CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Chú trọng thẩm định tại chỗ – giải pháp giảm hủy án về tranh chấp đất đai trong tố tụng dân sự


Chú trọng thẩm định tại chỗ – giải pháp giảm hủy án về tranh chấp đất đai trong tố tụng dân sự

Năm 2018, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, toàn ngành kiểm sát đã xác định nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã triển khai chỉ đạo của cấp trên thành những kế hoạch cụ thể để các đơn vị thực hiện. Trong đó, Ban cán sự đã giao nhiệm vụ cho các phòng nghiệp vụ đề ra các giải pháp đổi mới  để tạo ra bước đột phá trong từng khâu công tác.

Trước những yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phòng 9 và 10 thuộc Chi bộ 9 (Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh) phải luôn cố gắng tìm tòi để đổi mới phương pháp nghiệp vụ, nhằm tạo được hiệu quả cao nhất. Thực tiễn hiện nay, số lượng các vụ án tranh chấp dân sự liên quan đất đai có luôn có chiều hướng gia tăng với tính chất phức tạp. Nhiều vụ án phải kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử để Toà án thu thập chứng cứ, có vụ án phải xét xử qua nhiều cấp, nhiều lần do Tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Theo số liệu thống kê ba năm gần đây (từ 2015 đến 2017) thì số vụ án liên quan đến đất đai bị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm chiếm tỷ lệ lớn (28/33 vụ), nhưng số vụ án bị hủy vì vi phạm trình tự thẩm định lại chiếm một nửa (14/28 vụ = 50%). Phân tích các vụ việc bị Tòa án cấp trên tuyên hủy bản án sơ thẩm, thấy hầu hết nguyên nhân đều do Thẩm phán cấp huyện không chú trọng trong việc xem xét thẩm định tại chỗ. Nắm bắt được những tồn tại này, Ban chi ủy Chi bộ 9 đã giao cho Phòng 9 nghiên cứu, tham mưu sáng kiến Chú trọng về thẩm định tại chỗ – giải pháp giảm hủy án đất đai trong tố tụng dân sự, để giúp cho các Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát án dân sự tăng cường kỹ năng, kịp thời yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ, nhằm hạn chế thấp nhất án hủy, phục vụ tốt nhất cho công tác thực hiện quyền yêu cầu và quyền kháng nghị của ngành kiểm sát. 

Như chúng ta đã biết, xem xét thẩm định tại chỗ là một trong những biện pháp xác minh thu thập chứng cứ do Tòa án thực hiện, có sự tham gia chứng kiến của đại diện UBND hoặc Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức quản lý và đương sự, nhằm giúp cho cơ quan tố tụng xác định chính xác diện tích, hình thể thửa đất có tranh chấp, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Để tạo sự chủ động cho Thẩm phán trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ, Khoản 1, Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, khắc phục những bất cập, vướng mắc của đạo luật trước đó, trao cho Thẩm phán quyền chủ động xem xét, thẩm định tại chỗ khi xét thấy cần thiết.

Điều đáng lưu ý mỗi khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đất có tranh chấp, Thẩm phán phải xác minh làm rõ được nguồn gốc đất tranh chấp được hình thành từ thời điểm nào và trong điều kiện hoàn cảnh nào, làm cơ sở để chấp nhận hay bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. Muốn vậy, khi thẩm định tại chỗ Thẩm phán cần phải có các thao tác như:

Xác định hiện trạng sử dụng đất do ai đang quản lý;

Vị trí, kích thước, hình thể thửa đất tranh chấp (mô tả tứ cận)

Tình trạng thửa đất (đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, đã đăng ký địa chính hay chưa, trên đất tranh chấp có những tài sản gì, nếu là tranh chấp nhà gắn liền với đất thì xác định cụ thể các tài sản gắn liền với nhà, việc đầu tư cơi nới, sửa chữa so với ban đầu, nguồn gốc hình thành những tài sản này, để làm cơ sở chấp nhận hay không chấp nhận đơn khởi kiện.

Tuy nhiên ở hầu hết một số Toà án, các Thẩm phán thường không chú trọng đến những vấn đề này nên kết quả thẩm định tại chỗ thường bộc lộ nhiều thiếu sót nhất. Qua công tác thống kê, phân tích số liệu cùng với xem xét toàn bộ các vụ án đã xét xử bị cấp phúc thẩm hủy án, thấy nổi lên một số vi phạm như:

Tòa án sơ thẩm không tiến hành thẩm định do sẵn có ý định bác đơn khởi kiện, dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy bản án vì không khắc phục được vi phạm.

Có thẩm định nhưng không so sánh số liệu đo đạc địa chính do cơ quan có thẩm quyền quản lý, nên khó thi hành án sau này.

