CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

Một số khó khăn, vướng mắc tác động trực tiếp đến hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân dưới góc độ của Viện kiểm sát cấp huyện

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên toàn cầu khiến cho lĩnh vực tư pháp cũng không nằm ngoài được xu thế đó. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp đang gặp không ít khó khăn xuất phát từ những rào cản về con người, kĩ thuật và cơ sở pháp lý. Để tránh bị tụt hậu so với xu thế chung, trong những năm gần đây, ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã sớm chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chỉ đạo điều hành, đào tạo và giải quyết công việc cụ thể và đã đạt được nhiều kết quả. Gần đây nhất, Quyết định số 359/QĐ-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Chương trình số 01/Ctr-VKSTC ngày 03/01/2023 của Viện kiểm sát tối cao “về công tác thống kê và công nghệ thông tin năm 2023” là cơ sở để hoạt động này diễn ra mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc để có thể thực hiện hoạt động này một cách hiệu quả, đặc biệt là ở các đơn vị cở sở, cụ thể như sau:

Viện KSND tỉnh Quảng Ninh làm việc với Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin VKSND tối cao

Thứ nhất, về vấn đề nhân lực: Nhân lực chính là vấn đề trọng yếu nhất không chỉ riêng trong lĩnh vực này mà trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên cán bộ ngành kiểm sát chủ yếu được đào tạo về lĩnh vực pháp luật trong các trường Đại học chuyên ngành mà không có nhiều kiến thức và kĩ năng về công nghệ thông tin. Thực tế cho thấy cán bộ Kiểm sát chỉ làm việc đơn thuần với hai phần mềm văn phòng là Microsoft Word và Microsoft Exel, do đó khi tiếp cận và vận hành các thiết bị cũng như các phần mềm trong những lĩnh vực mới như: sơ đồ hoá (Microsoft Powerpoint, Autodesk Maya, Video Studio Ultimate, Camtasia, Adobe Premiere, Prezi, Microsoft Visio,…); sơ đồ tư duy (Xmind, Bluemind,…); số hoá hồ sơ (quét dữ liệu có sẵn trên giấy thông qua quá trình scan từ máy scan chuyên dụng, các hồ sơ giấy truyền thống sẽ được chuyển thành các định dạng số PDF, TIFF, JPG, PNG, … để lưu trữ và duy trì lâu dài trên nền tảng số); biên tập tài liệu; thu thập dữ liệu điện tử (từ điện thoại, camera, các thiết bị ngoại vi có khả năng ghi nhớ thông tin,…); đánh giá, xử lý dữ liệu điện tử như âm thanh, hình ảnh (; ghi âm, ghi hình có âm thanh (OBS Studio;…) và các chứng cứ số khác còn gặp tương đối nhiều khó khăn và cần sự giúp đỡ từ các cán bộ trẻ có khả năng thích ứng với công nghệ thông tin hơn.

Bên cạnh đó, với sự phát triển không ngừng nghỉ của ngành công nghiệp số trong mọi mặt của đời sống xã hội, nên việc phát hiện, thu giữ các chứng cứ điện tử cũng thường xuyên xảy ra trong các hoạt động tố tụng hình sự, dân sự (quá trình bắt giữ, khám xét, thu thập tài liệu chứng cứ của Toà án,…). Do hạn chế về kinh nghiệm và kỹ năng, nên khi Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát các hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc thu giữ tài liệu, chứng cứ còn chưa thực sự đảm bảo, ví dụ: khi phát hiện một đoạn videoclip ghi nhận hình ảnh có liên quan đến 01 vụ việc cụ thể, Kiểm sát viên mới chỉ kiểm sát hoạt động thu giữ theo cách thức thông thường của Cơ quan điều tra mà chưa sử dụng các công cụ công nghệ để đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu thu giữ như hàm băm (mã Hash). Việc áp dụng các công cụ điện tử cụ thể sẽ đảm bảo hơn so với cách thức lưu trữ truyền thồng trong các thiết bị chất và tiến hành niêm phong như một vật chứng thông thường khác. Điều đó khiến cho việc kiểm sát chưa thực sự chặt chẽ và đảm bảo như khi áp dụng so sánh với việc thu giữ các chứng cứ vật chất.

