NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH TRONG VIỆC THÁO GỠ KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC TÍN DỤNG NGÂN HÀNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng kế hoạch công tác, qua đó, xác định kiểm sát hoạt động tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá năm 2018.
Đồng thời, trên cơ sở chương trình, hướng dẫn công tác của Vụ 11-Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Phòng 11-Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai các kế hoạch công tác kiểm sát THA dân sự, hành chính trên toàn tỉnh, xây dựng những nội dung trọng tâm, trọng điểm. Một trong những nội dung tiếp tục được xác định trọng tâm công tác đó là tổ chức thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng. Đây là vấn đề từ nhiều năm qua các ngành tư pháp Trung ương luôn coi là điểm nóng, đặc biệt quan tâm và tập trung tìm nhiều biện pháp chỉ đạo tháo gỡ giải quyết.
Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có số lượng vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng nhiều, có xu hướng gia tăng cả về số việc lẫn số tiền rất lớn, với tính chất, mức độ phức tạp cao, được điều chỉnh bởi nhiều ngành Luật có liên quan. Trên thực tế, những khó khăn vướng mắc chủ yếu cũng như những vi phạm trong tổ chức thi hành án dân sự tập trung án tín dụng ngân hàng. Giải quyết được vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc ngành thi hành án cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm công tác. Và đặc biệt giải quyết vấn đề nợ xấu theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 42/2017 của Quốc Hội, nhằm tháo gỡ cho ngành ngân hàng mà sâu xa hơn nữa là cho một nền tài chính quốc gia. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm công tác 2018, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã trăn trở, tìm nhiều biện pháp, đổi mới sáng tạo trong phương pháp nhằm thực hiện tìm nguyên nhân và giải quyết cơ bản vụ việc tồn động liên quan thi hành án tín dụng ngân hàng.
*) Thực trạng công tác thi hành án liên quan tín dụng ngân hàng:
Cục thi hành án tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị tổ chức thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng có khối lượng án phải thi hành lớn trong cả nước (cả về số việc và số tiền). Số việc trên số tiền phải thi hành năm sau đều tăng hơn năm trước. Nhiều vụ việc có số lượng tiền phải thi hành rất lớn, tính chất phức tạp, phải xử lý nhiều tài sản bảo đảm.
Mặc dù, hoạt động vay vốn của ngân hàng đều có tài sản thế chấp. Các tài sản thế chấp chủ yếu là quyền sử đất và các tài sản trên đất, một số là thế chấp động sản và tài sản hình thành trong tương lai. Tuy các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng đều có tài sản đảm bảo, song việc xử lý tài sản đảm bảo trên thực tế phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc, rất khó để bán được tài sản thu hồi vốn về cho ngân hàng.
Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan THADS tỉnh Quảng Ninh thụ lý 367 việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, bằng 836.678.098.000 đồng. Trong đó: số đã thi hành xong là 91 việc = 245.525.466.000 đồng, số còn phải thi hành là 276 việc = 591.152.632.000 đồng (số việc thi hành trên chiếm khoảng 2,3% trong tổng số việc phải thi hành nhưng về số tiền chiếm khoảng 48% trên tổng số tiền phải thi hành).
Số liệu trên phản ánh thực trạng việc thi hành án ngân hàng đạt tỷ lệ giải quyết còn thấp, tiến độ giải quyết còn chậm, kéo dài, đạt hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được so với yêu cầu đề ra.
Sở dĩ có thực trạng trên do việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng tiềm ẩn quá nhiều khó khăn vướng mắc, qua kiểm tra nổi lên một số nguyên nhân chính như sau:
*) Nguyên nhân chủ quan:
– Một số Bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, khó thi hành nên phải dừng lại đề nghị Tòa án giải thích. Việc giải thích đính chính bản án, quyết định của Tòa án có khi kéo dài nên ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án.
