CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Mâu thuẫn trong hướng dẫn xử lý tội phạm “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”

 

Những năm trở lại đây, tình hình tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, tội phạm ma túy hoạt động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Với giới trẻ, chất nghiện được sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp, cũng vì thế mà nguy cơ gây ra các hậu quả liên quan đến tệ nạn xã hội cũng cao hơn so với ma túy truyền thống trước kia.

Trước thực trạng đó, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng đẩy mạnh việc đấu tranh và xử lý để phòng chống các loại tội phạm về ma tuý, đặc biệt là tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” quy định tại Điều 255 của Bộ luật hình sự. Nhiều vụ án “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án có liên quan nhận thấy có một số hướng dẫn mâu thuẫn nhau trong việc áp dụng quy định của pháp luật, cụ thể:

Theo quy định điểm a tiểu mục 6.2 mục 6 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ tư pháp quy định: “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo quy định trên thì nhóm người nghiện ma túy tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Trong quá trình thu thập, củng cố chứng cứ để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm những vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, các cơ quan tố tụng phải xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng liên quan. Nếu kết quả xác minh nhóm đối tượng liên quan đều là người nghiện thì người cung cấp ma túy không phải chịu trách nhiệm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Ngày 30/11/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn số 5442/VKSTC-V14 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự lại hướng dẫn áp dụng pháp luật về “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” tại tiểu mục 16.2 mục 16 phần I như sau:

“… người nghiện ma tuý có hành vi cung cấp chất ma tuý cho người nghiện ma tuý khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

Cùng về nội dung này ngày 02/8/2021, Toà án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử cũng hướng dẫn nội dung trên tại mục 7 phần I như sau:

“A là người đi mua ma tuý về (B không biết A mua ma tuý). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma tuý ra và bảo “”ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 03 người cùng sử dụng ma tuý, sau đó D đến nhà C và thấy ma tuý trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C, D đều là người nghiện ma tuý. Vậy A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hay không?

… Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma tuý cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma tuý…. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật hình sự”.

Theo hai Công văn hướng dẫn trên, không cần xác định yếu tố nhân thân của những đối tượng trong vụ án có phải là người nghiện ma túy hay không mà chỉ cần xác định có hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 BLHS.

Như vậy, cùng một nội dung liên quan đến việc xử lý tội phạm “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” đang có hướng dẫn và cách xác định hoàn toàn khác nhau về đối tượng được cung cấp ma tuý trong hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.

Qua nghiên cứu các hướng dẫn trên, tác giả cho rằng các văn bản đơn ngành của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ là các giải đáp vướng mắc mang tính chất nội bộ Ngành, không mang những thuộc tính chung của pháp luật là tính quy phạm phổ biến và tính bảo đảm thực hiện bằng Nhà nước. Do vậy, các vấn đề liên quan đến việc xác định các yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” vẫn cần áp dụng tinh thần và quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007. Và trên thực tế, các cơ quan quan tiến hành tố tụng vẫn sử dụng các quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007 để xử lý loại tội phạm này.

Tuy nhiên, việc để cho cùng lúc tồn tại quy định và hướng dẫn của các cơ quan tố tụng cấp tối cao mâu thuẫn nhau trong việc áp dụng quy định của pháp luật như trên có thể cũng sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc khi xử lý các đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trên thực tế, dẫn tới gây khó khăn trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý./.

Nguyễn Bích Diệp_VKSND Uông Bí

Tin tức mới nhất