CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng Zalo, giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Thi hành án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản


Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng Zalo, giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Thi hành án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong những năm gần đây, trên cả nước xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giả danh các cán bộ Công an, Kiểm sát, Thi hành án yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản để điều tra và chiếm đoạt.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng, trong khoảng thời gian cuối năm 2019 đến tháng 5 năm 2020, cũng đã xảy ra nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 04 vụ thuộc diện đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền bị chiếm đoạt đặc biệt lớn, tổng số tiền là 2.609.000.000 đồng. Trong đó, người nhiều nhất là 900.000.000đ, người ít nhất  là 500.000.000đ. Đến nay, có vụ án đã phải gia hạn thời hạn điều tra nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được đối tượng phạm tội.

Theo trình báo của những người bị hại, các đối tượng lừa đảo đều sử dụng thủ đoạn chung là lợi dụng mạng viễn thông, mạng xã hội Zalo, liên lạc với người bị hại, giả danh là các cán bộ thuộc Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đang tiến hành thực hiện điều tra các vụ án hình sự, và gửi cho người bị hại các Lệnh bắt tạm giam giả và Quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự giả mạo; yêu cầu những người bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng thông báo. Do tin tưởng và sợ việc bị bắt giữ nên những người bị hại đã chuyển tiền theo yêu cầu. Sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản, các đối tượng chia lẻ số tiền và nhanh chóng chuyển sang rất nhiều tài khoản của nhiều đối tượng khác.

 

lệnh bắt, quyết định tạm giữ tài sản giả.

Người bị hại sau khi chuyển tiền mới phát hiện mình bị lừa và đến trình báo Công an. Trong quá trình trao đổi với người bị hại, các đối tượng lừa đảo chỉ thực hiện việc gọi điện và nhắn tin qua Zalo, những người bị hại không biết thông tin cụ thể hay được gặp mặt các đối tượng này. Đây được coi là loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, các tài liệu, chứng cứ đều được lưu giữ trên các phương tiện điện tử, trong khi thông tin về các đối tượng lừa đảo rất mơ hồ, dẫn đến khó khăn trong quá trình khoanh vùng đối tượng để điều tra, xử lý.

Ngoài ra, trong quá trình thu thập, xử lý chứng cứ điện tử của các Cơ quan tố tụng còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có trình độ công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông tin để xóa các dấu vết liên quan đến việc phạm tội. Việc nghiên cứu, kiểm tra, chứng minh hành vi của các đối tượng phạm tội phụ thuộc nhiều vào đối tượng bị bắt khai ra hành vi phạm tội của mình được thực hiện như thế nào, (vì trước khi các đối tượng bị bắt), người bị hại, thậm chí các cán bộ điều tra cũng chưa hiểu hết quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, cách thức thực hiện cụ thể như thế nào, không làm rõ được các đối tượng liên quan cũng như tỷ lệ thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt là rất thấp.

Do đây là loại tội phạm mới, nên nguồn so sánh hành vi, phương thức, thủ đoạn ít. Các cán bộ điều tra chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thu thập, đánh giá, xử lý thông tin cũng như kinh nghiệm trong phương pháp điều tra, phương pháp thu thập chứng cứ, bảo quản chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Dẫn đến, việc điều tra gặp nhiều khó khăn, thời hạn điều tra kéo dài.

Bên cạnh đó, đối tượng cầm đầu, chủ mưu trong các vụ án này thường ở nước ngoài, việc điều tra làm rõ cần phải tương trợ tư pháp, nhưng về cơ bản, kết quả tương trợ tư pháp thường rất lâu, gây khó khăn trong việc điều tra vụ án, làm rõ các đối tượng đến cuối cùng.

Để hạn chế tình trạng lừa đảo nêu trên, ngoài việc tích cực trong hoạt động đấu tranh, làm rõ các vụ án, đối tượng phạm tội phạm tội để đưa ra xử lý, thiết nghĩ mỗi cán bộ, Kiểm sát viên chúng ta, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, cũng như tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, thì trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là các hoạt động liên quan đến tiếp xúc với người dân cần không ngừng tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích pháp luật, khuyến cáo đến người dân các thủ đoạn lừa đảo tinh vi như trên để người dân nắm được và chủ động phòng tránh và kịp thời trình báo với Cơ quan Công an để điều tra làm rõ.

Đồng thời, qua các vụ việc trên, người dân cần hết sức cảnh giác trước những đối tượng sử dụng thủ đoạn tương tự để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần lưu ý, khi cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cần làm việc với người dân, sẽ có giấy mời, giấy triệu tập để trực tiếp làm việc, không làm việc qua điện thoại. Nếu người dân nhận được những cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền hoặc đặt vấn đề yêu cầu mở tài khoản ngân hàng để nhận, rút tiền không rõ nguồn gốc thì cần đến ngay cơ quan Công an gần nhất để trình báo, để bảo vệ tài sản của bản thân, vừa giúp lực lượng chức năng kịp thời đấu tranh, bắt giữ các đối tượng phạm tội lừa đảo./.

            Phòng 2 – VKSND tỉnh Quảng Ninh

Tin tức mới nhất