CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Lời sám hối muộn màng

 

Những năm gần đây, xảy ra một số vụ cán bộ thủ quỹ của ngân hàng lợi dụng sơ hở trong quản lý chiếm đoạt tài sản (tiền hoặc vàng) của khách hàng gửi tại ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân và không có khả năng chi trả. Vụ Ngô Văn Dũng – Nguyên Thủ quỹ của Ngân hàng TMCP Đông Á – Chi nhánh Quảng Ninh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là một trong số đó.

Ngô Văn Dũng, 35 tuổi,  sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nắng gió, tuổi thơ đã trải qua không ít khó khăn nhưng đã gắng phấn đấu học hành. Sau khi tốt nghiệp đại học, Dũng về Quảng Ninh lập nghiệp, xây dựng gia đình riêng và đã có 1 con nhỏ 5 tuổi. Năm 2009, Dũng được Ngân hàng TMCP Đông Á Chi nhánh Quảng Ninh (là Công ty cổ phần với 100% vốn tư nhân)  ký hợp đồng lao động tiếp nhận vào làm việc tại Ngân hàng và giao nhiệm vụ làm Thủ quỹ phòng giao dịch; Sau một thời gian phấn đấu, đầu năm 2013 Ngân hàng bổ nhiệm cho  Dũng giữ chức vụ Phó phòng Ngân quỹ chi nhánh Quảng Ninh song vẫn làm thủ quỹ, quản lý kho quỹ của Ngân hàng. 

Công việc thuận lợi, thu nhập ổn định, sự nghiệp thăng tiến tưởng như “diều gặp gió”, nhưng dường như Dũng chưa bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Vì lòng tham, Dũng luôn mong muốn có được nhiều tiền. Trong năm 2015, khi được giao nhiệm vụ thủ quỹ, quản lý kho quỹ của Ngân hàng , Dũng đã hai lần biển thủ tổng số 177,292 lượng vàng SJC. Cụ thể: 

Lần thứ nhất vào ngày 10/01/2015, Dũng biển thủ 77,292 lượng vàng SJC của Ngân hàng, theo 03 hồ sơ giữ hộ vàng của 3 hộ đã hết hạn hợp đồng  gửi giữ, nhưng các khách hàng không đến làm thủ tục tất toán hoặc gia hạn hợp đồng; Trước đó, cán bộ quản lý hợp đồng không tìm, không liên lạc được với khách hàng để thực hiện tất toán hợp đồng giữ hộ vàng. Mặt khác, hệ thống quản lý dữ liệu kế toán của ngân hàng yêu cầu phải tất toán ngay các hợp đồng giữ hộ vàng này. Do vậy, Bộ phận dịch vụ khách hàng của Ngân hàng đã lập chứng từ để tất toán vàng gửi giữ hộ và bàn giao 77,292 lượng vàng SJC cho Dũng quản lý tại kho quỹ của Ngân hàng. Sau khi nhận bàn giao, lợi dụng sự tin tưởng của Ngân hàng, Dũng đã biển thủ chiếm đoạt 77,292 lượng vàng SJC nêu trên để sử dụng cá nhân.

Lần thứ hai vào ngày 18/06/2015, Ngô Văn Dũng tiếp tục biển thủ 100 lượng vàng SJC trong kho quỹ của TMCP Đông Á – Chi nhánh Quảng Ninh do Dũng quản lý, đem thế chấp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu – Chi nhánh Quảng Ninh vay 2,9 tỷ đồng để sử dụng cá nhân. Để che giấu hành vi phạm tội của mình, Dũng đã nại ra lý do Ngân hàng không phát sinh giao dịch liên quan đến vàng giữ hộ và Dũng đã cho toàn bộ số vàng gửi giữ hộ của Ngân hàng TMCP Đông Á – Chi nhánh Quảng Ninh vào ngăn kéo của két sắt đặt trong kho tiền. Ngăn kéo đã được Dũng dán niêm phong nên không cần kiểm đếm. Vì vậy, lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc bộ phận quản lý kho quỹ, nghiệp vụ của Ngân hàng TMCP Đông Á – Chi nhánh Quảng Ninh đã chủ quan, tin tưởng Dũng nên không kịp thời phát hiện được hành vi biển thủ vàng của Dũng.

Tổng số vàng SJC Dũng đã chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Đông Á có giá trị hơn 6,1 tỷ đồng.

Ngày 03/08/2015, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra đột xuất Ngân hàng TMCP Đông Á – Chi nhánh Quảng Ninh, phát hiện kho quỹ của Ngân hàng bị thiếu hụt số vàng trên. Sau một thời gian để cho Dũng tìm cách khắc phục hậu quả nhưng Dũng không khắc phục được, ngày 11/08/2015, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Ninh đã chuyển giao vụ việc đến Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Quảng Ninh để điều tra.

Ngày 07/9 /2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám xét nơi làm việc của Ngô Văn Dũng đã thu giữ 04 chỉ vàng và tạm giữ tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu – Chi nhánh Quảng Ninh 15 cây vàng do Dũng thế chấp tại đó để vay tiền.

Quá trình điều tra Ngô Văn Dũng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Dũng khai: Số vàng trên, Dũng sử dụng vào mục đích cá nhân, dùng để buôn vàng nhưng khi vàng sụt giá, Dũng bị thua lỗ và không có khả năng chi trả. Tại các buổi làm việc với Ngân hàng và các cơ quan tố tụng, không ít lần Dũng rơm rơm nước mắt, quay đi, ngăn không để dòng lệ tuôn trào.

Trên cơ sở kết quả điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã truy tố Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự. Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Dũng với mức án 16 năm tù và phải bồi thường cho Ngân hàng Đông Á chi nhánh Quảng Ninh số tiền 5,6 tỷ đồng (sau khi đã trừ đi giá trị 15 cây vàng Cơ quan điều tra đã thu giữ tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu – Chi nhánh Quảng Ninh).

Thế là: Chỉ vì tham lam tư lợi, Dũng đã tự đánh mất mình, bước vào vòng lao lý, khép lại những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời ở trong tù. Hành vi của Dũng không chỉ xâm phạm quyền sở hữu, làm thiệt hại đến tài sản của Ngân hàng, mà còn làm đau lòng thân phụ mẫu hai bên, để lại ngoài đời người vợ trẻ và đứa con nhỏ bơ vơ, vắng bóng người trụ cột gia đình. Hẳn trong những ngày nằm trong Trại tạm giam và kể cả khi đi thi hành án, Dũng đã nhiều lần dằn vặt bản thân và ăn năn, sám hối, nhưng tất cả đều đã muộn. Có chăng, chỉ còn cách cải tạo thật tốt để được giảm án, mới mong sớm có ngày được về đoàn tụ với gia đình.

Qua vụ án này, rút ra được nhiều bài học, không chỉ cho Dũng mà còn cho những đồng nghiệp của Dũng trong việc rèn luyện, điều chỉnh những hành vi của bản thân, về công tác quản lý của Ngân hàng. Nếu không khắc phục những sơ hở trong quản lý, nếu những ai làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với tiền, vàng mà không kìm chế được lòng tham, thì ắt sẽ có ngày sa chân, trở thành tội phạm.

  

Nguyễn Mai Thúy–

Phòng 3 – VKSND tỉnh Quảng Ninh

 

Tin tức mới nhất