CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

NGƯỜI CÁN BỘ KIỂM SÁT CÓ ĐỨC, CÓ TÀI THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ VỚI NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN


NGƯỜI CÁN BỘ KIỂM SÁT CÓ ĐỨC, CÓ TÀI THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ VỚI NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Khi còn sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn giáo dục cán bộ, đảng viên ngoài học tập nâng cao tri thức còn phải rèn luyện phẩm chất tư cách đạo đức. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn làm gương và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, “hồng” và “chuyên”, “đức” và “tài”, trong đó “đức” là gốc. Với mỗi người mà đặc biệt là người đảng viên, Bác Hồ ví đạo đức như là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người dạy rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Theo Bác, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Người nói: Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không rụt rè, lùi bước; khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần, chất phác, khiêm tốn; luôn luôn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đối với cán bộ ngành Kiếm sát nhân dân, bên cạnh những yêu cầu về đạo đức cách mạng của người cán bộ, Bác còn dạy rằng người cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy của Bác chính là chuẩn mực đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên của ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu rèn luyện, coi đó là định hướng giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ về chính trị tư tưởng và về nghiệp vụ công tác kiểm sát. Mặt khác, lời khác dạy của Bác với ngành Kiểm sát cũng xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và tính chất quan trọng của công tác kiểm sát, vì đó vừa là công tác chính trị đồng thời là công tác nghiệp vụ khoa học pháp lý, là một trong những nhiệm vụ thể hiện quyền lực của Nhà nước, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh trong cả nước. Làm tốt công tác kiểm sát có quan hệ đến quyền lực và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nó có quan hệ trực tiếp đến sinh mệnh của con người.

Thứ nhất, Bác muốn người cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là phải công bằng và sáng suốt không chỉ trong công việc mà còn trong cả cuộc sống. Làm cán bộ Kiểm sát, với trách nhiệm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ pháp luật phải công tâm khi thực hiện nhiệm vụ, không thể vì những lợi ích vật chất tầm thường, vì lợi ích cá nhân mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như hình ảnh của người đảng viên, cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn theo hướng dẫn của pháp luật, không sai lầm. Người cán bộ Kiểm sát có sáng suốt thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Và, khi đã sự việc được giải quyết một cách công bằng thì mới đảm bảo được bảo vệ lẽ phải, bài trừ cái xấu trong xã hội.

Thứ hai, Bác dạy người cán bộ Kiểm sát, không chỉ công minh mà còn phải chính trực trong công việc. Có thể hiểu, phẩm chất chính trực đòi hỏi người đảng viên, cán bộ Kiểm sát trong công việc của mình phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, làm việc theo đúng lẽ phải, không gian dối, hay nói cách khác đó là sự trung thực gắn liền với đạo đức. Mỗi người cán bộ Kiểm sát khi được giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”. Có thể coi, chính trực là sự hoàn hảo trong cách hành xử của mỗi con người nói chung và của người cán bộ Kiểm sát nói riêng. Trong công việc, người cán bộ Kiểm sát phải nắm vững các chính sách của Đảng và pháp luật để qua đó vận dụng một cách linh hoạt nhưng cũng phải có căn cứ giữa pháp luật với chính sách trong từng trường hợp. Mọi hành vi của cán bộ, Kiếm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, không được làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân, không nể nang đối với người thân thích; không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của tập thể, không vì tư thù mà xử lý sai đối với người dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, phê bình những biểu hiện sai trái của mình. Người cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không do dự và dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ ba, để đảm bảo sự công minh, chính trực, Bác đã yêu cầu người cán bộ Kiểm sát có phương pháp làm việc khách quan. Tính khách quan của người cán bộ Kiểm sát được biểu hiện ở chỗ: Khi giải quyết công việc, phải xuất phát từ thực tế, phải có cái nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện dựa trên lý luận và pháp lý, đảm bảo vấn đề thể hiện thực tế một cách trung thực, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật; tránh nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện, mang tính chất cá nhân mà quên đi mối quan hệ của sự việc với tổng hòa các mối quan hệ khác. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải xác định đi sâu tìm hiểu, phân tích, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở lý luận khoa học, cơ sở thực tế để đưa ra ý kiến tham mưu cho Lãnh đạo Viện một cách toàn diện, có căn cứ. Qua đó, đảm bảo giải quyết sự việc một cách phù hợp, chính xác.

