CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Kinh nghiệm xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án hôn nhân gia đình

Điều 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định về nhiệm vụ quyền hạn của VKS khi kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, HNGĐ, KDTM và án hành chính (gọi chung là dân sự, hành chính); trong đó quy định KSV có nhiệm vụ quyền hạn tham gia phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của HĐXX và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt Luật đã bổ sung thêm nội dung KSV phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Như vậy, bài phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên toà là một thủ tục bắt buộc, phản ánh kết quả nghiên cứu hồ sơ và hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân gia đình. Thực tiễn cho thấy, cơ bản bài phát biểu của Kiểm sát viên hiện nay đã đảm bảo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND theo quy định của pháp luật, đưa ra nhiều luận cứ sắc sảo, có tính thuyết phục cao, Tuy nhiên cũng còn những bài phát biểu còn chung chung, chưa đánh giá được đầy đủ những sai sót, vi phạm của Toà án và HĐXX trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trên, KSV cần lưu ý một số yêu cầu về kỹ năng như sau:

  1. KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT
  2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, thẩm tra viên, Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án:

* Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong thời gian chuẩn bị xét xử: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án (hoặc Thẩm tra viên giúp việc cho Thẩm phán) đã thực hiện các quy định của BLTTDS cụ thể như sau:

Về thẩm quyền thụ lý và quan hệ pháp luật giải quyết(Điều 28, 29, 35, 39 BLTTDS): KSVcăn cứ đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện để đánh giá việc Tòa án xác định quan hệ pháp luật có phù hợp theo những loại vụ, việc quy định tại Điều 28, 29 BLTTDS không, sau đó phân tích về thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ và theo cấp xét xử quy định tại Điều 35 và 39 BLTTDS.

(VD: Căn cứ đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu gửi kèm theo (như Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, kết quả giám định ADN…) Tòa án đã xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là gì (ly hôn, xác nhận cha cho con …) theo quy định tại Điều 28, 29 BLTTDS là loại vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bị đơn hiện đang cư trú tại đâu, do vậy Tòa án nhân dân… thụ lý giải quyết là đúng theo quy định tại Điều 35, Điều 39 BLTTDS).

  Trường hợp có căn cứ xác định quan hệ pháp luật chưa chính xác thì KSV phân tích và đề nghị Tòa xác định lại quan hệ pháp luật cho phù hợp với quy định của BLTTDS, không nên phát biểu là tòa vi phạm. Trường hợp yêu cầu khởi kiện của đương sự chưa được quy định trong BLTTDS hoặc chưa có điều luật áp dụng thì Tòa vẫn phải thụ lý theo Điều 4 BLTTDS thì ghi cụ thể quan hệ pháp luật theo đơn khởi kiện của đương sự.

Ví dụ: Nguyên đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nhưng Tòa án lại chỉ xác định chung chung là vụ án HNGĐ hoặc tranh chấp về nuôi con thì Kiểm sát viên đề nghị Tòa án xác định lại quan hệ pháp luật của vụ việc là “Thay đổi người trực tiếp nuôi con”.

– Xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự:

Nhận xét về việc Tòa án đã xác định đầy đủ và đúng tư cách của những người tham gia tố tụng trong vụ án theo quy định tại Điều 68 BLTTDS hay chưa, gồm có: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Nếu Tòa án đã xác định đầy đủ người tham gia tố tụng và tư cách của họ thì phát biểu ngắn gọn là Thẩm phán đã xác định đúng và đầy đủ tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan theo Điều 68 BLTTDS.

Về thu thập tài liệu chứng cứ:

Đánh giá, nhận xét về việc các đương sự giao nộp tài liệu chứng cứ cho Tòa án và việc Tòa án tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ theo đúng trình tự, quy định tại Điều 97 BLTTDS.

Nếu trong vụ án Thẩm phán thực hiện các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ thì KSV cần phân tích sự cần thiết của hoạt động tố tụng đó. Chú ý đánh giá lý do của hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa là thực hiện theo yêu cầu của đương sự hay do Tòa án tự tiến hành. Trong một số trường hợp thu thập chứng cứ thì Tòa án phải ra quyết định theo khoản 3, Điều 97 BLTTDS như trưng cầu giám định, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, ủy thác thu thập chứng cứ, yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.

