CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Bàn về một số vướng mắc tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo BLHS 2015 và Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP

 

Theo Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” như sau:

1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với người dưới 16 tuổi;

d) Đối với 02 người trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong bài viết này, tập trung nghiên cứu, phân tích dấu hiệu pháp lý đặc trưng về mặt khách quan của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy:

Theo khoản 1 Điều 256 BLHS 1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”, dấu hiệu về mặt khách quan bao gồm các hành vi:

a) Có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm).

Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.

b) Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Trên tinh thần hướng dẫn tại Mục 7 Phần II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 3 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì “có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” được hiểu là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, tình tiết này theo quy định của BLHS 2015 đến nay chưa có hướng dẫn mới. Thông tư số 17/2007 và Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP là các văn bản quy phạm pháp pháp luật, hướng dẫn chi tiết việc áp dụng một số điều của BLHS năm 1999 (đã hết hiệu lực) nên khi áp dụng pháp luật, các cơ quan tố tụng chỉ áp dụng theo tinh thần của các văn bản trên, bởi lẽ theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”, tức là BLHS năm 1999 hết hiệu lực thì các văn bản này không còn hiệu lực.

Chính vì vậy, dẫn đến cách áp dụng khác nhau đối với các tình tiết định tội, định khung hình phạt về tình tiết “có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” này trong việc giải quyết vụ án liên quan đến tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

– Quan điểm thứ nhất: Áp dụng theo tinh thần hướng dẫn tại tiết 7.2 mục 7, phần II  Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT- BCA- VKSNDTC- TANDTC- BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 (Thông tư số 17/2007) hướng dẫn “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” thì mới bị khởi tố về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 256 BLHS năm 2015 (yếu tố định tội), bởi lẽ:

– Thông thường, khi ra quyết định khởi tố bị can đối với người phạm tội, trước hết phải xác định hành vi của người nào đó có phạm tội không, nếu có thì phạm tội gì, nghĩa là phải định tội danh đối với hành vi đã thực hiện (tình tiết định tội)[1]. Sau đó, xác định xem hành vi phạm tội đó thuộc khung hình phạt nào (tình tiết định khung)[2], rồi mới xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Dựa trên nguyên tắc lý luận trên, trong trường hợp này người phạm tội biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy thì người phạm tội phải có hành vi đảm bảo đầy đủ các điều kiện này mới thỏa mãn về mặt khách quan của tội Chứa chấp việc sử dụng chất ma túy. Vì vậy, các hành vi trên được dùng làm tình tiết định tội thì không xét đến áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” và “phạm tội 02 lần trở lên” để làm tình tiết định khung hình phạt.

– Theo khoản 1 Điều 256 BLHS 1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Tại điều luật đã liệt kê 02 nhóm hành vi phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có thể thực hiện bằng hành động (cho thuê, cho mượn địa điểm), hoặc không hành động (có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy). Cụ thể:

Hành vi cho thuê và cho mượn địa điểm để người khác trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy có thể nhận thấy người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra (lỗi cố ý trực tiếp).

Đối với người phạm tội có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không có mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, xác định đây (lỗi cố ý gián tiếp).

Có thể thấy trên tinh thần của Thông tư hướng dẫn đã có sự phân hóa rõ ràng giữa lỗi cố ý trực tiếp (hành vi cho thuê, cho mượn) và lỗi cố ý gián tiếp (hành vi khác). Hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy tính chất mức độ về hành vi phạm tội nguy hiểm hơn so với hành vi khác. Vì vậy, người phạm tội phải để mặc cho những người sử dụng ma túy tại nơi ở hoặc nơi mà đối tượng quản lý hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy, thì mới thể hiện rõ tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi này.

Quan điểm thứ hai:

Hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy hai lần trở lên hoặc cho nhiều người, đều phải chịu TNHS theo khoản 2 Điều 256 BLHS với tình tiết phạm tội 02 lần trở lên và đối với 02 người trở lên mà không cần phụ thuộc vào tình tiết “có bất kỳ hành vi nào khác” được quy định nêu trên, điều đó gây bất lợi cho người phạm tội.

Theo hướng dẫn tại tiết 2.3 và 2.4 mục 2 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2007 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 11 năm 2015) về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt lại quy định:

2.3. Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS năm 1999 được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt.

Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần.

2.4. Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197, 198 và 200 của BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội chứa chấp từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy).”

Theo như tinh thần quy định trên của Thông tư, người nào chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần hoặc trong một lần phạm tội chứa chấp từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là phạm tội đối với nhiều người. Vì vậy, tất cả các hành vi nêu trên đều phải chịu TNHS theo khoản 2 Điều 256 BLHS.

Từ những quan điểm phân tích như trên, thiết nghĩ để thống nhất nhận thức, áp dụng đối với các hành vi nào khác chứa chấp trái phép chất ma túy, cần có văn bản hướng dẫn về hành vi này và phải chăng có nên áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17 nêu trên hay không./.

 

                                                         Viện kiểm sát nhân dân huyện Đầm Hà


[1] Tình tiết định tội là các tình tiết thể hiện trong cấu thành tội phạm cơ bản để mô tả một tội phạm cụ thể.

[2] Tình tiết định khung được hiểu là tình tiết phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mức độ nguy hiểm này có thể cao hơn hoặc giảm đi và được quy định tại điều luật về một tội phạm cụ thể.

 

Tin tức mới nhất