CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Bất cập trong việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp XLHC “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”

Hiện nay, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” đối với người nghiện ma túy đang được thực hiện theo các quy định của pháp luật ngày càng chặt chẽ, hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về biện pháp xử lý hành chính nêu trên tại địa phương thành phố Uông Bí thấy còn trường hợp bất cập trong việc giao quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tại các Điều 44, 45 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện chất ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định:

Điều 44. Đối tượng quản lý

  1. Người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị áp dụng biện pháp quản lý bằng một trong hai hình thức quy định tại Điều 45 Nghị định này.
  2. Thời hạn quản lý được tính từ thời điểm lập hồ sơ cho đến thời điểm người có thẩm quyền đưa đối tượng đi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án.
  3. Thời gian quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội đối với đối tượng theo quy định tại Khoản 1 Điều này được trừ vào thời hạn cai nghiện bắt buộc.

Điều 45. Hình thức quản lý

  1. Quản lý tại gia đình được áp dụng đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em ruột từ đủ 18 tuổi trở lên) đồng ý quản lý, đại diện gia đình xác nhận bằng văn bản theo Mẫu số 35 Phụ lục IINghị định này.
  2. Quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở quản lý) được áp dụng đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em ruột từ đủ 18 tuổi trở lên) không đồng ý quản lý, đại diện gia đình xác nhận bằng văn bản theo Mẫu số 35 Phụ lục IINghị định này.”

Tại địa phương xuất hiện tình trạng như sau: Người nghiện có nơi cư trú ổn định, gia đình chỉ có bố mẹ. Tuy nhiên bố mẹ đều đã chết hoặc có bố (mẹ) đã chết, người còn sống đi làm ăn xa/ đi chấp hành án/ đi xuất khẩu lao động… không có điều kiện quản lý người nghiện. Cơ quan lập hồ sơ đề nghị không thể lấy được ý kiến của bố (mẹ) còn sống về việc có đồng ý hay không đồng ý quản lý người nghiện hoặc không có điều kiện để quản lý người nghiện. Trong trường hợp này sẽ xử lý ra sao?

Đơn vị đang có 02 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan lập hồ sơ đề nghị bắt buộc phải xác minh về tình trạng của bố (mẹ) của người nghiện (trường hợp họ còn ở Việt Nam) và phải lập biên bản xác nhận về việc họ không đồng ý/ không có điều kiện để quản lý người nghiện, đề nghị đưa người nghiện vào cơ sở quản lý. Tuy nhiên quan điểm này hiện đang vướng vào hạn chế khi trường hợp người thân đang ở quá xa trong khi thời gian lập hồ sơ đề nghị ngắn, cơ quan lập hồ sơ không đủ thời gian xác minh làm rõ quan điểm của họ.

Quan điểm thứ hai: Cơ quan lập hồ sơ phải thu thập tài liệu, xác minh làm rõ lí do bố (mẹ) người nghiện đang không có mặt tại địa phương. Trên cơ sở đó giao một trong những người thân thích khác của người nghiện (không phải bố, mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em ruột từ đủ 18 tuổi trở lên) quản lý họ và người người thân thích đồng ý nhận quản lý. Trường hợp không có người thân thích nhận quản lý thì đưa người nghiện vào cơ sở quản lý. Tuy nhiên trường hợp này lại trái với  quy định tại khoản 1 Điều 45 Nghị định số 116/2021 về việc gia đình chỉ bao gồm bố, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột từ đủ 18 tuổi trở lên.

Về khái niệm “người thân thích” tại quan điểm thứ hai được hiểu theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Đơn vị đồng tình với quan điểm thứ hai bởi việc quy định thành phần gia đình để quản lý người nghiện quá bó hẹp như trong quy định tại Điều 45 Nghị định số 116/2021 hiện hành gây khó khăn cho việc quản lý người nghiện. Hơn nữa nếu người thân gia đình không đồng ý hoặc không đủ điều kiện (về thời gian, sức khoẻ…) nhận quản lý thì vẫn có thể bàn giao họ cho cơ sở quản lý.

Bất cập nêu trên làm xảy ra tình trạng tại địa phương khi việc quản lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, việc quản lý không chặt chẽ, trường hợp người nghiện không có gia đình quản lý và không thể đưa vào cơ sở quản lý có thể dẫn đến khó khăn khi đã có quyết định hành chính nhưng lại không tìm được người nghiện để đưa họ đi thi hành quyết định hành chính.

Trên đây là quan điểm cũng như vướng mắc trong quá trình nghiên cứu pháp luật của đồng tác giả, rất mong nhận được những ý kiến góp ý, giải đáp từ quý đồng nghiệp./.

Bộ phận kiểm sát dân sự – hành chính,

 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí

Tin tức mới nhất

Để lại một bình luận