Nhận xét về việc Tòa án đã thông báo cho đương sự biết kết quả xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định khoản 5, Điều 97 BLTTDS.

+ Việc xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản: Cần được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 101, Điều 104 BLTTDS về trình tự, thủ tục và thành phần tham gia HĐ định giá có đúng quy định không.

+ Việc ủy thác thu thập chứng cứ có đúng với quy định tại Điều 105 và Điều 475 BLTTDS năm 2015 không? Nếu có yếu tố nước ngoài thì lưu ý ủy thác ra nước ngoài thông qua Bộ tư pháp cần chú ý: Nội dung văn bản ủy thác và thời hạn ủy thác có đúng quy định tại Điều 475 không? Nếu không đúng thì KSV phát biểu vụ án chưa đủ điều kiện đưa ra xét xử.

+ Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có đúng với Điều 112, Điều  114, Điều 120, Điều 121, Điều 122, Điều 124… BLTTDS không?

– Thực hiện tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải:

Nhận xét về việc Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải có tuân thủ đúng theo quy định tại các Điều 208 – Điều 211 BLTTDS và Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao không hay không.

(Tòa án phải lập 2 biên bản riêng: Biên bản kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ và Biên bản hòa giải theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 211 BLTTDS).

Việc chấp hành thời hạn chuẩn bị xét xử:

Đánh giá, nhận xét về việc tuân thủ quy định thời hạn chuẩn bị xét xử cũng như gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 BLTTDS. Trường hợp Tòa án để quá thời hạn chuẩn bị xét xử thì phân tích và đánh giá nêu rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan để từ đó kiến nghị rút kinh nghiệm cho phù hợp.

Trường hợp vụ án có giai đoạn tạm đình chỉ thì KSV phát biểu ý kiến nhận xét tính có căn cứ tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 214 BLTTDS.

Ví dụ:Tòa án thụ lý ngày…., trong quá trình giải quyết, ngày …..Tòa đã ra quyết định Tạm đình chỉ giải quyết vụ án để….(nêu lý do tạm đình chỉ). Việc tạm đình chỉ của Tòa án đã thực hiện đúng theo quy định tại Điều 214 BLTTDS. Ngày……, Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án là đúng (hay chưa đúng) theo quy định tại Điều 216 BLTTDS. Ngày ….Tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử là đúng theo Điều 203 BLTTDS.

– Nếu Thẩm phán hoặc Thẩm tra viên giúp việc cho Thẩm phán không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ một trong những quy định trên thì Kiểm sát viên phát biểu về nội dung vi phạm, đã vi phạm quy định nào của BLTTDS, đánh giá tác động của vi phạm đó đối với việc xét xử vụ án.

– Việc tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự: Nhận xét về việc Tòa ánthực hiện theo quy định từ Điều 170 đến Điều 180 BLTTDS. Cần lưu ý một số điểm sau:

+ Việc tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự có hợp pháp, hợp lệ hay không, nhất là trong trường hợp tống đạt qua bưu điện phải có chữ ký xác nhận của người nhận, tống đạt qua người thân thích ở cùng với người được tống đạt phải có cam kết của người nhận sẽ thông báo trực tiếp cho người được tống đạt và người nhận văn bản thay không ở vị trí đối lập với người được tống đạt (không chấp nhận việc Tòa án tống đạt các văn bản tố tụng cho bị đơn qua nguyên đơn kể cả việc nguyên đơn cam kết giao tận tay cho bị đơn, vì họ có nghĩa vụ đối kháng, dẫn đến không khách quan).

Việc gửi hồ sơ cho VKS nghiên cứu:

Phân tích và nhận xét ngắn gọn nhưng đầy đủ đối với hoạt động của Tòa án về việc chuyển hồ sơ và Quyết đinh đưa vụ án ra xét xử cho VKS để nghiên cứu trước khi mở phiên tòa 15 ngày theo Điều 220 BLTTDS. Nêu rõ việc tác động, ảnh hưởng của việc đảm bảo/ không đảm bảo thời hạn đối với việc nghiên cứu hồ sơ của VKS.

 Ví dụ: Ngày……………Tòa án … chuyển hồ sơ kèm theo QĐ đưa vụ án ra xét xử cho VKS ….. theo đúng thời hạn qui định tại Điều 220 BLTTDS.