Đ/c Lưu Văn Hưng – CVP giới thiệu về phần mềm trợ lý ảo trong Ngành Kiểm sát Quảng Ninh

Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, vấn đề đào tạo và nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cần phải được được đẩy mạnh, nhất là tập trung đào tạo những cán bộ có khả năng tiếp thu và nắm bắt tốt được các kiến thức này – đào tạo chuyên gia. Bên cạnh đó, trong quá trình phân công công tác liên quan đến lĩnh vực này cần giao cho những cán bộ đã được đào tạo và có kinh nghiệm thực tế để đảm bảo tính toàn vẹn của chứng cứ, làm căn cứ xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả hơn.

Việc đào tạo, nâng cao nhận thức về chứng cứ điện tử, cách thức thu giữ chứng cứ điện tử, sẽ giúp cho Kiểm sát viên hiểu rõ và kết hợp có hiệu quả giữa chứng cứ điện tử với các chứng cứ vật chất khác trong việc xây dựng báo cáo, đánh giá chính xác các vụ việc, vụ án để đưa ra những quyết định chính xác, đảm bảo quy định pháp luật.

Cùng với báo cáo giấy truyền thống, tập trung đào tạo xây dựng báo cáo điện tử (báo cáo sơ đồ hoá, báo cáo sơ đồ tư duy). Đây là một dạng bản đồ chứng cứ được Kiểm sát viên xây dựng để trình bày các chứng cứ và các vấn đề quan trọng của vụ án hình sự, có sự sắp xếp theo mục đích của báo cáo (đề xuất bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; đề xuất phê chuẩn khởi tố bị can; báo cáo về các vấn đề còn mâu thuẫn cần tiếp tục điều tra làm rõ,…). Trong đó, các vẫn đề trình bày trên báo cáo điện tử được liên kết với nhau nhằm chứng minh hoặc làm sáng tỏ các nội dung của vụ việc, vụ án, giúp Lãnh đạo Viện dễ dàng nắm bắt nội dung báo cáo, thể hiện rõ quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên. Từ đó, Lãnh đạo Viện có thể đưa ra Quyết định giải quyết một cách nhanh chóng, chính xác, không để xảy ra oan, sai hay bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, chuyên gia đào tạo – những người có cả kiến thức pháp luật, trình độ công nghệ thông tin và kinh nghiệp thực tiễn là nhân tố quan trọng, cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác đào tạo. Muốn vậy, cần có định hướng đào tạo được các chuyên gia trong lĩnh vực này, thông qua kết hợp đa dạng hoá các hình thức đào tạo như: phân công những vụ án, vụ việc liên quan đến chứng cứ điện tử, tội phạm công nghệ cao; tham gia các lớp tập huấn; tổ chức các cuộc thi liên quan đến kỹ năng (thuyết trình, tranh luận, đánh giá chứng cứ điện tử, xây dựng báo cáo điên tử,…) để rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm truyền tải thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm cho các  đồng nghiệp chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đồng thời cũng phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho những chuyên gia này bởi các chuyên gia trong cả lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như các chuyên gia nước ngoài vì đây là loại tội phạm không có tính chất biên giới với cách thức phạm tội liên tục thay đổi.

Thứ hai, về cơ sở vật chất: Đây là khó khăn chung đối với các ngành thực thi pháp luật nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Viện kiểm sát như: số hoá hồ sơ, xây dựng báo cáo sơ đồ hoá, báo cáo sơ đồ tư duy, trình chiếu tài liệu số hoá tại phiên toà (hình sự, dân sự,…), tổ chức phiên toà trực tuyến,… đòi hỏi các trạng thiết bị điện tử với những thông số kĩ thuật ở mức cao hơn khá nhiều so với thiết bị hoạt động cho ứng dụng văn phòng cơ bản như Microsoft Office. Hơn thế nữa, ở các hoạt động thu thập chứng cứ như ghi âm ghi hình có âm thanh, thiết bị truy xuất dữ liệu điện tử, các phần mềm và thiết bị thu giữ dữ liệu điện tử,… đòi hỏi phải trang bị những thiết bị điện tử có tính kĩ thuật cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy do mức độ trang cấp cho lĩnh vực tư pháp nói chung còn thấp và chưa thực sự đánh giá đúng tính chất phức tạp của lĩnh vực này nên những cơ sở vật chất được trang cấp nhiều khi chưa đủ để đáp ứng được với nhu cầu của công việc. Ví dụ khi chúng ta thu giữ các hình ảnh trong các thiết bị chứa dữ liệu điện tử (camera an ninh, camera hành trình,…) vẫn chủ yếu thu giữ bằng cách trích xuất bằng chính thiết bị đó, điều đó có thể không đầy đủ hoặc không kịp thời khi chúng ta không có các thiết bị thu giữ chuyên dụng đối với những dữ liệu hình ảnh này.

