CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Bàn về quyền yêu cầu hoãn phiên tòa của bị cáo tại phiên tòa


Bàn về quyền yêu cầu hoãn phiên tòa của bị cáo tại phiên tòa

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) là một bước tiến lớn trong lịch sử lập pháp nước CHXHCN Việt Nam. Bộ luật đã luật hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về việc đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn có một số vướng mắc, bất cập. Bài viết này, tác giả đề cập và so sánh quyền yêu cầu hoãn phiên tòa của Bị cáo trong trường hợp chưa được nhận bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, giữa BLTTHS năm 2015 và BLTTHS năm 2003.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 là một bước tiến lớn trong lịch sử lập pháp nước CHXHCN Việt Nam. Bộ luật đã luật hóa một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về việc đảm bảo quyền con người. Điều đó thể hiện rất rõ trong các quy định về người bào chữa, điều kiện tạm giữ, tạm giam…

Mặc dù vậy, trong quá trình áp dụng BLTTHS năm 2015 trong thực tiễn xét xử thấy còn có một số vướng mắc, bất cập. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập và so sánh quyền yêu cầu hoãn phiên tòa của Bị cáo trong trường hợp chưa được nhận bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, giữa BLTTHS năm 2015 và BLTTHS năm 2003.

BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 đều quy định bị cáo có quyền được nhận bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, cụ thể: Tại Điều 166 BLTTHS năm 2003 và Điều 240 BLTTHS năm 2015 đều quy định: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra Cáo trạng, Viện kiểm sát phải giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can…”. Điều 182 BLTTHS năm 2003 và Điều 286 BLTTHS năm 2015 đều quy định: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa…”.

Như vậy, cả BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 đều quy định bị cáo có quyền được nhận bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn luật định, nhưng trong trường hợp họ không được giao nhận Cáo trạng hoặc nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử không đảm bảo thời hạn quy định thì hậu quả pháp lý của vấn đề này ở hai BLTTHS năm 2003 và năm 2015 là khác nhau. Tôi xin phân tích cụ thể như sau:

Phần thủ tục bắt đầu phiên tòa theo BLTTHS năm 2003 quy định tại Chương XIX gồm các Điều từ điều 201 đến 205. Điều 201 quy định: “…Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 182 của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.

Rõ ràng quy định như trên thì hậu quả pháp lý của việc bị cáo chưa được giao nhận Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn là việc hoãn phiên tòa, đồng nghĩa với việc quyền yêu cầu hoãn phiên tòa của bị cáo được đảm bảo.

Trong khi đó, BLTTHS năm 2015 quy định thủ tục bắt đầu phiên tòa tại mục IV chương XXI gồm các Điều từ Điều 300 đến Điều 305 thì hoàn toàn không đề cập đến việc Chủ tọa phiên tòa phải tiến hành hỏi để kiểm tra bị cáo đã nhận được Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thời hạn hay không. Như vậy đã vô hình chung tước bỏ quyền yêu cầu hoãn phiên tòa của bị cáo trong trường hợp họ chưa được giao nhận Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thời hạn luật định.

Để xem xét một cách toàn diện, chúng ta tiếp tục đối chiếu đến quy định về hoãn phiên tòa của BLTTHS năm 2015.

Điều 297 BLTHS năm 2015 quy định: “1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này; b) Cần phải xác minh thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; d)Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản…”. Đối chiếu các căn cứ nêu trên thì hoàn toàn không có quy định căn cứ hoãn phiên tòa khi Bị cáo chưa được giao nhận Cáo trạng hoặc Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thời hạn luật định.

Như vậy, mặc dù BLTTHS năm 2015 có quy định bị can, bị cáo có quyền được giao nhận bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn, nhưng lại không quy định quyền yêu cầu hoãn phiên tòa khi mà họ chưa được giao nhận Cáo trạng hoặc Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thời hạn luật định.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của Bị cáo, chúng tôi đề nghị sửa đổi bổ sung Điều 301 BLTTHS 2015 theo hướng quy định như Điều 201 BLTTHS năm 2003, đó là: “3. …Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 60 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 286 của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.

                                    

                                                          Nguyễn Đức Thành

                                              VKSND huyện Ba Chẽ, tỉnh QN

Tin tức mới nhất