Thẩm định không chi tiết, không phản ánh đầy đủ thực trạng đất đang được sử dụng. Khi thi hành án đã phát sinh tài sản trên đất thuộc sở hữu của người khác chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu.

Số liệu thẩm định không đúng với số liệu đo đạc thực tế nên không thể thi hành khi bản án.

Việc thẩm định gắn liền với chia tách thửa đất nhưng không tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn, dẫn đến khi bản án có hiệu lực vẫn không thể thi hành được, do việc chia tách thửa đất không đảm bảo điều kiện pháp luật quy định.

Nhận dạng tốt các dạng vi phạm như trên, tùy từng tính chất vụ việc tranh chấp, ở từng thời điểm, các cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ kiểm sát án dân sự cần chú trọng phối hợp thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị như sau:

Thứ nhất, giai đoạn trước và trong khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm cần chú ý:

– Yêu cầu Tòa án sơ thẩm tiến hành thẩm định nếu Tòa án chưa thực hiện.

– Trường hợp đã thẩm định tại chỗ, cần đối chiếu nội dung đương sự khởi kiện với diện tích đất tranh chấp được xác định trong biên bản thẩm định, đảm bảo phải có sự thống nhất.

– Kiểm tra toàn bộ Biên bản thẩm định có đối chiếu với chứng cứ khác, đảm bảo phải có sự thống nhất giữa nội dung thẩm định với những tài liệu chứng cứ khác. Nếu không rõ hoặc không thống nhất cần yêu cầu Tòa án tiếp tục xác minh thu thập chứng cứ (trường hợp cần thiết có thể đề nghị ngừng phiên tòa).

  Ý nghĩa: Việc yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong thẩm định sẽ giúp cho Tòa án tránh lặp lại những thiếu sót, kịp thời bổ sung những vấn đề còn thiếu, tránh được nguy cơ án bị hủy sau này.

Thứ hai,  giai đoạn sau khi Tòa tuyên án và kiểm sát bản án, cần chú ý sau (đối với Kiểm sát viên thuộc hai cấp kiểm sát):

Một là: Trước hết, cần đọc toàn diện nội dung bản án tranh chấp liên quan đến đất đai để nắm vững nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người tham gia tố tụng, quan điểm chấp nhận hay không chấp nhận đơn khởi kiện.

Hai là: Thu thập đầy đủ các thủ tục, tài liệu liên quan đến việc thẩm định để xem xét tính hợp pháp của chứng cứ.

Đối với Viện kiểm sát tỉnh, do không có hồ sơ nên cán bộ nghiên cứu cần trao đổi với Kiểm sát viên cấp huyện nhanh chóng sao chụp kết quả này gửi vào hòm thư điện tử, để Phòng nghiệp vụ cùng nghiên cứu, đối chiếu và so sánh. Trường hợp đất tranh chấp đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có các Hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp …thì cũng phải thu thập đầy đủ để nghiên cứu.

Ba là: Tập trung nghiên cứu tỷ mỷ về trình tự, thủ tục thẩm định, đối chiếu giữa nội dung Biên bản thẩm định với nội dung bản án nhận định và quyết định, đối chiếu với sơ đồ kèm theo (nếu có) để tìm ra những bất cập, những vi phạm trong bản án, cần tập trung làm rõ những nội dung sau:

– Kết quả thẩm định có được coi là nguồn chứng cứ để bác bỏ hay chấp nhận đơn khởi kiện không. Muốn vậy, cần phải kiểm tra về thành phần tiến hành, quyền tham gia của đương sự, nội dung biên bản thẩm định với sơ đồ hiện trường phải phù hợp với nhau và phản ánh đúng hiện trạng đất tranh chấp, phù hợp với các tài liệu thu thập khác trong hồ sơ. Trong mọi trường hợp, khi sử dụng kết quả thẩm định, Kiểm sát viên phải xác định được đất tranh chấp được hình thành trong điều kiện hoàn cảnh nào, do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hay được công nhận quyền sử dụng đất; nếu đất do người sử dụng khai hoang, lấn chiếm thì phải xem xét đối chiếu với quy định của Luật đất đai qua từng thời kỳ để xem xét có đủ điều kiện được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hay không…để làm cơ sở xác lập quyền sở hữu hợp pháp cho đương sự. Đồng thời phải xem xét kết quả thẩm định làm rõ trên đất có tài sản gì, của ai, do ai tạo dựng, để làm cơ sở cho việc xác lập, hay chấm dứt một quan hệ sở hữu.

– Nếu kết quả thẩm định không đủ điều kiện để xác định là chứng cứ thì việc Toà án căn cứ vào kết quả này để giao đất cho một bên đương sự là vi phạm tố tụng, cần phải kháng nghị phúc thẩm.