Thứ tư, Bác yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải có đức tính thận trọng, nghĩa là khi giải quyết các vụ việc cụ thể phải cân nhắc, tính toán thật cẩn thận, đánh giá sự việc một cách toàn diện, không để xảy ra sai sót khi đưa ra quyết định giải quyết. Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi rằng sự thận trọng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người đảng viên, cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải đi sâu nghiên cứu, từng bước đánh giá, phân tích về mọi tình tiết, hoàn cảnh của sự việc thực tế xảy ra, tránh bỏ lọt các tình tiết dù chỉ là nhỏ nhất mà từ đó có thể xảy ra việc hiểu sai, đánh giá sai về bản chất của sự việc. Sau đó, trên cơ sở kết quả đã đánh giá, tiếp tục đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ cơ sở pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ việc đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Tính thận trọng cũng có nghĩa rằng người cán bộ Kiểm sát phải không được qua loa, đại khái, xem xét đánh giá sự việc một cách hời hợt, thoáng qua. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần hiểu rằng thận trọng không đồng nghĩa với do dự hay thiếu quyết đoán; và quyết đoán cũng không được chủ quan, giải quyết sự việc với “cái đầu nóng” mà làm thiếu đi tính chính xác. Một vụ án dù đã được xem xét, đánh giá một cách công bằng, toàn diện nhưng không thận trọng thì cũng dẫn đến việc làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm.

Cuối cùng, Bác Hồ yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải có tác phong khiêm tốn. Sự khiêm tốn của người cán bộ Kiểm sát là một thái độ sống tích cực, có ý thức và thái độ đúng mực trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân, sao cho không đánh giá mình cao hơn mà coi thường người khác; không tự thoả mãn mà dừng phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên. Có khiêm tốn thì mới biết tôn trọng bản thân, phân biệt rõ được sự khen chê, mà rút kinh nghiệm để tích cực học hỏi, phấn đấu rèn luyện bản thân tốt hơn. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách thật tâm đối với mọi người. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật là công việc khó khăn, mà ở đó nếu có sự khiêm tốn thì mới có được kết quả tốt nhất, mới có được sự ghi nhận của nhân dân. Không vì những thành tích, kết quả đã đạt được dẫn đến coi thường người khác, thể hiện sự quan liêu trong công việc cũng như mối quan hệ trong công tác. Có thể nói, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành Kiểm sát mà đó còn là nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, của toàn đảng, toàn dân. Có khiêm tốn thì mới có thể có được sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, sự gắn bó mật thiết giữa người cán bộ kiểm sát với nhân dân để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ mà toàn đảng, toàn dân đã giao phó cho ngành Kiểm sát.

Những đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác Hồ đã dạy chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một thể thống nhất, đó chính là “đạo đức cách mạng” của người cán bộ Kiểm sát. Thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ Kiểm sát sẽ rèn luyện được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong, phương pháp làm việc khoa học để hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thực hiện lời Bác dạy, 59 năm qua kể từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân đã không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách và cám dỗ trong cuộc sống, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo các quyền của công dân. Chính vì vậy, trong cả nước, nhiều tập thể và Cá nhân được nêu gương điển hình tiên tiến, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, rất vinh dự và tự hào được Nhà nước phong tặng “Đơn vị Anh hùng” . Nhiều cán bộ,  Kiểm sát viên đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập, cả về chuyên môn và đạo đức Nghề nghiệp.

Trong thời điểm, toàn ngành Kiểm sát đang hướng tới Kỷ niệm 90 năm lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.  Cùng với đó là niềm tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của Ngành, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải quyết tâm phấn đấu, rèn luyện thực hiện theo lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đồng thời người cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân phải nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” với phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” mà Ngành đã để ra. Ngoài ra, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải khắc sâu những tư tưởng và lời dạy quý báu của Bác dành cho Ngành và coi đó là bài học quý giá để mỗi chúng ta quyết tâm xây dựng Ngành kiểm sát nhân dân thất sự trong sạch, vững mạnh, góp phần bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật. Làm được điều này chính là góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của Cải cách tư pháp “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”./.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN VÂN ĐỒN

Tin tức mới nhất