Do đó, cần có những đánh giá và tiêu chí cụ thể về trang thiết bị phù hợp với nhu cầu công việc của Ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới, mà không thể tiếp tục áp các tiêu chí đây là lĩnh vực văn phòng đơn thuần. Để giải quyết vấn đề này cần đòi hỏi sự hỗ trợ của các cấp, các ngành nhằm đẩy mạnh cơ sở vật chất, một trong các nội dung quan trọng được ghi nhận trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay. Ngoài ra cũng cần tránh việc trang cấp thiết bị điện tử một cách cào bằng phổ biến mà cần có sự khảo sát, đánh giá cụ thể rồi căn cứ dựa trên tính chất công việc của từng đơn vị để có kế hoạch trang bị từng loại thiết bị cho phù hợp và có kế hoạch sử dụng chung khi cần thiết, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ ba, về cơ sở pháp lý: Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân là một bước tiến đưa ngành Kiểm sát vào hội nhập công nghệ với thế giới Internet mở, tuy nhiên với các quy định về “Bảo vệ bí mật Nhà nước” khiến cho việc thao tác nghiệp vụ thông qua thiết bị máy tính sẽ hạn chế rất nhiều. Ví dụ như đối với các báo cáo được quy định là tài liệu được bảo quản ở dạng “Mật hay các tài liệu đang trong quá trình điều tra mà chưa công khai tại phiên toà dẫn tới việc chuyển giao và lưu chuyển tài liệu vẫn thực hiện ở dạng giấy mà không thể được chuyển và lưu trữ ở dạng kĩ thuật số. Điều đó đòi hỏi phải có một hệ thống mạng riêng kết nối Internet có tính chất bảo mật cao để các cơ quan tư pháp có hệ thống truy xuất dữ liệu đồng bộ và đảm bảo các quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần thiết có hệ thống thông tin được triển khai đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo việc sử dụng tài nguyên số một cách hiệu quả, thuận lợi.

Về quy định trong thu thập chứng cứ, các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Viện kiểm sát nhân dân nói riêng gặp rất nhiều rào cản trong việc thu thập chứng cứ điện tử, đặc biệt là việc thu thập thông tin cá nhân thông qua các số điện thoại, địa chỉ IP (internet protocol: giao thức Internet) được đăng ký tại các công ty ở Việt Nam, nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn do sự hạn chế rong quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân của các công ty liên quan. Hiện tại, chưa có một quy định cụ thể nào trong lĩnh vực này để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng ban hành các yêu cầu thu thập chứng cứ, từ đó mở rộng nguồn chứng cứ một cách hiệu quả đối với loại chứng cứ điện tử này.

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế đang diễn ra tại các Viện kiểm sát hân dân cấp huyện khi thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số cần được giải quyết kịp thời trong thời gian tới nhằm đáp ứng được nhu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới cũng như tăng tính hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Hơn thế nữa, bất kì quá trình chuyển đổi và áp dụng cái mới nào cũng sẽ gặp những khó khăn và rào cản, tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu nên cần phải thích nghi để phát triển. Do vậy, đòi hỏi sự cố gắng và điều chỉnh trong cả nhận thức và hành động của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và toàn bộ hệ thống cơ quan tư pháp mới đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Vũ Đức Ninh_Viện kiểm sát Uông Bí

Tin tức mới nhất