– Trường hợp có vi phạm: KSV phát biểu nêu rõ nội dung vi phạm, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan và đánh giá tác động của vi phạm đó đối với việc giải quyết vụ án.

  1. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của HĐXX, thư ký tòa án tại phiên tòa:

Nội dung này KSV cần đánh giá trình tự tố tụng tại phiên tòa theo các qui định tại các Điều 237 đến Điều 263 BLTTDS:

– Thư ký có phổ biên nội quy phiên tòa, kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của người tham gia phiên tòa (Điều 237 BLTTDS) để phát biểu về việc xét xử vắng mặt các đương sự theo Điều 238 BLTTDS.

– Nhận xét thành phần HĐXX đúng/ không đúng với thành phần đã nêu tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử;

– Nhận xét về Thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều hành trình tự, thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo đúng/ không đúng trình tự thủ tục quy định của Điều 249 và Điều 260 BLTTDS: Trường hợp HĐXX thực hiện đúng, đầy đủ quy định nêu trên thì KSV phát biểu “HĐXX đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định của BLTTDS về trình tự, thủ tục xét xử vụ án tại phiên tòa”. Trường hợp phát hiện vi phạm thì KSV nêu rõ và đánh giá trên cơ sở viện dẫn cơ sở pháp luật để từ đó đề nghị, kiến nghị hay rút kinh nghiệm đối với hoạt động tiến hành tố tụng.

  1. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng:

Cơ sở pháp lý để đánh giá về quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 227 và Điều 234 BLTTDS.

– Nguyên đơn: Đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình chưa, như: nộp đơn khởi kiện, nộp tiền tạm ứng án phí, cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án theo qui định tại Điều 70, 71, 227 và chấp hành nội quy phiên tòa theo Điều 234 hay chưa.

– Đối với bị đơn, người tham gia tố tụng khác thì tùy từng tư cách tham gia tố tụng để phát biểu về việc chấp hành pháp luật tố tụng của họ.

KSV chú ý kiểm tra việc các đương sự có yêu cầu khởi kiện đã thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ cho các đương sự khác theo quy định tại điểm 9 Điều 70 BLTTDS hay chưa để yêu cầu Thẩm phán khắc phục trước khi mở phiên tòa.

Nếu tất cả những người đó đã thực hiện đúng và đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ thì chỉ cần nêu “Người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của BLTTDS”.

– Nếu có người tham gia tố tụng vi phạm quyền, nghĩa vụ tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết vụ án, thì Kiểm sát viên phải phát biểu, phân tích về nội dung vi phạm theo quy định của điều luật điều chỉnh; hậu quả pháp lý của vi phạm tố tụng đó đối với việc giải quyết vụ án.

Ví dụ: Đương sự từ chối tham gia tố tụng; từ chối khai và cung cấp tài liệu, chứng cứ; vắng mặt ….. thì căn cứ vào các quy định của BLTTDS để phát biểu ý kiến đánh giá, nhận xét và đề nghị cho phù hợp với diễn biến tại phiên tòa. Tránh tình trạng diễn biến phiên tòa có sự phát sinh nhưng bài phát biểu lại không đề cập.

  1. Về quan điểm giải quyết nội dung vụ án

– Tóm tắt nội dung tranh chấp: Cần nêu rõ được yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến phản đối, phản tố (nếu có) của bị đơn, ý kiến hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có).

Nêu rõ được những nội dung, những tình tiết và chứng cứ có ý nghĩa giải quyết vụ án mà các đương sự đã thống nhất; những tình tiết, sự kiện không cần phải chứng minh trong vụ án.

– Phân tích, đánh giá quan điểm của từng đương sự trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong hồ sơ vụ án, lời trình bày, ý kiến tranh luận của các bên. Từ đó xác định những yêu cầu nào của đương sự là có căn cứ pháp luật, những yêu cầu nào không có căn cứ. Việc phân tích, đánh giá tài liệu chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ, cần đảm bảo tính khách quan, toàn diện, tính có liên quan, theo trình tự thời gian để xác định chính xác quan hệ pháp luật, các điều luật cụ thể cần áp dụng được quy định trong luật nội dung như  BLDS, Luật HNGĐ, Luật Đất đai, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật như Nghị định, nghị quyết, thông tư liên tịch…(Chú ý phân biệt và không viện dẫn những văn bản hướng dẫn của ngành Kiểm sát, vì đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật)

Nêu rõ các nguyên tắc tương tự, phong tục tập quán được xã hội thừa nhận và phù hợp với pháp luật, án lệ, lẽ công bằng được áp dụng trong trường hợp không có điều luật để áp dụng (Điều 45 BLTTDS).