– Một số trường hợp khi xác minh điều kiện thi hành án thì phát hiện thực trạng của tài sản bảo đảm không đúng như trong hợp đồng thế chấp: Đất cấp bị chồng lấn, đất thừa hoặc thiếu hụt so với diện tích được cấp, khi thế chấp thì chỉ thế chấp mỗi quyền sử dụng đất, không thế chấp nhà và các tài sản khác trên đất, tài sản trên đất thuộc sở hữu của người khác… Cá biệt có những trường hợp tài sản được bán một phần trước khi thế chấp và người đang sở hữu tài sản nằm trên thửa đất được thế chấp không đồng ý kê biên…
– Việc thực thi pháp luật của một số cơ quan chức năng chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thi hành án nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng. Mặc dù vậy các cơ quan chức năng chưa tích cực, kịp thời giải quyết nội dung theo yêu cầu của cơ quan thi thành án dẫn đến vụ việc khó thi hành, kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ngân hàng. Cụ thể:
+ Tài sản đảm bảo có diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng hoặc giảm so với diện tích đất khi đo thực tế.
+ Sai đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Sai thửa đất cấp.
+ Lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng không đúng đối tượng và trả tiền đền bù liên quan đến tài sản thi hành không đúng quy định.
– Các tổ chức ngân hàng tiến hành cho vay vốn không đảm bảo đúng quy định của ngành ngân hàng cũng như quy định của pháp luật: Một số trường hợp trong giai đoạn thẩm định giá, nhận thế chấp tài sản ngân hàng xác minh chưa đầy đủ, rõ ràng về tài sản; xác định giá trị tài sản quá cao, cho vay số tiền lớn nhưng đến giai đoạn thi hành án thì giá trị tài sản giảm quá thấp, việc bán tài sản rất khó khăn, phải giảm giá nhiều lần. Tài sản thế chấp là tài sản chung nhưng chỉ có chữ ký của vợ hoặc chồng trong hồ sơ vay vốn của ngân hàng. Riêng các tài sản hình thành trong tương lai nhiều ngân hàng không thực hiện việc giám sát thực hiện có đúng như hợp đồng đã ký kết hay không, hoặc giám sát hoạt động tài sản động sản rất hạn chế do đó hiện nhiều vụ việc liên quan đến các tài sản là động sản hiện không xác định được nơi cất giấu hoặc nơi tài sản đang hoạt động.
– Cá biệt còn có Cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức thực thi công vụ chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, còn chủ quan, duy ý chí, nhận thức pháp luật còn chưa đồng bộ, kỹ năng thao tác còn hạn chế.
*) Nguyên nhân khách quan:
– Hầu hết các tổ chức và cá nhân liên quan (người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, không tự nguyện THA mà thường tìm mọi lý do, thủ đoạn chống đối, trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành như: Cố tình vắng mặt khi chấp hành viên giao các văn bản, giấy tờ, cản trở việc kê biên tài sản; liên tục chuyển trụ sở, địa điểm kinh doanh đi nơi khác không khai báo với cơ quan chức năng. Đối với tài sản thế chấp là động sản (ô tô, xe chuyên dụng…) đưa đi nơi khác cất dấu; một số trường hợp cố tình khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án quyết định có hiệu lực pháp luật. Khi có phiếu tiếp nhận đơn khiếu nại của TAND cấp cao hoặc VKSND cấp cao thì lấy đó làm căn cứ trì hoãn việc thi hành án. Bên cạnh đó, Tòa án và VKS cấp cao lại chậm có văn bản trả lời có kháng nghị hay không kháng nghị, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án kéo dài (Vụ Đỗ Văn Nam, Nguyễn Thị Minh Thúy – Cẩm Phả).
