BÀN VỀ VIỆC XỬ LÝ TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thời gian qua, tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đang có diễn biến phức tạp là hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay.
Đảng và nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Chỉ thị số 48- CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới chỉ đạo tập trung đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm tham nhũng cũng đề cập đến tội phạm mua bán người. Ngày 29/3/2011, Quốc Hội cũng đã thông qua Luật phòng chống mua bán người.
Việt Nam của chúng ta là nước sớm tham gia Công ước quốc tế về phòng chống buôn bán người của Liên hiệp quốc đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đã ký hiệp định song phương với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Cam Pu Chia … về phòng chống mua bán người. Trong Bộ luật hình sự tội mua bán người, mua bán trẻ em đã được quy định và trở thành một trong những công cụ đắc lực cho các cơ quan chức năng sử dụng trong công tác phòng chống tội phạm Mua bán người, mua bán trẻ em.
Tại Điều 3 Nghị định thư Palermo của Liên hiệp quốc ngày 15/11/2000 mà Việt Nam tham gia ký phê chuẩn quy định khái niệm về buôn bán người như sau: a) “Buôn bán người ” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, lô lệ hay những hình thức tương tự lô nệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể.
b) Sự chấp thuận của một nạn nhân của việc buôn bán người đối với sự bóc lột có chủ ý được nêu ra trong khoản (a) của điều này là không thích đáng nếu bất kỳ cách thức nào nêu trong khoản (a) đã được sử dụng.
c) Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là “Buôn bán người” ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được nói đến trong khoản (a) điều này;
d) “Trẻ em” có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi.
Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định tội “Mua bán người” tại Điều 150 (BLHS 2015):
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
So sánh với Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) thì quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Mua bán người” đã có những sự thay đổi đáng kể.
Về cấu thành cơ bản Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định: “Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm” theo quy định này một thời gian dài các cơ quan chức năng đã hiểu rằng chỉ cần người nào có hành vi coi con người là một loại hàng hóa dùng để trao đổi mua bán là đã đáp ứng cấu thành cơ bản của tội phạm.
Điều 150 Bộ luật hình sự năm 2015 đã đưa tinh thần Điều 3 của Nghị định thư Palermo vào quy định về cấu thành cơ bản của tội “Mua bán người” một cách cụ thể hơn và mở rộng hơn. Ngoài hành vi khách quan mang tính chất “Mua bán” còn có các hành vi khác không đòi hỏi phải chứng minh có tính chất vụ lợi, mua bán. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật mới lại đưa vào Cấu thành cơ bản của tội “Mua bán người” những tình tiết yếu tố có tính bắt buộc đó là: Hành vi phải có một trong các yếu tố: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác”. Quy định bắt buộc về cách thức thủ đoạn thực hiện tội phạm nêu trên đã thu hẹp và hạn chế rất nhiều phạm vi xử lý của tội phạm “Mua bán người” hiện nay (Nếu so sánh với khái niệm “Buôn bán người” trong Nghị định thư Palermo thì khái niệm “Mua bán người “ quy định trong BLHS 2015 cũng hẹp hơn rất nhiều).
Đến thời điểm hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích thủ đoạn khác là nhưng thủ đoạn nào, vì vậy khi chứng minh tội phạm “Mua bán người” cơ quan chức năng bắt buộc phải chứng minh người bị mua bán có bị cưỡng ép hay lừa gạt hay không? Sự đồng tình từ phía người bị hại (Như đồng ý đi cùng đối tượng ra nước ngoài để lấy chồng, để làm việc trong các nhà hàng Karaoke (thường là làm gái mại dâm) nhằm nhận 1 khoản tiền … ) ở mức độ nào đó thực sự là một sự cản trở rất lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này. Trong thực tế, đối tượng dẫn dắt chuyển giao người nhằm hưởng lợi ích vật chất thường che đậy hành vi thủ đoạn phạm tội bằng sự ủng hộ từ phía nạn nhân theo cách trên. Đã có không ít vụ án khởi tố, bắt giữ về tội “Mua bán người”, nhưng sau đó lại phải thay đổi tội danh sang tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo quy định tại Điều 349 BLHS 2015. Đối tượng chuyển giao có thể đã nhận một khoản tiền từ đối tượng tiếp nhận (thường là đối tượng ở nước ngoài) đối tượng tiếp nhận mặc nhiên xác lập quyền sở hữu với nạn nhận khi cho rằng đã phải bỏ ra một lượng tiền để có được họ, từ đó đẩy họ vào các hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hay tiếp tục biến họ (thường là các phụ nữ) thành món hàng mua đi bán lại phục vụ nhu cầu tình dục bất hợp pháp…. Theo quan điểm của cá nhân tôi, nên có hướng dẫn mở rộng hơn khái niệm thế nào là “Lừa gạt”, thế nào là “Thủ đoạn khác”, qua đó quy định mọi trường hợp nếu nạn nhân không tự bán mình, tự mong muốn tham gia vào hoạt động trao đổi và hoàn toàn không được tự chủ trong việc thỏa thuận xác lập quyền nghĩa vụ của họ thì những người tham gia vào việc chuyển giao hay tiếp nhận để vụ lợi đều phải xác định là “gian lận” hoặc “lừa gạt”, do đó thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội “Mua bán người”. Có như thế mới đáp ứng yêu cầu trong nước về phòng chống loại tội phạm này.
