CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Một số điểm mới của Thông tư liên tịch số 02/2018, quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS năm 2015 về khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng hình sự


Một số điểm mới của Thông tư liên tịch số 02/2018, quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS năm 2015 về khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng hình sự

Để triển khai thi hành quy định của BLTTHS năm 2015 về khiếu nại, tố cáo. VKSNDTC phối hợp với TANDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018,quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS năm 2015 về khiếu nại, tố cáo (sau đây gọi là TTLT số 02/2018), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/10/2018. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10/8/2005, hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS năm 2003 về khiếu nại, tố cáo (sau đây gọi là TTLT số 02/2005).

 

Nội dung của TTLT số 02/2018 có một số điểm mới so với TTLT số 02/2005, qua đó phù hợp và thống nhất với Luật Khiếu nại năm 2011 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hiện hành như sau:

I. Về giải quyết đơn khiếu nại:

1. So với TTLT số 02/2005, TTLT số 02/2018 quy định chi tiết, cụ thể, đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục thụ lý, đặc biệt là quá trình xác minh, gia hạn thời hạn xác minh nội dung khiếu nại, những văn bản, tài liệu cần có trong hồ sơ giải quyết khiếu nại:

– Kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền và đủ điều kiện thụ lý, trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (sau đây gọi chung là người giải quyết khiếu nại) phải thụ lý và thực hiện các thủ tục như sau:

+ Ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại trình bày về nội dung khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến những nội dung bị khiếu nại.

+ Kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu nại.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, nếu thấy đủ căn cứ giải quyết và không cần phải xác minh nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.

Trường hợp cần phải xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc ra quyết định phân công người tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. Người được phân công xác minh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại trình người có thẩm quyền phê duyệt.

– Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.

– Trường hợp kết quả xác minh nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại còn khác nhau, nếu thấy cần thiết thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại.

– Khi thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời hạn xác minh. Thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại.

– Kết thúc việc xác minh, người được phân công xác minh phải có văn bản báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại và đề xuất hướng giải quyết.

– Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại thì ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại.

2.  Về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Tại Điều 8 quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trong đó có quy định mới về việc gắn trách nhiệm giải quyết khiếu nại với việc giải quyết vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, có khiếu nại thuộc thẩm quyền, đủ điều kiện thụ lý nhưng không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết là một trong những căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định về phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong thực hiện một số quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Bên cạnh việc gửi Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, TTLT số 02/2018 quy định thêm về việc gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát phải có văn bản hồi đáp tại khoản 2 Điều 8 như sau:

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thụ lý hoặc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án phải gửi văn bản thông báo thụ lý hoặc quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại cho Viện kiếm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án.

II. Về giải quyết đơn tố cáo

1. So với TTLT số 02/2005 thì TTLT số 02/2018 có quy định mới trong việc xử lý đơn tố cáo không rõ tên của người tố cáo (đơn giấu tên, mạo tên) tại Điều 10:

“Không xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, hoặc sử dụng họ tên của người khác; hoặc nội dung tố cáo đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết mà người tố cáo không đưa ra được chứng cứ mới. Nếu thông tin tố cáo không rõ tên người tố cáo nhưng cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý.”

Như vậy, với những đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ tên người tố cáo nhưng có cung cấp, tài liệu, chứng cứ cụ thể, rõ ràng đi kèm đơn, có cơ sở để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, thì với chức trách, nhiệm vụ của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo phải tiến hành thanh tra, kiểm tra những chứng cứ đó, xác minh nội dung tố cáo. Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo những hành vi vi phạm pháp luật sẽ không bị bỏ qua, kể cả khi không rõ tên người tố cáo, bởi có nhiều trường hợp do lo sợ bị trả thù, trù dập nên người viết đơn tố cáo thường viết đơn nặc danh, mạo danh, giấu tên.