– Các quy định của pháp luật về THADS mặc dù đã được hoàn thiện nhưng vẫn còn một số quy định khi áp dụng vào thực tiễn không phù hợp, một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất. Ví dụ: quy định về xử lý tài sản hình thành trong tương lai; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc không giao được tài sản cho người trúng đấu giá; chưa có quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm của người thứ 3 trong trường hợp xử lý nhà ở là tài sản duy nhất của họ; còn thiếu chế tài xử lý đối với người được giao quản lý tài sản sau kê biên…
*) Các biện pháp thực hiện và kết quả công tác đột phá giải quyết khó khăn vướng mắc thi hành án liên quan tín dụng ngân hàng:
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Cục thi hành án tỉnh Quảng Ninh xây dựng nghị quyết liên ngành trong việc chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc thi hành án liên quan tín dụng ngân hàng, các vấn đề đấu giá, định giá tài sản, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở Nghị quyết đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm lãnh đạo Cục thi hành án tỉnh Quảng Ninh, phòng 11 Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh và Ngân hàng nhà nước. Tổ công tác yêu cầu 14 chi cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh và phòng nghiệp vụ Cục thi hành án xây dựng báo cáo về tổng số án liên quan đến án tín dụng ngân hàng, các vụ việc thực hiện hoạt động đấu giá định giá, nêu cụ thể chi tiết các vụ việc hiện đang khó khăn vướng mắc, khó thi hành, đặc biệt các vụ việc kéo dài. Căn cứ vào các báo cáo trên, tổ công tác liên ngành đã trực tiếp xuống 7 địa phương có số lượng thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng nhiều, có nhiều bất cập khó khăn trong quá trình giải quyết và trực tiếp nghe các chấp hành viên báo cáo từng vụ việc (kể cả không có khó khăn vướng mắc nhưng yêu cầu báo cáo, giải thích rõ lý do tại sao chưa thi hành xong), trực tiếp rút các hồ sơ nghiên cứu. Qua đó, những vụ việc khó khăn thuộc phía ngân hàng, ngân hàng Nhà nước giải thích và chỉ đạo ngân hàng trực thuộc thực hiện phối hợp cơ quan thi hành án để giải quyết luôn, những vụ việc có tính vướng mắc về pháp luật trong phạm vi cho phép tổ liên ngành giải thích chỉ đạo thực hiện giải quyết đảm bảo đúng quy định. Những vụ việc thi hành án có dấu hiệu việc kéo dài, thực hiện chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật và chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tổ công tác chỉ đạo yêu cầu giải quyết dứt điểm, khắc phục quy trình chưa đảm bảo, định mức thời gian thực hiện và yêu cầu báo cáo lại sau khi thi hành xong. Qua thực hiện kiểm tra tổ công tác liên ngành xây dựng bức tranh toàn cảnh về thực trạng công tác thi hành án liên quan hoạt động tín dụng ngân hàng, qua đó nổi lên các nhóm khó khăn, vướng mắc sau:
Qua kiểm tra tổ công tác liên ngành đã tháo gỡ khó khăn và yêu cầu thi hành ngay 47 việc = 175.232.685.000 đồng. Nâng tỷ lệ giải quyết số việc trên số tiền hai cấp thi hành án tỉnh Quảng Ninh một cách đáng kể.
Đối với số việc còn lại 229 việc / 415.919.470.000 đồng tổ công tác liên ngành tiến hành phân loại vụ việc khó có điều kiện thi hành như tài sản hình thành trong tương lai hiện giá trị còn không cao, hay tài sản là động sản hiện ngân hàng và người phải thi hành án không cung cấp được vị trí cất giấu tài sản… Còn các loại vụ việc có tài sản đảm bảo thi hành nhưng vướng mắc từ các cơ quan chức năng có liên quan hoặc từ quy định của pháp luật, tổ công tác liên ngành báo cáo lãnh đạo liên ngành tìm biện pháp giải quyết.
Một trong những biện pháp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đó là: Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát của Đoàn liên ngành nêu trên, phối hợp với Cơ quan THADS mở hội nghị liên ngành do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì cùng với 14 Ủy ban huyện, thị xã, thành phố, Mặt trận tổ quốc tỉnh và đoàn thể có liên quan, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cơ quan thi hành án hai cấp, Ngân hàng Nhà nước. Hội nghị này ( dự kiến mở trong tháng 9.2018 ) nhằm nhận rõ những vấn đề tồn tại, vi phạm của các ngành, các cấp có thẩm quyền trong việc thực thi nhiệm vụ dẫn đến khó khăn trong việc thi hành án dân sự. Thảo luận và đề ra các biện pháp giải quyết. Trên cơ sở đó xây dựng Nghị quyết phối hợp liên ngành, với nội dung gắn kết chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành trong công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện các vấn đề có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự để đảm bảo Bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền và lợi ích của đương sự.