Về các tình tiết định khung: Tình tiết quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015: “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định này khác hoàn toàn so với tình tiết định khung của tội “Mua bán người” theo quy định của BLHS năm 1999 (điểm đ Điều 119 quy định: “Để đưa ra nước ngoài”) Có quan điểm cho rằng: Nếu nạn nhân chưa được đưa ra khỏi biên giới vẫn còn ở trên lãnh thổ Việt Nam thì chưa thể áp dụng tình tiết định khung này do mục đích của người phạm tội vẫn nằm trong suy nghĩ. Tuy nhiên thực tế đấu tranh tội phạm cho thấy có những trường hợp người chuyển giao sử dụng phương tiện thông tin trên mạng xã hội để trao đổi với người tiếp nhận ở nước ngoài đã đưa nạn nhân từ sâu trong nước đến biên giới để làm thủ tục xuất cảnh qua biên giới thì bị phát hiện. Trường hợp đó, rõ ràng việc không đưa được nạn nhân qua biên giới là ngoài mong muốn của người phạm tội nhưng lại không áp dụng được tình tiết định khung theo điểm đ khoản 2 Điều 150 BLHS để xử lý. Quan điểm cá nhân: Nên có hướng dẫn áp dụng tình tiết định khung này để áp dụng đối với các trường hợp: đang trên đường chuyển nạn nhân qua biên giới thì bị phát hiện, các trường hợp đã đưa lên tàu thuyền, máy bay để rời khỏi hải phận, không phận thuộc lãnh thổ của Việt Nam vẫn đủ điều kiện áp dụng tình tiết định khung theo điểm đ khoản 2 Điều 150 nhưng áp dụng thêm chế định về phạm tội chưa đạt.
Về tình tiết định khung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” và tình tiết quy định tại điểm d khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 “Làm nạn nhân chết …” để áp dụng 02 tình tiết định khung nêu trên đều đòi hỏi phải có hậu quả vật chất, tức là: nạn nhân đã bị lấy đi một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc đã chết. Việc lấy đi một hoặc nhiều bộ phận cơ thể của con người có trường hợp là nguy cơ dẫn đến tước đi sinh mạng sống của nạn nhân (ví dụ lấy cùng lúc 2 quả thận, tim, cùng lúc 2 giác mạc mắt rồi trả họ lại môi trường không người chăm sóc …) Nếu đối tượng phạm tội ngay từ ban đầu đã xác định rõ những mục đích như vậy thì việc định tội “Mua bán người” lại là quá nhẹ và không phù hợp. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì các trường hợp đó phải hướng dẫn xử lý về tội “Giết người”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 là Bộ luật quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Từ thực tiễn hoạt động công tác kiểm sát thực hành quyền công tố các vụ án hình sự và trên cơ sở nghiên cứu về tội “Mua bán người” tôi xin mạnh dạn chia sẻ, trao đổi với các đồng nghiệp và bạn đọc để cùng có tiếng nói chung góp phần kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm về “Mua bán người” nói riêng.
Nguyễn Bá Linh – Phòng 2, VKSND tỉnh Quảng Ninh
Tin tức mới nhất
VKSND thành phố Đông Triều phối hợp với Tòa án tổ chức rút kinh nghiệm vụ án Tổ chức sử dụng và Mua bán trái phép chất ma tuý
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng 14/01/2025, tại Tòa án nhân dân...
Th1
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức thành công Đại hội Chi bộ điểm nhiệm kỳ 2025 – 2027
Ngày 13/01/2025, Chi bộ Văn phòng tổng hợp long trọng tổ chức Đại hội Chi...
Th1
Phòng 1 Viện KSND tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội nghị giao ban tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp năm 2024
Ngày 09/01/2025, Hội nghị giao ban liên Phòng tổng kết năm 2024, về việc thực...
Th1
Viện KSND thành phố Hạ Long tổ chức thành công Đại hội Chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027 và Hội nghị cán bộ công chức năm 2024
Ngày 09/01/2024, thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW về thi hành Điều...
Th1
Viện KSND huyện Vân Đồn tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 12/12/2024 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao,...
Th1
VKSND huyện Bình Liêu tổ chức tuyên truyền pháp luật tại trường THPT Bình Liêu
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành Kiểm sát...
Th1
VKSND thành phố Đông Triều tổ chức tham dự, rút kinh nghiệm phiên tòa “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng ngày 08/01/2025 tại Hội trường xét...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Ban pháp chế kiểm sát đột xuất Nhà tạm giữ Công an thị xã Quảng Yên
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2025, ngày 07/01, Viện kiểm sát nhân dân...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Được sự nhất trí của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh,...
Th1