CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Vận dụng tư tưởng HCM về đào tạo cán bộ tại Viện kiểm sát Hải Hà


Vận dụng tư tưởng HCM về đào tạo cán bộ tại Viện kiểm sát Hải Hà

Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Những giá trị tư tưởng của Người đối với Đảng, Nhà nước và dân tộc là di sản vô giá. Trong đó, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ giữ vai trò đặc biệt, mang đậm ý nghĩa đến tận ngày nay. Là kim chỉ nam để Ngành kiểm sát nói chung, VKSND huyện Hải Hà nói riêng vận dụng thực hiện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo người “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đấu tranh giành chính quyền và sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Lịch sử lý luận và thực tiễn đều cho thấy cách mạng muốn thành công cần phải có một đội ngũ cán bộ vững mạnh, hội tụ đủ cả tài và đức. Xuất phát từ tầm quan trọng của cán bộ, Người khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và căn dặn: “Các cơ quan cần rất chú ý tới việc huấn luyện cán bộ”.

Để có cán bộ tốt, theo Người, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về đạo đức và năng lực. Đức và tài phải luôn gắn bó chặt chẽ, quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách của người cán bộ cách mạng. Hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Tuy nhiên, trong mối quan hệ đó thì đức phải được đặt lên hàng đầu: “Đức phải có trước tài”, đức là “gốc”. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước”. Bên cạnh đó, Người cũng nói rõ: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.  Do đó, từ rất sớm Người đã dày công vun đắp để đào tạo cho Ðảng, cho đất nước một đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng lại vừa chuyên.

Về nguyên tắc đào tạo, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Bởi vì “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn thì là lý luận suông”. Một mặt người đề cao việc học tập lý luận vì “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”. Nhưng học tập lý luận phải gắn liền với thực tiễn, nắm được lý luận là để vận dụng vào thực tiễn, cải biến cho thực tiễn tốt hơn. Học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận. Do đó phương thức đào tạo, huấn luyện phải cụ thể, thiết thực, phải căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để tiến hành, tránh đào tạo chung chung. Khi gắn lý luận với thực tiễn và giải đáp những thắc mắc của thực tiễn sẽ tạo cho người học sự ham mê với những gì mình học được và đó là cơ sở để thúc đẩy họ học tập suốt đời, nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu.

Đồng thời chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đào tạo cán bộ phải lấy chất lượng làm trọng. Trong công tác huấn luyện cần phải chú ý “cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Người đã thấy những bất cập chủ yếu trong công tác đào tạo là bệnh thành tích, chạy đua theo số lượng, bằng cấp, ít chú trọng tới chất lượng. Vì vậy, Người yêu cầu bảo đảm chất lượng cho việc huấn luyện và đào tạo, “làm ít nhưng làm cho hẳn hoi”.

Có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, trong đó chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã chỉ rõ tầm quan trọng, mục đích của việc đào tạo cán bộ cũng như nguyên tắc, phương thức đào tạo. Đó đều là những nội dung thiết thực mà mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt, vận dụng vào thực tiễn.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác đào tạo cán bộ tại Viện kiểm sát Hải Hà

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đây là đạo luật quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước ta và kể từ đó, ngày 26/7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân. Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 đã quy định: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Kể từ khi thành lập đến nay, Ngành kiểm sát vẫn luôn nỗ lực hết sức hoàn thành nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Có được những thành tựu như trên, một phần xuất phát từ việc Ngành kiểm sát vẫn luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngành kiểm sát Quảng Ninh nói chung, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hà nói riêng đã xác định nhiệm vụ đào tạo cán bộ cần được chú trọng, thực hiện thường xuyên và liên tục. Công tác tổ chức, cán bộ, trong đó có công tác đào tạo cán bộ luôn được thể hiện cụ thể trong Kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị.