– Nêu rõ quan điểm giải quyết toàn bộ vụ án: Chấp nhận hoặc chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự (thứ tự đề nghị từ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đến phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người liên quan).

– Phát biểu về án phí: Căn cứ quy định của BLTTDS và các văn bản pháp luật quy định về án phí như Nghị định 70; Pháp lệnh số 10 năm 2009 hoặc Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của UBTVQuốc hội để nêu quan điểm đối với nghĩa vụ chịu án án phí đối với các đương sự. Cần nêu cụ thể những yêu cầu nào của đương sự phải chịu mức án phí có giá ngạch và yêu cầu nào chịu án phí không có giá ngạch.

III. Những yêu cầu, kiến nghị để khắc phục vi phạm tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm (nếu có)

KSV nêu những vi phạm, thiếu sót của các cơ quan, tổ chức (nếu có) là nguyên nhân điều kiện hoặc góp phần làm phát sinh tranh chấp vi phạm và đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan tổ chức chấm dứt vi phạm thiếu sót; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực có thiếu sót.

(VD: do địa phương thiếu trách nhiệm trong việc đo đạc diện tích danh giới đất dẫn đến phát sinh tranh chấp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh và chỉ đạo thực hiện đúng quy định của pháp luật).

  1. Xây dựng bài phát biểu trong một số quan hệ pháp luật khi giải quyết vụ án HNGĐ:

1.Tranh chấp xác định cha cho con:

Về thẩm quyền: Theo quy định tại Điều 101 Luật HNGĐ thì việc xác định cha cho con nếu không có tranh chấp thuộc cơ quan đăng ký hộ tịch, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thông thường thì việc xác định cha cho con căn cứ vào kết quả giám định di truyền – ADN. Do vậy, KSV cần đánh giá được tính hợp pháp của chứng cứ quan trọng này. Cụ thể phải xem xét tài liệu giám định ADN do đương sự cung cấp có được thực hiện đúng trình tự, thủ tục không (như thẩm quyền của cơ quan giám định ADN, việc lấy mẫu giám định có do cán bộ của tổ chức đó lấy trực tiếp từ người cần giám định…..) để xác định với tính liên quan của tài liệu, chứng cứ khác do đương sự cung cấp như lời khai của đương sự và người tham gia tố tụng khác …. Trên cơ sở đó xác định tính có căn cứ/  không căn cứ của yêu cầu khởi kiện.

  1. Tranh chấp về ly hôn

Đây là tranh chấp phổ biến và điển hình trong loại án HNGĐ. Nội dung giải quyết vụ án ly hôn yêu cầu giải quyết đồng thời 03 mối quan hệ: Hôn nhân, con cái, tài sản, nghĩa vụ chung của vợ chồng. Do vậy KSV cần nghiên cứu hồ sơ, phân tích và đánh giá từng mối quan hệ để đề xuất đường lối giải quyết vụ án. Cụ thể:

2.1. Về hôn nhân:

Nội dung này chính là đánh giá về chủ thê của mối quan hệ hôn nhân, tình cảm của 2 bên vợ chồng trong vụ án xin ly hôn. Tính hợp pháp của sự kiện pháp lý khi kết hôn trên cơ sở các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HNGĐ là nội dung quan trọng để xem xét, đánh giá với những tình tiết, sự kiện liên quan khác diễn ra trong quá trình chung sống. Trên cơ sở đó phân tích nguyên nhân làm phát sinh mâu thuẫn của vợ chồng.