– Nếu kết quả thẩm định, định giá đủ điều kiện xác định là chứng cứ thì phải xem xét, đối chiếu bản án đã phù hợp với kết quả này hay chưa? Về nguyên tắc bản án tuyên phải căn cứ vào kết quả thẩm định, định giá đúng quy định của pháp luật, các số liệu trong Biên bản cũng phải trùng khớp với số liệu trong thẩm định, định giá. Nếu chỉ 1 số liệu không chính xác sẽ dẫn đến nội dung án tuyên không chính xác, nên cần phải kháng nghị đối với bản án này.

– Qua nghiên cứu kết quả thẩm định, Kiểm sát viên cần xem xét đến khả năng thi hành của bản án trên thực tế. Nếu trên đất có tài sản thì cần nghiên cứu để xác định: Quyền sở hữu tài sản này thuộc về ai, do ai đang quản lý, giá trị tài sản này bao nhiêu, nằm vị trí nào trên đất có tranh chấp. Từ đó, bản án sơ thẩm phải giải quyết triệt để để bản án có khả năng thi hành, tránh tình trạng đất giao cho một bên nhưng tài sản trên đất vẫn thuộc quyền sở hữu của một hoặc nhiều người khác, nên bản án không thể thi hành được khi án phát sinh hiệu lực pháp luật.

Có thể khẳng định rằng những giải pháp trên rất hữu ích, rất sát thực với hoạt động kiểm sát án dân sự và trên thực tế đã đem lại hiệu quả nổi bật. Vào thời điểm này, khi mà toàn ngành kiểm sát đang “tăng tốc” để chạy đua thời gian, chuẩn bị cho công tác tổng kết công tác năm 2018 để đánh giá những việc đã làm, rút kinh nghiệm những vấn đề còn phải phấn đấu trong  năm công tác tiếp theo. Nhìn lại chặng đường đã qua được ghi dấu bằng những sự đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ, về chuyên môn nghiệp vụ của Ban cán sự Đảng và Chi bộ 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, hoạt động kiểm sát án dân sự đã đạt được nhiều kỳ vọng đáng kể, đó là: Toàn tỉnh đã ban hành 49 văn bản yêu cầu thu thập chứng cứ đối với các vụ án liên quan đến đất đai (tăng 46 văn bản = 93% so với cùng kỳ này năm ngoái). Cũng rất vui mừng khi đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa có vụ án nào có liên quan đến thẩm định bị cấp phúc thẩm hủy bản án, chỉ có 2 vụ án thụ lý từ trước (năm 2017) bị hủy do thẩm định, giảm 8 vụ so với cùng lý này năm 2017 là 10 vụ (giảm 80% ). Nguyên nhân do Viện kiểm sát hai cấp đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề thẩm định, kịp thời đề ra yêu cầu thu thập chứng cứ ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Từ đó Tòa án hai cấp đã nhanh chóng khắc phục thiếu sót, tuyên án có căn cứ pháp luật, làm hạn chế đến mức thấp nhất số lượng án hủy vì lý do trình tự thẩm định có vi phạm.

Tóm lại: Công tác kiểm sát án dân sự, hôn nhân và gia đình luôn luôn là một trong những khâu công tác quan trọng của ngành kiểm sát; đặc biệt hơn, năm 2018 là năm mà Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lựa chọn đây là khâu “đột phá” của ngành, đòi hỏi toàn ngành kiểm sát cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm sát án dân sự. Và trên mỗi bước đường đổi mới, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng sẽ luôn là những kim chỉ nam định hướng cho mọi hoạt động của ngành kiểm sát nói chung và công tác kiểm sát án dân sự nói riêng. Tác giả bài viết này mong muốn bày tỏ sự biết ơn đến tập thể Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh – đặc biệt là Ban chi ủy Chi bộ 9, đã luôn là người chèo lái con thuyền kiểm sát trong hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mong rằng Chú trọng thẩm định tại chỗ – giải pháp giảm hủy  án đất đai  trong tố tụng dân sự sẽ là một kênh thông tin hướng tới các cán bộ, đảng viên viên đang làm công tác này, giúp các đồng chí nhận thức được tầm quan trọng của công tác thẩm định để ứng dụng trong thực tiễn, nhằm tăng cường các quyền yêu cầu, quyền kháng nghị và giảm thiếu thấp nhất các vụ án bị hủy, sửa đang có chiều hướng gia tăng trên toàn quốc trong giai đoạn hiện nay. 

Nguyễn Thị Thu Hoà

                                 Chi bộ 9, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Tin tức mới nhất