CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Bàn về công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

Công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp Ngân sách Nhà nước cho người phải thi hành án vừa thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với các trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.

Các quy định của pháp luật về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 488 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 61, 62, 63 và 64 Luật  THADS sửa đổi bổ sung năm 2014; Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, TAND Tối cao, VKSND Tối cao “Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng pháp luật, do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ nên có sự nhận thức khác nhau trong việc thực hiện xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án theo khoản 2 và 3, Điều 61, Luật THADS.

Khoản 2 và 3, Điều 61, Luật Thi hành án dân sự quy định:

“2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
  2. b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
  3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:
  4. a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;
  5. b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng”.

Trên cơ sở quy định pháp luật khi miễn, giảm nghĩa vụ thì người phải thi hành án cần đủ các điều kiện sau:

  1. 1. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước, đây là điều kiện bắt buộc trong tất cả các trường hợp xét theo khoản 2 và 3, Điều 61, Luật THADS. Số tiền thi hành để đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án là “đã thi hành được ít nhất bằng một phần năm mươi khoản thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án” theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Thông tư Liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước”.
  2. 2. Cùng với giá trị của nghĩa vụ thi hành án còn lại để xác định nghĩa vụ thi hành án thuộc trường hợp được miễn hay giảm,
  3. 3. Điều kiện về mốc thời gian (hết thời hạn 05 năm hoặc hết thời hạn 10 năm) kể từ ngày ra quyết định thi hành án để xác định định mức nghĩa vụ thi hành án còn lại được giảm, được miễn.

Như vậy, theo quy định việc xét miễn, giảm căn cứ vào mốc thời gian (hết thời hạn 05 năm hoặc hết thời hạn 10 năm) kể từ ngày ra quyết định thi hành án, nhưng không quy định cụ thể mốc thời gian là bao lâu người phải thi hành đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước chỉ cần trong khoảng thời gian (05 năm hoặc 10 năm) người phải thi hành án thi hành một phần. Nên có trường hợp người phải thi hành án lợi dụng khoảng thời gian dài khi gần đến đợt xét miễn giảm mới thực hiện nộp một phần và cũng không loại trừ có sự tiếp tay của cán bộ, Chấp hành viên dẫn đến việc miễn giảm không đúng đối tượng thật sự, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước. Theo chúng tôi cần phải quy định thời gian xác minh điều kiện thi hành án từ 1 năm trở lên kể từ ngày thực hiện được nghĩa vụ một phần mới đủ điều kiện để xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án.

Để làm rõ thêm việc xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo khoản 2 và 3, Điều 61, Luật THADS chúng tôi có ví dụ như sau:

Trường hợp bà Nguyễn Thị M phải thi hành khoản thu nộp ngân sách nhà nước là 10.000.000đ, theo Quyết định thi hành án số 12 ngày 10/6/2013, đến ngày 15/5/2014, M thuộc diện chưa có điều kiện thi hành. Ngày 10/7/2023, M thi hành 200.000đ (đủ điều kiện thi hành được 1/50 khoản thu, nộp ngân sách nhà nước), đến ngày 15/7/2023, Chi cục thi hành án tiến hành xác minh rồi lập hồ sơ đề nghị miễn cho M nghĩa vụ còn lại là 9.800.000 đồng. Qua kiểm sát hồ sơ thấy rằng chỉ 5 ngày khi M thực hiện nghĩa vụ một phần đã thuộc đối tượng được miễn, vì M đã hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án và số tiền còn lại dưới 10.000.000 đồng, nên M đã được miễn hoàn toàn nghĩa vụ thi hành.

Trên đây là bất cập trong công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, mong được sự trao đổi góp ý của đồng nghiệp trong họat động nghiệp vụ.

                                                  Vũ Minh Đức và Bộ phận Thi hành án dân sự

                                                               VKSND thành phố Uông Bí

Tin tức mới nhất