Cần phân tích làm rõ mức độ mâu thuẫn của vợ chồng thông qua lời khai của các bên đương sự và người tham gia tố tụng khác cũng như các tài liệu chứng cứ liên quan. Ví dụ như tài liệu, chứng cứ xác định tình trạng bạo hành gia đình (nếu có); lời khai của những người thân trong gia đình (con cái, bố mẹ, anh chị em ruột cùng sinh sống trong một nhà); ý kiến của tổ dân phố, đoàn thể nơi đương sự cư trú hoặc nơi đương sự công tác; lối sống và thực tế sinh hoạt của các đương sự trong thời gian mâu thuẫn … Với thực tế mâu thuẫn đó thì tình trạng hôn nhân có thể cải thiện, khắc phục, tình cảm có thể hàn gắn được hay không…

Trên thực tế xác định mức độ mâu thuẫn vợ chồng trong một số vụ án xin ly hôn rất khó khăn khi mâu thuẫn không bộc lộ ra bên ngoài, không xảy ra to tiếng ở nơi cư trú (nhất là trong những vụ mà đương sự là người có học vấn cao, giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước) nên KSV phải tổng hợp các tình tiết, sự kiện liên quan để đánh giá một cách toàn diện khi đề nghị có chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu ly hôn.

Cần chú ý nguyên nhân của mâu thuẫn vợ chồng là căn cứ đề nghị chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu ly hôn của đương sự. Nhiều trường hợp mâu thuẫn vợ chồng do một bên và họ không thiện chí chung sống, không khắc phục mâu thuẫn dẫn đến tình trạng hôn nhân trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài. Để ổn định cuộc sống gia đình, đảm bảo môi trường tích cực cho con chung cũng như trật tự xã hội thì việc cho ly hôn là cần thiết. Trường hợp người vợ hoặc người chồng (bên còn lại) cố níu kéo, không muốn ly hôn thì cần xem xét lý do, đánh giá mục đích của họ có thể đảm bảo/ không đảm bảo cho cuộc sống chung hòa thuận, hạnh phúc.

* Đối với việc yêu cầu ly hôn nhưng không có đăng ký kết hôn

Trong trường hợp này thì cần xác định thời điểm họ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn để đề nghị áp dụng pháp luật cho phù hợp, từ đó liên quan đến chế định phân chia tài sản đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Cụ thể áp dụng Luật ở các thời điểm có tranh chấp: Luật HNGĐ năm 1959; Luật HNGĐ năm 1985; Luật HNGĐ năm 2000 (văn bản hướng dẫn Nghị quyết 35/2000/QH10, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000của HĐTP Tòa án NDTC); Luật HNGĐ năm 2014 để giải quyết việc ly hôn hay không công nhận vợ chồng hoặc hủy hôn nhân trái pháp luật.

2.2. Xác định người trực tiếp nuôi con sau ly hôn: Trường hợp các đương sự có thỏa thuận về việc nuôi con và chu cấp nuôi con sau ly hôn thì chấp nhận sự thỏa thuận đó. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét thỏa thuận đó có phù hợp không, người trực tiếp nuôi con có điều kiện chăm sóc con hay không và ý kiến của con (từ đủ 7 tuổi trở lên) để quyết định việc giao con cho họ trực tiếp nuôi dưỡng.

Những điểm cần chú ý khi đề nghị người trực tiếp nuôi con:

Về thu nhập của đương sự có đảm bảo ổn định cho việc nuôi con;

– Về môi trường liên quan đến giáo dục và phát triển tâm sinh lý của con chung;

– Về điều kiện nơi ở có đảm bảo và thuận lợi với nơi học tập của con chung; Điều kiện chăm sóc con như công việc phải thường xuyên đi công tác xa nhà, việc trợ giúp của người thân (bố mẹ, người thân trong gia đình) trong việc nuôi dạy con chung.

– Giới tính và độ tuổi của con chung: Theo quy định thì con dưới 36 tháng tuổi thì giao cho mẹ nuôi nhưng cũng phải đảm bảo điều kiện chăm sóc con của người mẹ. Trường hợp con chung từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét đến nguyện vọng của cháu bé thể hiện bằng văn bản. Chú ý đến điều kiện khi trẻ đưa ra nguyện vọng cần loại trừ đến sự tác động của các đương sự đối với cháu bé.

– Người trực tiếp chăm sóc con trong thời gian gần nhất trước khi khởi kiện ly hôn tại Tòa.

– Nhận xét của giáo viên, nhà trường nơi cháu đang học (nếu có).

Tóm lại: Khi đề nghị giao cháu bé cho ai trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng phải là đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho cháu bé có điều kiện phát triển tốt hơn.

Đối với những vụ đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng cần đánh giá những tiêu chí trên, kèm theo về lý do đề nghị thay đổi của đương sự (có sự cản trở trong việc thăm nuôi của bên kia không).