*) Đề xuất kiến nghị:
Để việc thi hành án dân sự trong thời gian tới đạt hiệu quả chất lượng cao không chỉ đối với thi hành án tín dụng ngân hàng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập hợp và kiến nghị chung với các ngành liên quan một số nội dung sau:
+ Kiến nghị với Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo ngành Tòa án chú trọng nâng cao chất lượng bản án, nội dung tuyên án cần rõ ràng, cụ thể hơn để đảm bảo công tác thi hành án sau đó được thuận lợi.
+ Kiến nghị với Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cần hết sức chú trọng kiểm tra xác minh cụ thể đối với tài sản thế chấp. Trường hợp không minh bạch hoặc có nghi ngờ về tài sản thế chấp thì phải được làm rõ và xử lý dứt điểm trước khi nhận thế chấp tài sản này.
+ Kiến nghị với Chính phủ để chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về đất đai. Tích cực hỗ trợ Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đất đai, nhà ở liên quan đến công tác thi hành án dân sự – hành chính.
Việc đề ra và triển khai thực hiện Nghị quyết liên ngành nêu trên là một bước đột phá trong phối hợp chỉ đạo điều hành nhằm xây dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn để Cơ quan thi hành án hai cấp tỉnh Quảng Ninh thực hiện tổ chức thi hành án thuận lợi, đạt hiệu quả, chất lượng. Đây cũng là nội dung chính, có tính mấu chốt giải quyết, tháo gỡ cơ bản những khó khăn vướng mắc không chỉ trong việc tổ chức thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng mà tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Cơ quan thi hành hai cấp tỉnh Quảng Ninh trong quá trình thực thi nhiệm vụ ngành THADS-HC.
Trên đây là một số nội dung phòng 11 đánh giá, tổng hợp, rất mong nhận được sự đóng góp, xây dựng của các đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự nói chung và hướng đến việc giải quyết dứt điểm thi hành án tín dụng ngân hàng nói riêng.
Đỗ Tuyết Vân
Phòng p11- Viện KSND tỉnh Quảng Ninh
Tin tức mới nhất
VKSND thành phố Đông Triều phối hợp với Tòa án tổ chức rút kinh nghiệm vụ án Tổ chức sử dụng và Mua bán trái phép chất ma tuý
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng 14/01/2025, tại Tòa án nhân dân...
Th1
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức thành công Đại hội Chi bộ điểm nhiệm kỳ 2025 – 2027
Ngày 13/01/2025, Chi bộ Văn phòng tổng hợp long trọng tổ chức Đại hội Chi...
Th1
Phòng 1 Viện KSND tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội nghị giao ban tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp năm 2024
Ngày 09/01/2025, Hội nghị giao ban liên Phòng tổng kết năm 2024, về việc thực...
Th1
Viện KSND thành phố Hạ Long tổ chức thành công Đại hội Chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027 và Hội nghị cán bộ công chức năm 2024
Ngày 09/01/2024, thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW về thi hành Điều...
Th1
Viện KSND huyện Vân Đồn tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 12/12/2024 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao,...
Th1
VKSND huyện Bình Liêu tổ chức tuyên truyền pháp luật tại trường THPT Bình Liêu
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành Kiểm sát...
Th1
VKSND thành phố Đông Triều tổ chức tham dự, rút kinh nghiệm phiên tòa “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025, sáng ngày 08/01/2025 tại Hội trường xét...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Ban pháp chế kiểm sát đột xuất Nhà tạm giữ Công an thị xã Quảng Yên
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2025, ngày 07/01, Viện kiểm sát nhân dân...
Th1
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025
Được sự nhất trí của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh,...
Th1