Đối với yêu cầu đào tạo cán bộ cả về đạo đức và năng lực, đơn vị trước hết chú trọng giáo dục cho cán bộ kiểm sát về về chính trị tư tưởng, về đạo đức cách mạng, đạo đức của người cán bộ kiểm sát. Gắn việc thực hiện lời dạy của Bác: Cán bộ Kiểm sát phải“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”  và việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chủ động đề nghị Huyện ủy có chỉ tiêu cho cán bộ của đơn vị đi học lý luận chính trị, quản lý nhà nước tại địa phương để nâng cao trình độ, nhận thức chính trị, đáp ứng yêu cầu của cán bộ kiểm sát trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, kịp thời uốn nắn những trường hợp còn mang nặng tư tưởng vật chất, quên mất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát.

Về mặt chuyên môn, đơn vị xác định gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Các cán bộ trong đơn vị đều có trình độ cử nhân luật trở lên, về mặt lý thuyết đã được học tập, nghiên cứu từ khi còn trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, giữa lý  thuyết và thực tế là khoảng cách khá xa. Vì vậy, đối với cán bộ trẻ, lãnh đạo đơn vị luôn hướng đến đào tạo cụ thể, “cầm tay chỉ việc”, đào tạo gắn phân công nhiệm vụ để “học” đi đôi với “hành”. Phân công cán bộ trẻ giúp việc cho Kiểm sát viên để tiếp cận, làm quen với công tác. Giao nhiệm vụ cho lãnh đạo, kiểm sát viên quan tâm hướng dẫn, đào tạo các cán bộ trẻ thông qua các công việc cụ thể. Nghiêm túc tổ chức tham dự phiên tòa, yêu cầu tất cả các cán bộ tham dự đều phải phát biểu ý kiến nhận xét để nâng cao tinh thần tự học tập, rút kinh nghiệm qua việc phát hiện những ưu, nhược điểm của Kiểm sát viên. Thời gian qua, để phục vụ công tác đào tạo, Ngành kiểm sát Quảng Ninh đã thực hiện phân công cán bộ giúp việc kiểm sát viên tại phiên tòa, thực hiện số hóa hồ sơ. Thực hiện chỉ đạo của Viện kiểm sát tỉnh, đơn vị đã phân công chuyên viên, kiểm tra viên giúp việc Kiểm sát viên tại phiên tòa và số hóa hồ sơ mang lại hiệu quả cao. Các cán bộ đều thể hiện niềm vui, tự hào cũng như cảm nhận được trách nhiệm của cán bộ kiểm sát khi được ngồi cùng Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đây cũng là cách thức xây dựng lòng yêu nghề cho các cán bộ trẻ.

Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Ngành kiểm sát yêu cầu phải nắm chắc các quy định của pháp luật. Trong khi đó pháp luật luôn có sự vận động, thay đổi. Vì vậy mỗi cán bộ kiểm sát phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật, tránh chủ nghĩa kinh nghiệm, làm theo thói quen, lối mòn. Về phía đơn vị: thực hiện nghiêm túc việc học tập đầu giờ – trong đó tập trung quán triệt các văn bản mới, các văn bản rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên; đồng thời trao đổi những vướng mắc trong quá trình làm việc để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ. Yêu cầu mỗi cán bộ có sổ tay để ghi chép những nội dung cần lưu ý, những nội dung đã được rút kinh nghiệm để khi gặp phải dễ dàng tìm kiếm, nghiên cứu, tránh lặp lại sai sót.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, đơn vị tích cực cử các cán bộ đi học tập, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Ngành và Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Tuy nhiên không cử tràn lan mà dựa trên yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ công tác của từng cán bộ. Đối với việc phân công nhiệm vụ, đơn vị thực hiện theo đề án vị trí việc làm và đề án tổ chức biên chế đến năm 2020 của Ngành kiểm sát nhân dân. Không phân chia công việc một cách tùy ý, mà theo hệ thống nhất định, tuỳ theo vị trí năng lực sở trường của mỗi người và phù hợp với chuyên môn của từng cán bộ. Đồng thời vẫn có sự luân chuyển trong thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo đào tạo toàn diện.

Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và đào tạo cán bộ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Nhận thức đúng đắn và vận dụng những tư tưởng của Người là một trong những cơ sở quan trọng để Viện kiểm sát Hải Hà thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm’’, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

 

                                                                        Nguyễn Phượng – VKS Hải Hà

Tin tức mới nhất