2.3. Tranh chấp về tài sản chung.

Đây là một vấn đề khó trong giải quyết án ly hôn. Thực chất chính là giải quyết vụ án dân sự trong vụ án xin ly hôn. Nội dung quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng tài sản tranh chấp là gì. Có là tài sản chung của vợ chồng hay không. Trên cơ sở đó mới đề nghị phân chia chia cho đúng pháp luật và phù hợp với thực tế nhu cầu về tài sản.

Xác định tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng cần xem xét về nguồn gốc và thời điểm phát sinh tài sản. Trong đó căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất theo quy định của Điều 34 Luật HNGĐ và Điều 212, 213 BLDS.

Lưu ý: Theo quy đinh của  luật HNGĐ năm 1959  tài sản có trước, trong và sau khi kết hôn đều được coi là tài sản chung của vợ chồng.Việc chia tài sản chung vợ chồng được quy định tại Điều 29 đến Điều 64 Luật HNGĐ. Về nguyên tắc thì tài sản chung vợ chồng được chia đôi nhưng cũng phải tính đến các yếu tố sau đây:

– Hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng;

– Nguồn gốc hình thành tài sản;

– Công sức đóng góp của vợ, chồng trong việc hình thành, tôn tạo, duy trì và phát triển tài sản (chú ý lao động của vợ, chồng trong công việc gia đình được coi là lao động có thu nhập);

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ chồng;

– Lợi ích chính đáng của mỗi bên trong lao động, kinh doanh, nghề nghiệp để các bên tiếp tục lao động, sản xuất.

Kiểm sát viên cần phân tích rõ các tài liệu chứng cứ mà các bên đưa ra để chứng minh tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Trong thực tiễn thường hay tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở, nhất là khi vợ chồng ở chung với gia đình bố mẹ vợ, chồng. Sau khi đã xác định tài sản chung vợ chồng thì phải tính ra giá trị cụ thể là bao nhiêu tiền đề chia cho mỗi bên (căn cứ tính án phí), còn việc chia cụ thể bằng hiện vậy hay bằng giá trị (hưởng bằng tiền, bên hưởng bằng hiện vật phải thanh toán cho bên kia bằng tiền) tùy thuộc vào nhu cầu và đòi hỏi thực tế.

Luật HNGĐ 2014 có một số quy định mới so với luật HNGĐ của những năm trước đây như thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng tại điều 47, khi giải quyết tranh chấp cần bám sát các thỏa thuận đó và đối chiếu với các quy định của  luật, các văn bản dưới luật như Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 thỏa thuận đó có bị vô hiệu (toàn bộ hay một phần) hay không, mặt khác cũng cần để xem quá trình chung sống của họ các tài sản đó có phát sinh, thay đổi như thế nào để giải quyết cho phù hợp.

– Nghĩa vụ, công nợ chung hoặc có quyền lợi đối với người thứ ba:

Trường hợp xác định vợ chồng có nghĩa vụ dân sự đối với người thứ ba (thường là nghĩa vụ trả nợ tiền vay, trách nhiệm bồi thường dân sự, nghĩa vụ phát sinh từ việc thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba) hoặc có quyền lợi đối với người thứ ba (như đang cho họ vay tiền, thuê tài sản…) thì cần phải đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây là yêu cầu bắt buộc về tố tụng và xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên vợ, chồng đối với người thứ ba cũng như quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba đối với vợ chồng. Chú ý trường hợp người thứ ba không có đơn  cầu độc lập để giải quyết trong cùng vụ án nhưng để đảm bảo lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của các bên đương sự sau khi họ ly hôn thì Tòa án vẫn phải đề cập đến vấn đề này trong khi giải quyết trong vụ án.

              Như vậy, có thể thấy, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là một trong những chức năng quan trọng của Ngành, đây là một trong những lĩnh vực công tác khó khăn và nhạy cảm do đó, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên phải không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự nói chung và nâng cao chất lượng bài phát biểu của KSV tại phiên tòa nói riêng không những góp phần đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, giữ vững được kỷ cương mà còn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, nhân dân đồng thời còn góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Ngành Kiểm sát, hình ảnh của người cán bộ, Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Hoàng Mỹ Hạnh -VKSND huyện Vân Đồn

Tin tức mới nhất