chi trước và 02 chi sau) là chi loài Gấu ngựa, giao cho Bảo tàng thiên nhiên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 179/2018/HS-ST ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, xử lý vật chứng gồm 05 cá thể hổ, 01 bộ phận sinh dục của hổ đực, 50kg vảy tê tê, mật chó, mật bò, răng chó và 01 cá thể khỉ đã chết, cơ quan điều tra đã tiêu hủy.

Cần thiết có văn bản hướng dẫn cụ thể về xử lý vật chứng là ĐVHD còn sống và vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm ĐVHD để thống nhất xử lý.

  1. Một số kiến nghị, đề xuất:

Sửa đổi BLHS theo hướng quy định tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã trong Chương XIX “Các tội phạm về môi trường”.

Hiện nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài, cần có sự hướng dẫn của của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất trong xử lý.

Cần có quy định theo hướng đối với trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 BLHS thì cộng tất cả các cá thể động vật lại, sau đó quy đổi về một lớp hoặc loài theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự như vậy mới đảm bảo tính công bằng, khách quan trong chính sách xử lý hình sự.

Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống và vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Cần có hướng dẫn thống nhất về việc định giá đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Trên đây là vài nét đánh giá về bảo vệ ĐVHD theo chế định Luật hình sự Việt Nam, qua nghiên cứu nhận thấy còn một số điểm khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình xử lý đối với loại tội phạm này, kiến nghị Liên ngành tố tụng Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về các vướng mắc nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng không bị lúng túng trong việc áp dụng pháp luật khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến ĐVHD, góp phần đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này.

Nguyễn Bích Diệp_VKS Uông Bí

Tin tức mới nhất