CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Đề án “Hoàn thiện hệ thống Pháp Luật về sở hữu đối với các loại tài sản mới như Trí tuệ, Cổ phiếu, Trái phiếu, Tài nguyên nước, Khoáng sản”

 

Những vấn đề chung của pháp luật về quyền sở hữu tài sản 1. Khái niệm quyền sở hữu Ở bất kỳ hình thái kinh tế – xã hội nào thì quan hệ kinh tế (quan hệ sản xuất) vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo, quyết định tính chất, nội dung, phương hướng phát triển của các quan hệ xã hội còn lại khác. Theo quan niệm truyền thống thì, quan hệ kinh tế có ba bộ phận cơ bản đó là: quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối. Trong đó, quan hệ sở hữu có vai trò đặc biệt quan trọng, nó quyết định tính chất và nội dung của các quan hệ khác. Suy cho cùng, quan hệ sở hữu là quan hệ có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế của bất cứ một quốc gia nào. Chính vì vậy mà vấn đề sở hữu luôn được ghi nhận trang trọng trong Hiến pháp, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của bất kỳ nhà nước nào. Việc xác định quan hệ sở hữu một cách đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ kinh tế (nhất là quan hệ trao đổi hàng hoá) phát triển, nếu ngược lại, sẽ kìm hãm sự phát triển của các quan hệ kinh tế và kéo theo đó là sự trì trệ của các quan hệ xã hội khác. Điều này đã được thực tế chứng minh rất rõ ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước đây, trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước ta chỉ công nhận hai hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu toàn dân (sở hữu nhà nước) và sở hữu tập thể đối với tư liệu sản xuất. Các quy định này về sở hữu đã phát huy hiệu quả nhất định trong thời kỳ đất nước có chiến tranh. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì quan điểm này sau khi chiến tranh kết thúc đã làm cho đời sống kinh tế – xã hội của đất nước gặp không ít khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự tách rời quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất của người lao động ra khỏi họ. Sự “vô chủ” này làm cho người lao động ít quan tâm đến năng suất, không hăng hái nhiệt tình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không gắn bó với hợp tác xã, xí nghiệp nơi mình đang làm việc. Hậu quả là, sản xuất bị đình trệ, đời sống vật chất, tinh thần của đa số người lao động rơi vào tình cảnh khốn khó, nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong điều kiện đó, Chỉ thị số 100 (năm 1981) và Nghị quyết 10 (năm 1988) của Đảng về khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động và đổi mới quản lý nông nghiệp đã phát huy tác dụng, làm cho nước ta từ một quốc gia thiếu ăn, đói kém triền miên trở thành quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu cao trên thế giới. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của vấn đề sở hữu, đó là sự ảnh hưởng và tác động rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, Đảng ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về mặt nhận thức. Những chuyển biến về mặt nhận thức đó đã được chứng minh bằng những thay đổi về chủ trương, quan điểm chỉ đạo về thực hành cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã cụ thể hóa chủ trương, quan điểm về vấn đề này, đó là quyết định chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra một bước đột phá quan trọng về tư duy quản lý, vận hành nền kinh tế. Hơn 20 năm qua, sự chuyển đổi này đã tạo tiền đề cho nhiều thành tựu to lớn trong đời sống kinh tế của đất nước, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển về nhiều mặt cho toàn xã hội. Tuy nhiên, song song với sự chuyển biến theo hướng tích cực, qua thực tiễn quản lý kinh tế, thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng đặt ra nhiều vấn đề lý luận mới và rất phức tạp. Với sự nhạy bén về nhận thức, không ít vấn đề phức tạp đã và đang được Đảng, nhà nước ta quan tâm giải quyết. Song, thực tế trước mắt và lâu dài vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tiếp tục xem xét, giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chế độ sở hữu, hình thức sở hữu, mà hiện nay đang đòi hỏi phải được xem xét kịp thời, thỏa đáng để sớm có lời giải đáp.

Tin tức mới nhất