2. Gia hạn thời hạn xác minh nội dung tố cáo khi hết thời hạn xác minh quy định tại điểm g khoản 1 Điều 11:

Khi thời hạn xác minh nội dung tố cáo đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết tố cáo xem xét gia hạn thời hạn xác minh. Thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết tố cáo.

So với TTLT số 02/2005 chỉ quy định thời hạn xác minh, thì nay tại TTLT số 02/2018 đã quy định thêm việc được gia hạn thời hạn xác minh tố cáo (không vượt quá thời hạn giải quyết tố cáo) khi nội dung xác minh chưa thực hiện xong. Điều này tạo điều kiện cho người xác minh có thêm thời gian trong việc xác minh nội dung tố cáo, đảm bảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo và kết luận tố cáo được khách quan, đúng, đủ và chính xác.

3. Quy định mới về thời hạn phải gửi Thông báo thụ lý và Quyết định giải quyết tố cáo cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát phải có thông báo hồi đáp theo khoản 2 Điều 12 như sau: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thụ lý hoặc ban hành quyết định giải quyết tố cáo, Cơ quan điều tra, Tòa án phải gửi văn bản thông báo thụ lý hoặc quyết định giải quyết tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp để tiến hành kiểm sát việc giải quyết tố cáo. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tố cáo, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết tố cáo của Cơ quan điều tra, Tòa án.

4. Quy định về giữ bí mật, bảo vệ danh tính cho người tố cáo tại khoản 4 Điều 12: Người giải quyết tố cáo, người được phân công xác minh nội dung tố cáo phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo theo yêu cầu của họ; kịp thời yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ người tố cáo trong trường hợp họ bị đe dọa, trả thù, trù dập. Đây là quy định mới quan trọng, cần thiết không chỉ nhằm đảm bảo sự an toàn cho người tố cáo, đồng thời nhằm nâng cao trách nhiệm của người tiếp nhận, giải quyết tố cáo trong việc bảo mật danh tính của người tố cáo.

III. Về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Quy định cụ thể về phạm vi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới từ khi tiếp nhận, thụ lý khiếu nại, tố cáo cho đến khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Như vậy so với TTLT số 02/2005, thì TTLT số 02/2018 mở rộng thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát khi quy định ngoài Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới, còn có các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

2. Về phối hợp trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: TTLT số 02/2018 tăng thời hạn để cho các cơ quan có thêm thời gian thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát. Ngoài ra, trong khi TTLT số 02/2005 chỉ quy định chung chung là trong “trường hợp gặp trở ngại khách quan cần có thêm thời gian thì phải có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết”, mà không quy định rõ thời hạn được kéo dài là bao nhiêu, dễ dẫn tới việc kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không được hiệu quả, thì nay TTLT số 02/2018 khắc phục được thiếu sót trên qua việc quy định cụ thể, rõ ràng tại Điều 15 về thời hạn các cơ quan được phép kéo dài (vì lý do khách quan) trong khi thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát.

3. Quy định cụ thể các biện pháp yêu cầu ra văn bản giải quyết; biện pháp yêu cầu tự kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được áp dụng đối với kiểm sát những việc khiếu nại, tố cáo cụ thể hoặc kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong một thời điểm nhất định.

4. Quy định thêm về kiểm tra thực hiện kháng nghị, kiến nghị thì ngoài văn bản kết luận việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị thì nay phải có thêm quyết định kiểm tra thực hiện kháng nghị, kiến nghị.

Qua những điểm mới của TTLT số 02/2018, có thể thấy việc kiểm sát và giải quyết khiếu nại tố cáo đã được quy định cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn so với TTLT số 02/2005. Những quy định trên ngày càng phù hợp hơn với sự phát triển và thay đổi của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, phù hợp với sự phát triển tất yếu của xã hội, phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại tố cáo trong các cơ quan tư pháp.

                                                Bùi Quốc Huy – Phòng 12 VKSND tỉnh Quảng Ninh

Tin tức mới nhất